Nhật Bản là một quốc gia có diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng đất dành cho sản xuất nông nghiệp có độ màu mỡ không cao. Tuy vậy nền nông nghiệp của Nhật Bản lại đạt được phát triển với trình độ cao thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới hiện nay. Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, trong đó chú trọng vào ứng dụng các thành tựu khoa học hiện đại và phát triển các ngành dịch vụ cho nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển
nông nghiệp hiện đại, bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Những kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ và giải quyết quan hệ lợi ích của các tầng lớp xã hội trong sản xuất nông nghiệp của của Nhật bản có thể rút ra cụ thể như sau:
Một là, phát triển dịch vụ khoa học - kỹ thuật, khuyến nông trong nông
nghiệp.Để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Chính phủ Nhật Bản đã định hướng nghiên cứu vào các công nghệ hướng đến bảo vệ đất nông nghiệp như: thực hiện trồng xen canh giữa các loại cây lương thực, rau màu với các loại cây họ đậu để cải tạo và bảo vệ độ phì nhiêu của đất; hoàn thiện quy trình quản lý và kỹ thuật tưới tiêu để đảm bảo phát triển nông nghiệp nhưng không gây thất thoát lãng phí nguồn tài nguyên nước; tiến hành lai tạo và sử dụng trên diện rộng những giống cây trồng vật nuôi có khả năng kháng bệnh, chịu được những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết... Để có được các thành tựu khoa học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép thành lập Viện quốc gia về khoa học nông nghiệp và thành lập các viện nghiên cứu vùng để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo lợi thế của từng vùng. Thông qua việc đặt hàng các viện nghiên cứu những chương trình phát triển nông nghiệp, chính phủ Nhật Bản thực hiện chuyển giao các nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho hộ nông dân và các hợp tác xã để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, việc tăng cường gắn kết hoạt động giữa viện nghiên cứu nông nghiệp với các trường đại học, các tổ chức tư vấn nông nghiệp để tuyên truyền, phổ biến cho nông dân các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, các kỹ năng sản xuất, quản lý nông hộ và nắm bắt các yêu cầu của thị trường.
Hai là, phát triển các mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp và các hợp
tác xã cung ứng dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật Bản được hình thành từ năm 1843 nhằm phục vụ các hoạt động tín dụng của nông dân, trong giai đoạn đầu hợp tác xã phát triển tự phát và không có quy định của luật pháp. Luật hợp tác xã Nhật Bản đầu tiên ra đời năm 1900 và
quy định về 5 loại hình hợp tác xã (hợp tác xã tín dụng, tiếp thị, mua bán, sản xuất và tiêu dùng). Năm 1947 Luật hợp tác xã nông nghiệp ra đời và phân chia tổ chức hợp tác xã thành 3 cấp: cấp trung ương là Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản (JA) bao gồm: Liên hiệp HTX nông nghiệp quốc gia Nhật Bản (ZEN-NOH), Liên đoàn bảo hiểm hợp tác xã nông nghiệp quốc gia (Zenkyoren), Tổng công ty du lịch Nokyo (N Tour), ngoài ra còn có Liên đoàn xuất bản và thông tin hợp tác xã nông nghiệp quốc gia, hiệp hội IE- NOHIKARI về các hoạt động xuất bản, giáo dục và văn hóa; ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và Liên đoàn hợp tác xã địa phương (Prefecture level) hoặc văn phòng của các Liên đoàn Quốc gia; ở cấp thành phố trực thuộc tỉnh và các làng, xã thì có hợp tác xã nông nghiệp đa chức năng cơ sở và hợp tác xã chuyên ngành cơ sở. Với mô hình hợp tác xã được thành lập từ trung ương tới địa phương có tính liên kết chặt chẽ đã thu hút tới gần 9 triệu xã viên tham gia (Nhật bản có khoảng 10 triệu nông dân chiếm 7,8% dân số) và có khoảng 3 triệu hộ nông dân chiếm 6,4% số hộ gia đình ở Nhật Bản (Nhật Bản có khoảng 50 triệu hộ gia đình) ngoài ra còn có khoảng 3 triệu người lao động trong các ngành nghề có liên quan tới nông nghiệp tự nguyện tham gia vào các hợp tác xã. Các hợp tác xã ở Nhật hoạt động đa chức năng và bao quát gần như toàn bộ mọi lĩnh vực đời sống của người nông dân, từ đào tạo tay nghề cho nông dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hợp tác để nâng cao mức sống và mở rộng hoạt động văn hóa, hỗ trợ liên kết để mở rộng đất nông nghiệp, khai thác các công trình thủy lợi, hướng dẫn thành lập trang trại, nghiên cứu thị trường, bảo quản và vận chuyển nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phúc lợi công cộng, thành lập bệnh viện phục vụ nông dân tới các hoạt động nhằm nâng cao quyền công dân. Vì lẽ đó, ở Nhật có tới trên 96% nông dân tham gia vào các hợp tác xã [25].
Như vậy, có thể thấy quan hệ lợi ích giữa Chính phủ Nhật Bản với các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng nông sản hữu cơ hài hòa và không có sự xung đột lợi ích. Chính phủ Nhật Bản tạo những điều kiện tốt nhất để các chủ
thể trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản hữu cơ phát triển và lớn mạnh, thu được lợi nhuận cao. Từ đó, Chính phủ Nhật Bản đạt được mục tiêu và lợi ích của mình là xây dựng được nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của người dân trong nước và thế giới.