2.2.5.1. Vi phạm pháp luật hợp đồng lao động
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện hợp đồng lao động luôn nảy sinh các vấn đề rắc rối dẫn đến vi phạm hợp đồng. Không ngoại lệ, xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, người sử dụng lao động và người lao động có thể xảy ra các hành vi vi phạm hợp đồng lao động.
Vi phạm hợp đồng lao động là việc một bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện nhưng thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc theo các quy định của pháp luật.
Qua định nghĩa nêu trên, có thể thấy có các dạng vi phạm hợp đồng lao động sau: + Không thực hiện hợp hợp đồng;
+ Thực hiện không đầy đủ các thỏa thuận được ghi trong hợp đồng.
2.2.5.2. Biện pháp xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng lao động
Vi phạm hợp đồng lao động là một vấn đề khó tránh khỏi trong các quan hệ pháp luật lao động. Tuy nhiên, các chủ thể cần lựa chọn các biện pháp xử lý hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. Căn cứ vào thực tế và các quy định pháp luật hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động có thể lựa chọn các biện pháp sau:
- Thương lượng – hòa giải
Đây là biện pháp được khuyến khích sử dụng khi giải quyết các tranh chấp trong quan hệ lao động. Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp mà theo đó các bên tự bàn bạc, thống nhất để tìm ra cách giải quyết mà không cần đến sự tác động của chủ thể thứ ba. Qua việc thương lượng, các chủ thể tự do trong lựa chọn các phương án giải quyết phù hợp trên cơ sở thống nhất ý kiến. Xuất phát từ tinh thần tự nguyện, phương án giải quyết được đưa ra từ hình thức thương lượng có mức độ đảm bảo thực hiện cao.
Mặt khác, giải quyết tranh chấp bằng thương lượng diễn ra một cách thuận tiện, đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo nguyên tắc “Tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động”.
Từ những ưu điểm của chúng, việc hòa giải không chỉ được thực hiện giữa các chủ thể mà còn được thực hiện thông qua hòa giải theo trình tự thủ tục của Tòa án.
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Trong một số trường hợp nhất định, người lao động và người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điều 35 và điều 36 Luật Lao động 2019.
Theo đó, Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp người sử dụng lao động vi phạm hợp đồng, cụ thể như sau:
+ Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Luật lao động 2019;
+ Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Luật 2019:
+ Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
+ Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
+ Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng như sau:
+ Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động;
+ Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Luật lao động 2019;
+ Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
+ Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật lao động 2019 khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
- Yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài
Đây là một phương pháp có hiệu quả cao, bởi phán quyết của Tòa có tình ràng buộc và đảm bảo thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này thường mất khá nhiều thời gian và phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.