Các phương pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Một phần của tài liệu 1331 phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực trạng và giải pháp luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 26 - 30)

Về bản chất, việc phòng ngừa RRTG chính là việc sử dụng các biện pháp hạn chế sự tác động không có lợi do biến động bất thường của giá cả đồng tiền ngoại tệ gây ra cho DN tại thời điểm thanh toán trong tương lai đến một mức nhất định, mà tại đó, lợi nhuận hay thua lỗ của DN đạt được mức độ chấp nhận được và không làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh, hay nói các khác chính là cố định giá trị của tỷ giá hối đoái tại một mức giá cụ thể.

1.2.3.1. Phòng ngừa rủi ro tỷ giá tự nhiên

Doanh nghiệp có thể tự phòng ngừa, bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho chính mình bằng các phương pháp sau:

+ Sử dụng hợp đồng xuất nhập khẩu song hành. Đây là phương pháp tự bảo hiểm rủi ro tỷ giá đơn giản bằng cách tiến hành song hành cùng một lúc cả 2 hợp đồng xuất khẩu và nhập khẩu có giá trị và thời hạn tương đương nhau. Bằng cách này nếu USD lên giá so với VND thì DN sẽ sử dụng phần lãi do biến động tỷ giá từ hợp đồng xuất khẩu để bù đắp phần tổn thất do biến động tỷ giá của hợp đồng nhập khẩu và ngược lại. Như vậy, dù USD có lên giá hay xuống giá, rủi ro tỷ giá luôn được trung hòa. Cách này đơn giản, hữu hiệu, dễ thực hiện và ít tốn kém nếu như DN có thể hoạt động đa dạng hóa cả XK và NK. Tuy nhiên, vấn đề của phương pháp này là doanh nghiệp có đồng thời hoạt động thường xuyên trên cả 2 lĩnh vực và khả năng có thể tìm kiếm được cùng một lúc cả 2 hợp đồng có cùng thời điểm, thời hạn và giá trị tương đương nhau hay không.

+ Lựa chọn đồng tiền thanh toán: Để giảm thiểu rủi ro do biến động tỷ giá hối đoái, giải pháp khác là thanh toán bằng đồng nội tệ thay vì ngoại tệ, vì như vậy DN sẽ biết chắc chắn số tiền mình sẽ nhận hay sẽ trả vào thời kỳ thanh toán đã quy định trên hợp đồng. Tuy nhiên, việc thanh toán bằng đồng nội tệ không phải khi nào cũng thực hiện được vì lợi ích của nhà NK và nhà XK cũng như của người cho vay và người đi vay là hoàn toàn đối nghịch nhau. Nhà NK và người đi vay sẽ có lợi khi sử dụng đồng tiền thanh toán là đồng tiền yếu; ngược lại, nhà XK và người cho vay lại muốn được thanh toán bằng đồng tiền mạnh. Việc sử dụng đồng tiền nào làm đồng tiền thanh toán trong hợp đồng mua bán ngoại thương hay hợp đồng tín dụng quốc tế nói chung phụ thuộc vào các yếu tố như sự so sánh lực lượng giữa hai bên ký kết, vị trí đồng tiền đó trên thị trường quốc tế, tập quán sử dụng đồng tiền thanh toán trên thế giới, đồng tiền thanh toán thống nhất trong các khu vực kinh tế thế giới.

+ Áp dụng điều khoản giá linh hoạt: Việc áp dụng các điều khoản giá linh hoạt cho phép các DN XNK giảm thiểu phần nào những rủi ro do biến động tỷ giá gây ra. Khi áp dụng điều khoản này, nhà XK và NK chấp nhận điều chỉnh giá theo sự biến động tỷ giá của đồng tiền thanh toán. Do đó điều khoản này trong hợp đồng còn được gọi là điều kiện đảm bảo theo giá cả hàng hóa. Theo đó, nếu tỷ giá của đồng tiền thanh toán tăng, giá hàng XNK sẽ được điều chỉnh giảm xuống; nếu tỷ giá của đồng tiền thanh toán giảm, giá sẽ được điều chỉnh tăng. Căn cứ để xác định sự tăng giảm tỷ giá của đồng tiền thanh toán do hai bên thỏa thuận, có thể là vàng, một đồng tiền khác tương đối ổn định, rổ tiền tệ ... Khi quy định điều khoản này trong hợp đồng, các bên có thể đưa ra một mức giới hạn miễn trừ theo đó chỉ khi tỷ giá biến động quá mức đó mới thực hiện điều chỉnh giá.

