Chức năng và hoạt động của Ngân hàng Trung ương

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN NỘI BỘTẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM (Trang 25 - 27)

1.2.2.1. Khái niệm Ngân hàng Trung ương

Sự ra đời và phát triển của NHTW bắt nguồn từ vai trò độc quyền phát hành tiền và người cho vay cuối cùng.

“NHTW là một định chế công cộng, có thể độc lập hoặc trực thuộc Chính phủ; thực hiện chức năng độc quyền phát hành tiền, là ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng của Chính phủ và chịu trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về các hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng”

Các nước tư bản phát triển có hệ thống ngân hàng phát triển lâu đời như

Pháp, Anh... thì thành lập NHTW bằng cách quốc hữu hoá ngân hàng phát hành thông qua mua lại cổ phần của các ngân hàng này rồi bổ nhiệm người

điều hành. Ở Việt Nam, NHTW được thành lập thuộc sở hữu của nhà nước, gọi là NHNN Việt Nam.

Là một định chế công cộng của Nhà nước, nhưng mối quan hệ của NHTW với Chính phủ không hoàn toàn giống với các định chế công cộng khác của Nhà nước. Mối quan hệ này ở các nước khác nhau cũng không giống nhau. Tuỳ thuộc vào đặc điểm ra đời của NHTW, thể chế chính trị, nhu cầu của nền kinh tế cũng như truyền thống văn hoá của từng quốc gia mà NHTW có thể được tổ chức theo mô hình trực thuộc hay độc lập với Chính phủ.

Mô hình NHTW trực thuộc Chính phủ là mô hình trong đó NHTW nằm trong nội các Chính phủ và chịu sự chi phối trực tiếp của Chính phủ về nhân sự, về tài chính và đặc biệt về các quyết định liên quan đến việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ. Theo mô hình này, Chính phủ có thể dễ dàng phối hợp chính sách tiền tệ của NHTW đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đảm bảo mức độ và liều lượng tác động hiệu quả của tổng thể các chính sách đối với các mục tiêu vĩ mô trong từng thời kỳ. Điểm hạn chế chủ yếu của mô hình là NHTW sẽ mất đi sự chủ động trong việc thực hiện chính sách tiền tệ. Sự phụ thuộc vào Chính phủ có thể làm cho NHTW xa rời mục tiêu dài hạn của mình là ổn định giá trị tiền tệ, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Mô hình NHTW độc lập với Chính phủ là mô hình trong đó NHTW không chịu sự chỉ đạo của Chính phủ mà là Quốc hội. Quan hệ giữa NHTW và Chính phủ là quan hệ hợp tác. Các NHTW theo mô hình này là Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ, NHTW Thụy sĩ, Anh, Pháp, Đức, Nhật và gần đây là NHTW Châu Âu (ECB). Theo mô hình này, NHTW có toàn quyền quyết định việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ mà không bị ảnh hưởng bởi các áp lực chi tiêu của ngân sách hoặc các áp lực chính trị khác. Tuy nhiên, không phải tất cả các NHTW được tổ chức theo mô hình này đều đảm bảo được sự độc lập hoàn toàn khỏi áp lực của Chính phủ khi điều hành chính sách tiền tệ.

Mức độ độc lập của mỗi NHTW phụ thuộc vào sự chi phối của người đứng đầu nhà nước vào cơ chế lập pháp và nhân sự của NHTW. Điểm bất lợi chủ yếu của mô hình này là khó có sự kết hợp hài hoà giữa chính sách tiền tệ - do NHTW thực hiện và chính sách tài khoá - do Chính phủ chi phối để quản lý vĩ mô một cách hiệu quả.

1.2.2.2. Chức năng của Ngân hàng Trung ương

NHTW thực hiện hai chức năng cơ bản: là ngân hàng của quốc gia và thực hiện chức năng quản lý vĩ mô các hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng nhằm đảm bảo sự ổn định tiền tệ và an toàn cho cả hệ thống ngân hàng, qua đó mà thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN NỘI BỘTẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM (Trang 25 - 27)