Kĩ năng quan sát

Một phần của tài liệu Sử dụng vật liệu thiên nhiên trong tổ chức hoạt động chắp ghép nhằm phát triển kĩ năng quan sát cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi. (Trang 30 - 33)

10. Bố cục luận án

1.2.1. Kĩ năng quan sát

1.2.1.1 Khái niệm Quan sát

Một số nhà khoa học như N.Đ. Levitov [36], A.V. Daparozet [12], Nguyễn Ánh Tuyết [70], Nguyễn Quang Uẩn [78], Hoàng Thị Phương [54], Trần Thị Tuyết Oanh [48] cho rằng QS là hình thức tri giác đặc biệt, đó là loại tri giác có chủ định, có tổ chức phản ánh đầy đủ, rõ nét các sự vật, hiện tượng và những biến đổi của chúng.

Theo N.Đ. Levitov [36, tr.119]: ―Quan sát là một hình thức tri giác đặc biệt. So với tri giác thông thường, QS mang tính chất tích cực, có tổ chức, có suy nghĩ và sáng tạo hơn‖. QS là tri giác có tổ chức hơn, đòi hỏi phải tập trung chú ý tích cực hơn, QS bao giờ cũng có mục đích, nhiệm vụ, chương trình và kế hoạch nhất định.

Đồng quan điểm trên, tác giả A.V. Daparozet [12, tr.54] bổ sung thêm: ―Quan sát là mức độ phát triển cao của tri giác. Đó là loại tri giác có chủ định, diễn ra tương đối độc lập, lâu dài, nhằm phản ánh trong óc những sự vật và hiện tượng trọn vẹn, khi những sự vật và hiện tượng đó cùng với những kinh nghiệm thực tiễn trước đây tác động trực tiếp tới các cơ quan phân tích‖.

Theo các tác giả Nguyễn Ánh Tuyết [70] và Nguyễn Quang Uẩn [78]: QS là mức độ phát triển cao nhất của tri giác, đó là loại tri giác có chủ định, diễn ra tương đối độc lập và lâu dài nhằm phản ánh đầy đủ, rõ rệt các sự vật, hiện tượng và những biến đổi của chúng.

Tác giả Hoàng Thị Phương [54, tr.92] cho rằng: ―Quan sát là sự tri giác sự vật, hiện tượng có kế hoạch, có mục đích. Đó là hoạt động nhận thức phức tạp, có sự tham gia của tri giác, tư duy, lời nói, sự chú ý bền vững‖.

Khai thác khía cạnh giáo dục, tác giả Trần Thị Tuyết Oanh [48, tr.214] coi: ―Quan sát là sự tri giác một cách có mục đích, có kế hoạch, tiến trình và sự biến đổi diễn ra ở đối tượng nhằm thu thập những sự kiện, hình thành những biểu tượng ban đầu về đối tượng của thế giới xung quanh, QS rất gần với tư duy‖.

Như vậy, quan sát là một hoạt động nhận thức của con người với thành phần chính là sự liên kết chặt chẽ của tri giác, tư duy và ngôn ngữ nhằm lĩnh hội một cách trọn vẹn các thuộc tính bên ngoài của các sự vật hiện tượng đang trực tiếp tác động đến các giác quan của con người.

Có thể khẳng định, QS là một hình thức tri giác có chủ định. So với tri giác thông thường, QS mang tính tích cực, có tổ chức, có suy nghĩ và sáng tạo hơn. Trong quá trình QS, các thành phần tâm lý cơ bản của tri giác kết hợp với trí nhớ, tư duy và ngôn ngữ, chú ý, xúc cảm, tình cảm, hứng thú và kinh nghiệm cá nhân được huy động, khai thác một cách tích cực. Những yếu tố này không diễn ra một cách riêng lẻ mà chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành thể thống nhất, toàn vẹn, tác động tới hành động QS.

1.2.1.2. Khái niệm Kĩ năng

Theo từ điển của Hoàng Phê [51, tr. 644]: ―KN là khả năng vận dụng những kiến thức đã thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó áp dụng vào thực tế‖.

Theo từ điển Oxfort [74], KN là khả năng để làm tốt một công việc nào đó thường có được qua đào tạo hoặc kinh nghiệm. Theo đó, KN được hiểu là sự thành thạo, tinh thông về các thao tác, động tác trong quá trình hoàn thành một công việc cụ thể nào đó.