+ Áp dụng điều khoản chia sẻ rủi ro: Theo điều khoản này, khi ký hợp đồng ngoại thương, các bên cam kết với nhau mỗi bên sẽ chịu một phần hậu quả của rủi ro tỷ giá do biến động tỷ giá hối đoái gây nên trong khoảng thời gian từ lúc ký hóa đơn cho đến lúc thanh toán. Thường tỷ lệ theo quy định là mỗi bên chịu 50% rủi ro, nhưng các bên có thể thương lượng áp dụng một tỷ lệ khác. Ngoài ra trong hợp đồng ngoại thương, các bên có thể quy định những điều khoản quyền chọn cho phép khi tỷ giá biến động tới một mức nào đó, trong những điều kiện nhất định, các bên có thể sử dụng một đồng tiền khác làm đồng tiền thanh toán thay cho đồng tiền đã quy định trong hợp đồng.

+ Các kỹ thuật bảo hiểm hoạt động: Bên cạnh việc sử dụng các hợp đồng phái sinh để bảo hiểm, DN còn có thể sử dụng các kỹ thuật hoạt động để bảo hiểm như ghi hóa đơn bằng bản tệ, áp dụng chiến lượng Lead/lag (đẩy mạnh việc thanh toán hay làm chậm quá trình thanh toán) và marketing. Ghi hóa đơn bằng bản tệ thì Doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ không phải gánh chịu RRTG nữa nhưng không phải lúc nào DN cũng có thể thực hiện được

điều này do còn phụ thuộc vào người mua. Nếu đồng tiền thanh toán đang bị xuống giá Doanh nghiệp xuất khẩu nên trì hoãn thanh toán (lag) còn Doanh nghiệp nhập khẩu nên đẩy nhanh thanh toán (Lead) do hợp đồng đang bị mất giá. Ngược lại, nếu đồng tiền nên giá thì Doanh nghiệp xuất khẩu nên đẩy nhanh thanh toán cón Doanh nghiệp nhập khẩu nên trì hoãn. Netting là biện pháp mà DN thực hiện một giao dịch với trạng thái đối nghịch trạng thái ngoại tệ hiện tại của DN. Mặc dù các kỹ thuật hoạt động đơn giản hơn việc sử dụng các hợp đồng phái sinh, việc áp dụng các kỹ thuật này phụ thuộc rất nhiều vào tương quan giữa người mua và người bán do hệ quả của các giải pháp này là đẩy RRTG cho đối tác.

1.2.3.2. Sử dụng quỹ dự phòng rủi ro tỷ giá

Nếu Doanh nghiệp không thể có được cùng lúc 2 hợp đồng XK và NK có cùng thời điểm thực hiện, thời hạn thanh toán và giá trị tương đương nhau, Doanh nghiệp có thể sử dụng quỹ dự phòng để tránh RRTG. Theo phương pháp này, khi nào kiếm được phần lợi nhuận dôi thêm do biến động tỷ giá thuận lợi, DN sẽ trích phần lợi nhuận này lập ra quỹ dự phòng bù đắp. Cách này đơn giản và ít tốn chi phí khi thực hiện.

Vấn đề đặt ra là phải thực hiện tốt thủ tục kế toán và công tác quản lý quỹ dự phòng hiệu quả sao cho quỹ này hoạt động đạt được mục tiêu đề ra đồng thời phải nghiên cứu kỹ tình hình biến động tỷ giá vì doanh nghiệp phải đối mặt với trường hợp lỗ tỷ giá quá lớn.

1.2.3.3. Sử dụng các công cụ tài chính phái sinh

Các công cụ tài chính phái sinh là một hợp đồng tài chính giữa hai hoặc nhiều bên để giao dịch một tài sản vào một thời điểm trong tương lai với một mức giá được ấn định trước, nhằm các mục đích khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo ra lợi nhuận. Trong hoạt động XNK, các công cụ phái sinh được sử dụng chủ yếu nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá, khi mà lợi

ích của các DN gắn liền với những biến động của tỷ giá trên thị trường. Thông qua việc sử dụng công cụ phái sinh, các DN có thể phòng ngừa rủi ro tỷ giá nếu hai điều kiện cơ bản được đáp ứng:

- Ngoại tệ làm phát sinh rủi ro hoặc ngoại tệ liên quan mật thiết với nó được giao dịch trên thị trường tài chính.

- Thu nhập chịu rủi ro, mức độ rủi ro và thời điểm phòng ngừa rủi ro được tính toán tương đối chính xác và hợp lý.

Điều kiện thứ nhất liên quan đến thể chế hoạt động cũng như các quy định của Nhà nước để phát triển thị trường tài chính.

Điều kiện thứ hai giới hạn hiệu quả việc sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro kinh tế vì bản chất của các loại rủi ro này là không chắc chắn và luôn biến động theo thời gian. Vì vậy việc dự báo được biến động của tỷ giá đòi hỏi phải được đặc biệt quan tâm trong doanh nghiệp.

Việc áp dụng phương pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá thế nào cho hợp lý tùy thuộc vào nhiều yếu tố cũng như chi phí, hiệu quả đem lại của phương án đó.

Một phần của tài liệu 1331 phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực trạng và giải pháp luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(106 trang)
w