Nhận thức của các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển nền sản xuất hữu cơ hiệu quả, bền vững. Việc hài hòa quan hệ lợi ích phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của các chủ thể, nhất là niềm tin chiến lược trong sản xuất. Thời gian qua, nhận thức của các chủ thể về quan hệ liên kết sản xuất, cũng như quan hệ lợi
ích trong phát triển nông nghiệp hữu cơ còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến tính bền vững của quan hệ liên kết sản xuất giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, cần phải có giải pháp nâng cao nhận thức mọi mặt của các chủ thể nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Để nâng cao nhận thức của các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ cần thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức cho các chủ thể về vị trí, vai trò và lợi ích kinh tế trong phát triển NNHC.
Để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ cần bất đầu từ nhận thức của các chủ thể về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, hợp đồng liên kết kinh tế, vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, kiến thức pháp luật về thị trường,.. Muốn vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền đối với các chủ thể. Tuyên truyền có tác dụng làm cho các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ nhận thức đầy đủ về những lợi ích mình thu được khi tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản hữu cơ. Đồng thời khiến cho các chủ thể xác định được vị trí, vai trò của mình trong chuỗi giá trị này, qua đó tạo ra niềm tin và sự đồng thuận giữa các chủ thể. Nội dung tuyên truyền cần đảm bảo nguyên tắc tự do dân chủ, cần tập trung vào các vấn đề quan trọng của phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Nâng cao nhận thức của các chủ thể về tính tất yếu khách quan và các lợi ích của các chủ thể khi tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là vai trò của của việc đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích đối với sự phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn; Công khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để các chủ thể nhận thức được và tham gia liên kết phát triển nông nghiệp hữu cơ để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ đó; Tăng cường tuyên truyền những mô hình có hiệu quả, những bài học kinh nghiệm từ các mô hình thành công trên thế giới và các địa phương để các chủ thể có thể vận dụng; Tuyên truyền cho các chủ thể ý thức
tuân thủ pháp luật, thực hiện nghiêm túc các hợp đồng liên kết, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, cần: Một là, mở rộng các hình thức tuyên truyền. Tuyên truyền trên các loại phương tiện thông tin đại chúng như internet, truyền hình, đài phát thanh, ở nhiều mục như tin nhanh, thời sự, bản tin nhà nông, bản tin thị trường,… Bên cạnh đó, là trên các ấn phẩm xuất bản như báo, tạp chí, chuyên san, kỷ yếu hội thảo, đề tài các cấp,... Thường xuyên tổ chức các Hội thảo khoa học, Diễn đàn khuyến nông,... cùng với gặp gỡ, trao đổi các chủ thể cùng tham gia phát triển NNHC. Hai là, đổi mới phương pháp tuyên truyền. Đổi mới và lựa chọn phương pháp tuyên truyền hiệu quả đối với các chủ thể, nhất là đối với nông dân - chủ thể có trình độ dân trí thấp, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế, theo đuổi lợi ích trước mắt phổ biến. Cần phát huy cao độ vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn trong thực hiện công tác tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích trong phát triển NNHC. Ba là, phối hợp tuyên truyền có hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với ngành nông nghiệp, chính quyền cơ sở của Thành phố. Các cơ quan báo Thành phố cần phối hợp với nhau cùng với các cơ quan báo chí trung ương thực hiện tuyên truyền không chỉ cho Hà Nội mà cần tăng cường tuyên truyền những sự kiện liên quan đến vấn đề nông nghiệp của các vùng bằng thực tiễn sinh động; mở rộng mạng lưới cộng tác viên chuyên ngành nông nghiệp. Đưa các nội dung tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp hữu cơ vào các mô hình hoạt động của các Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”... Báo cáo viên trong các buổi lồng ghép nói chuyện chuyên đề phải là người có kiến thức chuyên ngành sâu rộng về lĩnh vực được trình bày và am về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Mặt khác, cần phát huy vai trò của cộng đồng dân cư nông thôn để tuyên truyền tới những người sản xuất như: gia đình - dòng họ - làng xã để
hình thành những cộng đồng có ý thức trong bảo vệ môi trường và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Thứ hai, chính quyền thực hiện thường xuyên cung cấp thông tin về chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm NNHC cũng như lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường đến cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư nông thôn. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong
việc tích cực vận động thực hiện sản xuất, kinh doanh nông nghiệp xanh để góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân về dịch vụ cho nông nghiệp xanh từ việc thay đổi phương thức sản xuất, quy trình kỹ thuật đến tăng tính liên kết, khơi mở thị trường cho nền nông nghiệp xanh. Cung cấp thông tin về các quy định kỹ thuật và yêu cầu chủ yếu về nông sản xanh của các tổ chức quốc tế và Việt Nam tới người dân, doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm mà họ sản xuất ra, và tránh được tất cả các nguy cơ tiềm tàng như rủi ro từ nguồn nước ô nhiễm hoặc ô nhiễm vi sinh vật hay hóa chất. Những thông tin này cần được bổ sung, cập nhật và có hướng dẫn cụ thể đối với người dân, doanh nghiệp. Lồng ghép xây dựng những chương trình khuyến nông cho dịch vụ nông nghiệp xanh trong các chương trình truyền hình để giới thiệu, quảng bá các mô hình sản xuất NNHC, các tiêu chuẩn kỹ thuật NNHC của Việt Nam và quốc tế, thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất NNHC trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tổ chức sản xuất đồng bộ và quản lý môi trường nông nghiệp kỹ càng, hiệu quả.
Thứ ba, chú trọng thay đổi tập quán sản xuất, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia phát triển NNHC. Một bộ phận lớn nông dân
hiện nay trình độ học vấn còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu, trình độ không đồng đều nên việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất còn hạn chế, gặp nhiều trở ngại. Yêu cầu đặt ra của người nông dân ngày nay phải có trình độ học vấn, có tay nghề, có phẩm chất đạo đức, có lối sống văn minh, có kiến thức pháp luật và chấp hành tốt pháp luật. Phải tạo
dần thói quen làm ăn trong môi trường tập thể, liên kết, hợp tác. Có như vậy mới phát huy sức mạnh, khắc phục điểm yếu, giảm bớt rủi ro, tạo nên lợi thế mà sản xuất riêng lẻ không làm được hoặc làm được nhưng hiệu quả không cao. Phải khẳng định rằng sản xuất theo mô hình liên kết, hợp tác là nền tảng để tiến dần lên sản xuất lớn, là con đường ngắn nhất để đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất lớn. Do đó, cần tuyên truyền sâu rộng để nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao nhận thức, kỹ năng trong việc tự quản lý quy trình sản xuất hữu cơ. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác khuyến nông, đưa nhiều bộ giống mới, biện pháp canh tác mới để nông dân chuyển đổi tập quán tập quán sản xuất. Tổ chức các buổi tọa đàm, thực tế nhằm giới thiệu các mô hình canh tác có hiệu quả để nông dân có thể làm theo.
tăng cường công tuyên truyền về vị trí, vai trò và ý nghĩa của phát triển sản xuất NNHC cho cán bộ, công chức cấp cơ sở và các chủ thể bằng nhiều hình thức như: sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm giải đáp thắc mắc, thi tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở các thôn...; biên soạn tài liệu giới thiệu về tác dụng và lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với phát triển nông nghiệp nói riêng và đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung để phát cho các hộ nông dân trong các buổi sinh hoạt cộng đồng; thực hiện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường, các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP, PGS... tới người nông dân.