Nhân tố chủ quan là những nhân tố thuộc về phía nội tại của Doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Phải kể đến đó là: quy mô doanh nghiệp, giá trị giao dịch của hợp đồng, mức độ sử dụng đòn bẩy, tốc độ tăng trưởng doanh số,...
Quy mô của doanh nghiệp: Quy mô của doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc tính toán các chi phí liên quan đến việc phòng ngừa hoặc phạm vi phòng ngừa rủi ro. Phòng ngừa rủi ro bao gồm chi phí cố định của việc cài đặt công nghệ thông tin và đào tạo, tuyển dụng nhân sự để nghiên cứu, theo dõi diễn biến và dự báo biến động của tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp lớn còn có thể được xem là các khách hàng uy tín cho các giao dịch kỳ hạn hoặc hoán đổi, qua đó có thể giảm bớt chi phí phòng ngừa rủi ro.
Ngoài ra, quy mô cũng ảnh hưởng đến khẩu vị chịu đựng rủi ro của doannh nghiệp, quyết định đến việc có phòng ngừa rủi ro hay không, mức độ phòng ngừa nhiều hay ít....
Giá trị giao dịch của hợp đồng: Giá trị càng lớn, thời gian thực hiện kéo dài có thể bị ảnh hưởng mạnh nếu xảy ra biến động tỷ giá trong thời gian thực hiện hợp đồng. Tỷ giá dù thay đổi nhỏ nhưng khi ảnh hưởng đến hợp đồng giá trị lớn thì cũng tạo ra thiệt hại đáng kể. Kéo theo là sự thay đổi trong kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh đã đề ra trước đó, làm xáo trộn số liệu, báo cáo tài chính, gây nên thiệt hại cho doanh nghiệp.
Mức độ sử dụng đòn bẩy: Theo lý thuyết phòng ngừa rủi ro, các Doanh nghiệp có đòn bẩy cao có nhiều lợi thế và ưu đãi hơn trong phòng ngừa bởi điều đó làm giảm thiểu khả năng và chi phí kiệt quệ tài chính. Những Doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao có khuynh hướng tránh sử dụng nợ nước ngoài và sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro.
Tính thanh khoản và khả năng sinh lợi: Doanh nghiệp với các tài sản có tính thanh khoản cao hoặc khả năng sinh lợi cao ít có xu hướng tham gia phòng ngừa rủi ro bởi vì ít có khả năng những Doanh nghiệp này rơi vào khó khăn về tài chính. Hơn nữa tài sản có tính thanh khoản cao dễ dàng chuyển đổi sang loại tài sản khác nếu có dấu hiệu rủi ro xảy ra nhằm hạn chế thiệt hại
Tốc độ tăng trưởng của doanh số: Tốc độ tăng trưởng của doanh số là một nhân tố quyết định vì đối với những doanh nghiệp có chỉ tiêu này tốt, phòng ngừa rủi ro tỷ giá sẽ giúp giảm thiểu khả năng phải dựa vào tài trợ từ bên ngoài, từ đó tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.