Quy trình cho vay bao gồm các bước thực hiện từ khi tiếp nhận nhu cầu vay vốn của khách hàng cho đến khi ngân hàng ra quyết định cho vay, giải ngân, thu nợ và tất toán khoản vay. Tùy theo đặc điểm tổ chức quản lý, mỗi ngân hàng đều xây dựng cho mình một quy trình cho vay riêng, tuy nhiên, nhìn chung quy trình CVTD có những bước căn bản sau:
Bước 1: Tiếp nhận nhu cầu vay vốn, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ.
Đây là bước cơ bản đầu tiên, quan trọng, là bước đầu tiếp cận khách hàng, tiếp nhận nhu cầu vay vốn của khách hàng, thu thập thông tin về khách hàng để làm căn cứ cho giai đoạn thẩm định và ra quyết định cho vay đối với khoản vay.
Tùy theo quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, loại cho vay theo nhu cầu và quy mô khoản vay, cán bộ tín dụng hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn. Hồ sơ vay vốn thường bao gồm những giấy tờ theo quy định của từng ngân hàng khác nhau, tuy nhiên, hồ sơ vay vốn thường bao gồm các thông tin cơ bản sau:
- Hồ sơ nhân thân gồm: chứng minh nhân dân của người vay (của chủ hộ nếu khách hàng vay vốn là hộ gia đình), hộ khẩu thường trú, tình trạng hôn nhân (để xác định người thừa kế).
- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ.
- Các thông tin chứng minh mục đích sử dụng vốn và nguồn thu nhập dùng để trả nợ.
- Các thông tin, giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo (nếu có). - Các giấy tờ liên quan khác.
Bước 2: Thẩm định khách hàng.
Đây là bước phân tích, đánh giá khoản vay về tính khả thi của khoản vay, mục đích sử dụng vốn, khả năng trả nợ gốc và lãi của khách hàng. Vì vậy đây là bước quan trọng quyết định đến chất lượng của khoản vay trong tương lai. Việc thẩm định khoản vay thông thường bao gồm:
- Thẩm định khách hàng dựa trên các yếu tố sau:
+ Tư cách pháp lý, nhân thân của khách hàng vay vốn + Tình hình tài chính, thu nhập của khách hàng. + Khả năng trả nợ.
Công tác thẩm định có thể diễn ra tại trụ sở ngân hàng và nhà ở của khách hàng để trực tiếp kiểm tra nhân thân, tình hình tài chính của khách hàng cũng như thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin do khách hàng cung cấp, hoặc thu thập từ bên ngoài, đặc biệt là về nhân thân của khách hàng.
Bước 3: Quyết định cho vay.
Dựa trên nhu cầu vay vốn của khách hàng và kết quả của quá trình thẩm định khách hàng, căn cứ khả năng mở rộng tín dụng ngân hàng sẽ ra quyết định cho vay hay từ chối cho vay với một bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng. Đây là bước quan trọng trong quy trình cho vay vì nó ảnh hưởng rất lớn tới các khâu sau và ảnh hưởng tới uy tín và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Khâu này có thể xảy ra những sai lầm sau:
- Quyết định cho vay đối với một khách hàng không tốt. - Từ chối cho vay đối với một khách hàng tốt.
Cả hai loại sai lầm này đều mang đến thiệt hại cho ngân hàng, nhằm hạn chế thiệt hại đòi hỏi ngân hàng phải chú trọng đến khâu trước đó là khâu thẩm định, việc thu thập, phân tích đầy đủ chính xác các thông tin liên quan đến khách hàng sẽ giúp ngân hàng đưa ra được quyết định cho vay đúng đắn.
Bước 4: Giải ngân.
Đây là bước tiếp theo bước quyết định cho vay, là khâu phát tiền cho khách hàng, khâu này cũng có tính chất quan trọng vì trong quá trình giải ngân thì việc kiểm tra, kiểm soát bộ hồ sơ cho vay vẫn được tiến hành. Ngoài ra, cần chú ý đến phương thức giải ngân cho khách hàng, vì nó góp phần kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, nếu việc giải ngân bằng phương thức chuyển khoản dựa trên chứng từ, hóa đơn, hợp đồng kinh tế liên quan đến hoạt động tiêu dùng của khách hàng sẽ giúp ngân hàng kiểm soát mục đích vay vốn của khách hàng. Ngược
lại, việc giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng thì ngân hàng sẽ rất khó quản lý được mục đích sử dụng tiền vay của khách hàng.
Bước 5: Kiểm tra, thu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ.
- Kiểm tra sử dụng vốn vay: Kiểm tra sau giải ngân là khâu quan trọng giúp
ngân hàng kiểm soát được rủi ro, phát hiện chấn chỉnh những sai phạm của khách hàng, hay theo dõi đánh giá khoản vay dựa trên khả năng trả nợ, lãi của khách hàng. Việc kiểm tra sau giải ngân đòi hỏi cán bộ tín dụng phải thực hiện thường xuyên, dựa trên việc theo dõi, thu thập thông tin liên quan đến khách hàng và quá trình sử dụng vốn vay.
- Kiểm tra tài sản đảm bảo: Đây cũng là khâu quan trọng và việc kiểm tra
đánh giá tài sản thường được thực hiện định kỳ, trong đó quan trọng nhất là việc định kỳ đánh giá lại giá trị của tài sản đảm bảo, nhất là đối với những tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay. Khâu này giúp đánh giá đúng giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quá trình vay vốn, cho khoản vay hay phần vốn vay còn lại.
- Thu nợ gốc và lãi vay: Cán bộ tín dụng có trách nhiệm đôn đốc khách hàng
trả nợ gốc và lãi định kỳ, tránh việc chậm trễ sẽ phải chuyển nợ quá hạn hoặc có biện pháp gia hạn nợ gốc và lãi cho phù hợp.
- Điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ: Việc điểu chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ
thường khi khách hàng không trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn cam kết trong hợp đồng tín dụng mà do nguyên nhân chính đáng hay lý do bất khả kháng. Điều kiện, phương thức điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn nợ tùy thuộc vào quy định riêng của từng ngân hàng, trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của ngân hàng.
Trường hợp có phát sinh nợ quá hạn, cán bộ tín dụng phải tìm hiểu nguyên nhân, phân loại (chuyển nhóm) nợ quá hạn phù hợp, tiếp tục theo dõi và đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, cũng như đề xuất biện pháp thu hồi nợ hay xử lý khoản nợ với cán bộ quản lý và lãnh đạo ngân hàng.
Bước 6: Thanh lý hợp đồng tín dụng.
- Tất toán khoản vay: khi khách hàng đến hoàn trả toàn bộ nợ gốc cũng như lãi
vay, cán bộ tín dụng có trách nhiệm đối chiếu để đảm bảo thu hồi đầy đủ gốc và lãi từ khách hàng, tất toán và lưu hồ sơ vay vốn theo quy định.
- Thanh lý hợp đồng tín dụng: hợp đồng tín dụng mặc nhiên hết hiệu lực sau
khi quyền và nghĩa vụ của các bên chấm dứt.
- Giải chấp tài sản đảm bảo (nếu có): ngân hàng có trách nhiệm giải chấp và
giao lại tài sản đảm bảo cho khách hàng khi hợp đồng tín dụng kết thúc. Việc bàn giao tài sản phải có xác nhận của hai bên để làm căn cứ giải chấp tài sản tại cơ quan chức năng có thẩm quyền.