Kĩ năng là một phạm trù được các nhà tâm lí học trong và ngoài nước nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, nhưng tựu chung lại có hai quan niệm khác nhau về KN:

Hướng nghiên cứu thứ nhất theo quan điểm truyền thống của tâm lí học - Kĩ năng được đặt trong phạm trù khả năng. Theo hướng nghiên cứu này: KN là khả năng thực hiện một hành động có kết quả trong một khoảng thời gian nhất định theo yêu cầu, tiêu chuẩn đã định, KN là mặt kĩ thuật của hành động hay hoạt động. Tiêu biểu cho quan điểm này có những tác giả: A.A Xmirnov [87], A.N Leonchev [34], F.N. Gonobolin [18], Nguyễn Quang Uẩn [78], Trần Trọng Thuỷ [64], Phạm Thành Nghị [43]. Các tác giả trên đã rất coi trọng nền tảng kiến thức của KN khi cho rằng, cá nhân muốn có KN về một hành động nào đó, phải có tri thức nhất định về hành động đó, tức là phải hiểu được mục đích, phương thức và các điều kiện để thực hiện nó, quá trình vận dụng tri thức để khám phá, biến đổi đối tượng sẽ tạo ra KN.

Tác giả Nguyễn Quang Uẩn [78, tr.75] đưa ra định nghĩa gần với quan điểm trên:

“KN là khả năng thực hiện có kết quả một hành động hay một hoạt động nào đó bằng

cách lựa chọn và vận dụng tri thức, kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện thực tế cho phép‖. Ở đây, có sự vận dụng kết hợp của tri thức cùng sự linh hoạt và sáng tạo trong các điều kiện hoạt động cụ thể.

Hướng nghiên cứu thứ hai với quan điểm nhấn mạnh KN không đơn thuần là mặt

kĩ thuật của hành động mà còn là biểu hiện năng lực cá nhân. Hướng nghiên cứu này có một số tác giả tiêu biểu như: N.Đ. Levitov [36], K.K.Platonov và G.G. Golubev [55], Ngô Công Hoàn [26].

Theo phân tích của N.Đ. Levitov [36, tr.190]: ―Kĩ năng là sự thực hiện các kết quả một động tác nào đó hay một hoạt động phức tạp hơn, bằng cách áp dụng hay lựa chọn những cách thức đúng đắn, có chiếu cố đến những điều kiện nhất định‖. Kĩ năng có thể hình thành khi đối tượng biết mình phải làm gì và sẽ đạt đến kết quả như thế nào. Đây cũng là điểm đặc biệt giúp chủ thể đánh giá được mức độ thực hiện hành động của mình khi hình thành KN.

K.K.Platonov và G.G. Golubev [55, tr.38] chú ý tới mặt kết quả của hành động trong KN, khẳng định: ―Kĩ năng là năng lực của con người thực hiện công việc có kết quả với chất lượng cần thiết trong những điều kiện mới và trong những khoảng thời gian tương ứng‖. Theo họ, trong việc hình thành KN bao hàm cả việc thông hiểu mối quan hệ qua lại giữa mục đích hành động, các điều kiện, các cách thức hành động và trong cấu trúc KN không chỉ bao hàm tri thức, kĩ xảo mà cả tư duy sáng tạo nữa.

Theo quan điểm của tác giả Đặng Thành Hưng [30, tr.2]: ―Kĩ năng là một dạng hành động được thực hiện tự giác dựa trên tri thức về công việc, khả năng vận động và những điều kiện sinh học - tâm lí khác của cá nhân (chủ thể có KN đó) như nhu cầu, tình cảm, ý chí, tính tích cực cá nhân để đạt được kết quả theo mục đích hay tiêu chí đã định, hoặc mức độ thành công theo chuẩn hay qui định‖.

Cùng chung cách nhìn nhận này, tác giả Vũ Xuân Hùng [29, tr.2] cho rằng: ―KN là một quá trình tâm lý, được hình thành khi con người áp dụng kiến thức vào thực tiễn. KN có được do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó. KN theo nghĩa hẹp hàm chỉ đến những thao tác, hành động cụ thể của con người. KN hiểu theo nghĩa rộng hướng nhiều đến khả năng, đến năng lực của con người‖.

Có thể thấy, KN đang là vấn đề có những ý kiến tranh luận khác nhau, mỗi ý kiến, mỗi trường phái lại nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của KN, mở rộng hay thu hẹp thành phần cấu trúc của KN cũng như những đặc tính của chúng, nhưng về cơ bản các ý kiến không phủ định nhau mà vẫn có mối tương quan bổ trợ trong nhau.

