Hiện nay, Agribank Chi nhánh Bắc Giang II chưa xây dựng được hệ thống văn bản quy định hoạt động quản trị rủi ro lãi suất. Hoạt động quản trị rủi ro lãi suất tại ngân hàng mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện một số biện pháp để hạn chế rủi ro, điển hình là thay đổi cơ cấu bảng tổng kết tài sản hoặc điều chỉnh lãi suất đầu vào - đầu ra của bộ phận quản trị rủi ro khi nhận thấy rủi ro lãi suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của Chi nhánh. Cách làm này mang tính thụ động, hiệu quả không cao vì chỉ hạn chế một phần tác động tiêu cực của rủi ro lãi suất khi nó đã xảy ra. Do vậy, Agribank Chi nhánh Bắc Giang II cần chủ động hơn trong công tác quản trị rủi ro lãi suất. Để làm được việc này thì điều quan trọng trước hết là phải để ra các chính sách, văn bản về quản trị rủi ro lãi suất. Các chính sách, văn bản pháp lý về quản trị rủi ro lãi suất cần quy định cụ thể những vấn đề sau:
- Xác định rõ mục tiêu và nội dung cần thực hiện để hạn chế và kiểm soát rủi ro lãi suất
- Quy định cụ thể trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi của các bộ phận, cá nhân có liên quan tới quy trình quản trị rủi ro
- Xác định những hạn mức rủi ro lãi suất mà chi nhánh có thể chấp nhận được.
- Thiết lập hệ thống đo lường rủi ro một cách toàn diện, thống nhất. Các phương pháp đo lường rủi ro cần phải được nêu cụ thể về những giả định cơ bản và cách đo lường rủi ro
- Quy định những phương pháp phòng ngừa rủi ro mà Chi nhánh có thể sử dụng, nêu ra ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp, đưa ra các khuyến nghị
khi sử dụng trong các trường hợp cụ thể.
- Quy định phương thức đánh giá mức độ tổn thất có thể xảy ra trong điều kiện thị trường có những biến động xấu ngoài dự tính ban đầu, cần cân nhắc những tổn thất này trong suốt quá trình hoạt động của Chi nhánh.
Để có được chính sách hiệu quả về quản trị rủi ro lãi suất, Ban lãnh đạo Agribank Chi nhánh Bắc Giang II cùng đội ngũ cán bộ quản trị rủi ro lãi suất tại chi nhánh cần phải:
- Xây dựng chiến lược quản trị rủi ro lãi suất trong dài hạn và những kế hoạch trong ngắn hạn, chiến lược này phải phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của chi nhánh.
- Định kỳ rà soát các chính sách về quản trị rủi ro lãi suất, ít nhất là mỗi năm một lần để đánh giá về mức độ hiệu quả của các chính sách đã đề ra và có những điều chỉnh phù hợp khi có những tình huống mới phát sinh.
Mặt khác, Chi nhánh cũng cần đẩy mạnh và nâng cao tính chính xác trong hoạt động dự báo sự biến động của lãi suất, từ đó có thể chủ động điều chỉnh cơ cấu bang tổng kết tài sản của ngân hàng cho phù hợp, nhằm thu được lợi nhuận từ sự biến động của lãi suất thị trường, đồng thời xác định thu nhập lãi ròng dự tính trong tương lai, từ đó thực hiện việc mua/bán các sản phẩm tài chính phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất.