Đến nay, vấn đề hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn được kế thừa và phát triển trong BLTTHS 2015. Điểm kế thừa trong BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003 thể hiện ở chỗ, BLTTHS năm 2015 tiếp tục dành một điều luật để qui định về hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn, về thẩm quyền hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng như BLTTHS năm 2003, khái niệm giúp phân biệt hai trường hợp hủy bỏ và thay thế biện pháp ngăn chặn không thể hiện trong các điều luật.
Trong thực tiễn áp dụng qui định tại Điều 125 BLTTHS 2015 thì ngay ở tên điều luật đã làm cho người thực thi pháp luật đã có những cách hiểu không thống nhất là hủy bỏ và thay thế biện pháp ngăn chặn là những quyết định được áp dụng riêng rẽ và độc lập hay hủy bỏ biện pháp cũ là tiền đề để có thể áp dụng được biện pháp thay thế khác Theo tác giả, cách hiểu về sự hủy bỏ tách biệt với thay thế nhận được đông đảo sự đồng tình trong thực tiễn áp dụng pháp luật và đặc biệt đã được minh chứng trong các biểu mẫu tố tụng do ngành kiểm sát ban hành có liên quan đến áp dụng,thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra55.
55 Danh mục, phần II kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao qui định về biểu mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.
Nghiên cứu quy định tại Điều 125 BLTTHS năm 2015 nhận thấy việc quyết định có hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn hay không đều phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào mức độ, tính chất, yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án. Và qui định của pháp luật hiện nay cũng chưa giải thích như thế nào là “cần thiết” vì mỗi người sẽ có nhận thức, đánh giá khác nhau về sự cần thiết. Nếu một người tiến hành tố tụng theo hướng đề cao đấu tranh,phòng ngừa tội phạm thì họ sẽ có cái nhìn nghiêm khắc hơn đối với tội phạm và đồng nghĩa với việc những thay thế hoặc hủy bỏ biện pháp đã từng áp dụng là con số rất ít khi xảy ra, bởi ngay từ đầu để làm tốt nhất quá trình phòng ngừa tội phạm họ đã áp dụng những biện pháp được đánh giá là phù hợp nhất.
Tóm lại, việc hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn là cần thiết. Vì vậy ở lần sửa đổi, bổ sung bộ luật lần này nhà làm luật đã qui định một cách chặt chẽ, rõ ràng hơn để việc áp dụng đạt được tính thống nhất chung giữa những cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng vẫn xảy ra tình trạng vi phạm về hủy bỏ biện pháp tạm giữ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như:
Ví dụ 9: Khoảng 18 giờ ngày 12/2/2018, Vương Trường An giao xe máy hiệu Wave, biển số 51Y9-2102 và rủ Huỳnh Thái Sang (chưa rõ lai lịch) đi cướp giật tài sản, Sang đồng ý và chở An qua nhiều tuyến đường tìm tài sản để cướp giật. Đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, tại trước số nhà 30 Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, khi phát hiện anh Trương Văn Việt điều khiển xe máy, phía sau chở anh Nguyễn Hữu Thanh đang cầm điện thoại di động hiệu Samsung, Sang điều khiển xe áp sát để An ngồi sau giật điện thoại di động của anh Thạnh nhưng không được, anh Thạnh tri hô cùng anh Việt đuổi theo bắt được An, còn Sang bỏ chạy thoát. Sự việc được đưa về trụ sở công an phường Tân Quý lập biên bản phạm tội quả tang. Lời khai của bị hại, đối tượng, nhân chứng (anh Việt) phù hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập được.
Ngày 13/2/2018 Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú ra quyết định tạm giữ và có Công văn đề nghị VKS phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ đối với Vương Trường An. Tuy nhiên VKS quận Tân Phú ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với An với lý do ngoài lời khai nhận tội của An thì không có nhân chứng trực tiếp nhìn thấy; khi thực hiện hành vi cướp giật, An ở tuổi chưa thành niên (16 tuổi 11 ngày) nên không cần thiết tạm giữ hình sự, cho gia đình bảo lãnh, tiếp tục củng cố chứng cứ sẽ xử lý sau. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú đã trả tự do cho An và đến ngày 12/4/2018 thì khởi tố vụ án hình sự để điều tra.
Trong trường hợp này, căn cứ vào tài liệu điều tra có đủ cơ sở để xác định hành vi của An có dấu hiệu phạm tội Cướp giật tài sản, việc VKS quận Tân Phú ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với An là sai, không có căn cứ; việc Cơ quan CSĐT và VKS quận Tân Phú sau đó chỉ khởi tố vụ án hình sự mà không khởi tố bị can để điều tra, xử lý là bỏ lọt tội phạm.
Ví dụ 10: Vào khoảng 12h15 ngày 05/12/2015 anh Phùng Minh Quốc Thanh, sinh năm 1975 đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp Bình Trung 2, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân tỉnh An Giang, cùng vợ là Nguyễn Thị Hiền điều khiển ghe đến kho Đặng Lan tại ấp Phụng Quới B, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ để vận chuyển phân bón. Trong khi chờ công nhân bốc phân bón xuống ghe thì anh Thanh nằm trên võng nghỉ, lúc này Phước đi đến giật dây võng của anh Thanh đang nằm từ đó hai bên xảy ra cự cãi đánh nhau. Trong lúc đánh nhau thì Phước dùng tay móc con dao cất giữ trong người ra đâm trực tiếp trúng vào ngực phải của anh Thanh 01 nhát rồi bỏ chạy. Anh Thanh được đưa đi cấp cứu và điều trị ngay sau đó.
Ngày 05/12/2015 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Vĩnh Thạnh ra quyết định tạm giữ đối với Trần Văn Phước, gia hạn tạm giữ lần 1, lần 2 và được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Đến ngày 14/12/2015 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Thạnh có đề nghị hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Trần Văn Phước. Lý do bị hại Phùng Minh Quốc Thanh làm đơn bãi nại, từ chối giám định thương tích, không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Phước.
Ngày 14/12/2015 Viện kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thạnh ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ đối với Phước. Ngày 28/02/2016 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định không khởi tố vụ án và xử phạt hành chính đối với Trần Văn Phước.
Từ ví dụ trên cho thấy việc hủy bỏ hay thay đổi biện pháp ngăn chặn nói chung và biện pháp tạm giữ nói riêng có ảnh hưởng rất lớn đối với người bị áp dụng. Thực tế những năm gần đây, việc trả tự do cho người bị tạm giữ không đảm bảo tính kịp thời, ngay và lập tức theo quy định khoản 3 Điều 118 của BLTTHS năm 2015. Bởi lẽ như thế nào là “ngay” và đại từ “ngay” được tính bằng định lượng nào thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Quy định này được hiểu là tinh thần, yêu cầu mà Nhà nước mong muốn cơ quan tiến hành tố tụng trên thực tiễn cần khẩn trương, gấp rút thực hiện việc trả tự do cho người bị tạm giữ. Chính vì chưa có mốc thời gian ấn định cụ thể cho việc trả tự do nên trong thực tiễn vẫn còn tùy nghi trong
thực hiện, nếu CQĐT hay VKS trả tự do chậm trễ cũng không có một mực thước nào có thể đo và xác định yếu tố lỗi của họ. Cụ thể:
Ví dụ 11: Khoảng 5 giờ ngày 21/11/2018 tại phòng trọ số 10/3C ấp Trung Chánh 2, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, Hà Bá Đoàn có hành vi dùng dao đâm trúng bụng gây thương tích cho ông Hoàng Trung Hiếu là 57%, nguyên nhân do ông Hiếu can ngăn việc Đoàn dùng lửa đốt quần áo trong phòng trọ. Ngày 22/11/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Đoàn, được VKS huyện Hóc Môn phê chuẩn.
Quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, Đoàn có biểu hiện tâm thần nên ngày 23/11/2018, Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với Đoàn. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn tiếp tục có quyết định gia hạn tạm giữ lần 1,2 đối với Đoàn (được VKS phê chuẩn). Đến ngày 29/11/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn mới trích xuất và áp giải Đoàn giao cho Trung tâm pháp y tâm thần để giám định. Do thời hạn tạm giữ hết, chưa có kết quả giám định, ngày 01/12/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn ra quyết định trả tự do cho Đoàn. Đến ngày 03/12/2018 thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong vụ việc này, việc Cơ quan điều tra ra quyết định trả tự do (đã được VKS phê chuẩn gia hạn tạm giữ) là hành vi vi phạm khoản 3 Điều 118 Bộ luật TTHS năm 2015. Mặt khác, Cơ quan điều tra cũng chậm trễ trong việc đưa đối tượng đi giám định tâm thần, vi phạm khoản 3 Điều 205 BLTTHS năm 2015 dẫn đến khó khăn kéo dài thời gian trong xử lý vụ việc.
Ví dụ 12: Khoảng 21 giờ 10 phút, Trương Thế Vinh (chưa rõ lai lịch) điều khiển xe mô tô Vision biển số 59T1-953.51 chở Ngũ Thanh Nghĩa ngồi sau giật chiếc điện thoại di động của chị Thạch Thị Mai Liên đang cầm trên tay tại trước số nhà F1/1 ấp 6 xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM nhưng không giật được, Nghĩa bị bắt quả tang còn Vinh chạy thoát. Nghĩa sau đó bị bắt tạm giữ và gia hạn tạm giữ về hành vi “Cướp giật tài sản”. Đến ngày 06/2/2018 thì Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh có công văn đề nghị VKS huyện Bình Chánh trả tự do cho Nghĩa, cùng ngày VKS huyện Bình Chánh ra quyết định trả tự do đối với Nghĩa do chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với Nghĩa về tội Cướp giật tài sản, vì Nghĩa thay đổi lời khai ban đầu, bản thân Nghĩa không muốn đi cướp giật nên khi ép sát bị hại, Nghĩa chỉ dùng tay phải của mình đánh vào tay trái
của chị Liên để làm động tác giả, chứ không có giật điện thoại. Vinh tưởng Nghĩa giật nên tăng ga tẩu thoát.
Trong tình huống này, căn cứ vào lời khai nhận tội của đối tượng Nghĩa phù hợp với lời khai của bị hại, diễn biến nội dung sự việc có cơ sở xác định hành vi của Nghĩa có dấu hiệu phạm tội Cướp giật tài sản. Việc cơ quan CSĐT và VKS huyện Bình Chánh chỉ dựa vào việc thay đổi lời khai so với ban đầu mà trả tự do đối với Nghĩa là không có căn cứ. Đối với tình huống này cần phải cho Nghĩa và người bị hại đối chất, đấu tranh với Nghĩa về việc thay đổi lời khai để củng cố chứng cứ, xem xét việc khởi tố Nghĩa. Việc trả tự do như trường hợp nêu trên có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Tóm lại: Thông qua các ví dụ nêu trên thì việc áp dụng biện pháp tạm giữ hoặc trả tự do sau khi đã áp dụng trong một số vụ án còn dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc áp dụng, hủy bỏ chưa đúng quy định của BLTTHS 2015. Do đó, trước thực trạng còn nhiều vi phạm tồn tại đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng mà đặc biệt là Cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát nói chung và các chủ thể có thẩm quyền khác khi áp dụng cần xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng khi áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người bị tình nghi phạm tội khi căn cứ phạm tội chưa rõ hoặc chưa đầy đủ để tránh lạm dụng việc áp dụng biện pháp tạm giữ, làm oan người vô tội. Nhìn chung vận dụng pháp luật biện pháp tạm giữ trên thực tiễn có những hạn chế và nguyên nhân nhất định.