Luận án kế thừa hướng nghiên cứu thứ nhất và nghiêng theo hướng nghiên cứu thứ hai coi KN là biểu hiện năng lực cá nhân của con người, thực hiện một hành động hay một hoạt động có kết quả trong đó có tính đến cả yếu tố kĩ thuật hành động. Theo hướng tiếp cận này, có thể rút ra một số đặc điểm của KN như sau:

- KN thể hiện ở tính đúng đắn, tính thành thạo, tính linh hoạt và tính hiệu quả của việc triển khai hành động trong thực tiễn. Đây là những tiêu chuẩn quan trọng để xác định sự hình thành và mức độ phát triển của KN. Hành động chưa đạt tới mức có KN nếu còn mắc nhiều lỗi, mang tính rập khuôn, tốn nhiều thời gian, công sức.

- Cơ chế hình thành KN thực chất là cơ chế hình thành hành động. Khi thực hiện một hành động bao giờ cũng có mục đích tương ứng với các thao tác lôgic để triển khai đến mục đích.

- KN có tính mở, có nghĩa là trong KN cấu trúc và trật tự thao tác có thể thêm bớt hoặc điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh và công việc cụ thể. Những thứ thêm bớt này chỉ là kĩ thuật, còn bản chất KN không thay đổi [31]. Có thể hiểu: Kĩ năng là khả năng vận dụng

những tri thức, kinh nghiệm đã có một cách đúng đắn, hiệu quả để giải quyết một hành động hay một hoạt động cụ thể có kết quả trong những điều kiện phù hợp.

1.2.1.3. Khái niệm Kĩ năng quan sát

Có thể kể ra đây một số tác giả tiêu biểu như: Trần Thị Tố Oanh, Nguyễn Thị Hiền [47], Trịnh Thị Xim [86] đã khẳng định: KNQS là một dạng KN cao cấp ở người, được tiến hành dựa vào khả năng tri giác có chủ định, đó là những hành động, những thao tác tự giác của các cá nhân có mục đích, có kế hoạch và phương tiện để thu thập, tập hợp và lưu giữ sự kiện, dữ liệu thực tế trong nghiên cứu.

- Nhóm tác giả Nguyễn Thị Triều Tiên, Nguyễn Thị Diệu Hà [65] cho rằng: KNQS là tổ hợp các thuộc tính cá nhân của con người, là khả năng tri giác liên kết chặt chẽ với tư duy và ngôn ngữ một cách chủ định, mang tính tích cực, chủ động, có mục đích và có kế hoạch rõ rệt giúp nhận thức phản ánh đầy đủ, rõ nét và hiệu quả các đặc điểm, tính chất đặc trưng, các mối liên hệ, quan hệ, sự thay đổi và phát triển của các sự vật, hiện tượng.

Tổng hợp những phân tích trên cùng nội hàm khái niệm ―Kĩ năng‖, ―Quan sát‖ có thể đề xuất khái niệm KNQS như sau:

Kĩ năng quan sát là những hành động, thao tác có chủ định của mỗi cá nhân trên cơ sở vận dụng những tri thức, hiểu biết về đối tượng quan sát kết hợp với trí nhớ, tư duy và ngôn ngữ, chú ý, xúc cảm tình cảm, hứng thú cá nhân nhằm xác định

một cách nhanh nhạy, chính xác, đầy đủ đặc điểm, tính chất đặc trưng, mối liên hệ, quan hệ, sự thay đổi và phát triển của các sự vật, hiện tượng phù hợp với mục đích quan sát đề ra trong những điều kiện nhất định.

Trong khái niệm KNQS có những điểm chính sau:

- Kĩ năng quan sát là một trong những KN quan trọng phục vụ cho hoạt động tư duy và nhận thức của con người trong cuộc sống. Điều kiện tâm lí cơ bản của KNQS là con người phải có tri thức, hiểu biết nhất định về đối tượng QS, phát hiện ra những thuộc tính và quan hệ vốn có của đối tượng QS phù hợp với mục đích QS đề ra. Như vậy, thực chất của việc hình thành KNQS là hình thành ở người học hệ thống các thao tác nhằm làm sáng tỏ những thông tin chứa đựng nhiệm vụ QS và đối chiếu chúng với những hành động cụ thể.

- Kĩ năng quan sát chịu sự chi phối của nhu cầu ham hiểu biết và tính tò mò của cá nhân, giúp cá nhân đó biết cách xem xét các sự vật hiện tượng một cách kĩ lưỡng bằng các giác quan và có sự tham gia của các yếu tố tâm lí của chủ thể như: trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ, chú ý, xúc cảm tình cảm, hứng thú cá nhân dưới nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau [31, tr.2].

Một phần của tài liệu Sử dụng vật liệu thiên nhiên trong tổ chức hoạt động chắp ghép nhằm phát triển kĩ năng quan sát cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi. (Trang 30 - 33)