Đánh giá kiến thức của ĐTNC trước và sau can thiệp: Kiến thức về tập vận động là một trong những mảng kiến thức quan trọng giúp người bệnh sau phẫu thuật thay khớp háng phục hồi được các chức năng vận động của cơ thể, sớm hồi phục, tránh được các biến chứng sau phẫu thuật. Chúng tôi chọn điểm cắt 50% để đánh giá kiến thức của ĐTNC. Kết quả trước can thiệp có 20% ĐTNC có kiến thức đạt và 80% ĐTNC có kiến thức không đạt. Sau khi đánh giá kiến thức của ĐTNC về tập vận động sau phẫu thuật thay khớp háng, chúng tôi tiến hành can thiệp truyền thông giáo dục sức khỏe bằng cách phát tờ rơi và tư vấn trực tiếp người bệnh tại buồng bệnh. Sau can thiệp chúng tôi đánh giá lại thì có 87,3% ĐTNC có kiến thức đạt. Tỉ lệ này cho thấy can thiệp đã nâng cao được kiến thức cho ĐTNC. Tỉ lệ ĐTNC có kiến thức đạt tăng từ 20% trước can thiệp lên thành 87,3% sau can thiệp. Tại thời điểm trước can thiệp điểm trung bình kiến thức của ĐTNC đạt 7,96 ± 1,97 điểm trên tổng 19 điểm của thang đo, sau can thiệp điểm trung bình kiến thức tăng lên 13,18 ± 2,74 điểm
trong đó, người thấp nhất được 8 điểm và người có số điểm cao nhất là 18 điểm. Sự khác biệt là có ý nghĩa thống kê với p<0,01.
Đánh giá kỹ năng thực hành của ĐTNC trước và sau can thiệp: Để cho người bệnh sau phẫu thuật thay khớp háng sớm bình phục, tránh được các biến chứng liên quan tới phẫu thuật cũng như sớm độc lập trong sinh hoạt chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của các bài tập vận động và vai trò chủ động của người bệnh trong quá trình tập luyện hồi phục. Chúng tôi tính tổng điểm thực hành và lấy điểm cắt 50% để phân loại thực hành. Trước can thiệp chỉ có 21,8% ĐTNC thực hành đạt và 78,2% ĐTNC thực hành không đạt. Sau khi được hướng dẫn trực tiếp các bài tập thực hành trên người bệnh tỉ lệ đó đã thay đổi rõ rệt. Tại thời điểm sau can thiệp tỉ lệ thực hành đạt là 90,9%. Trước can thiệp điểm trung bình thực hành của ĐTNC đạt 6,22±2,59 trên tổng điểm 18 của thang đo, sau can thiệp điểm trung bình thực hành tăng lên 13,36±2,77 trong đó người thấp nhất đạt 7 điểm và người có số điểm cao nhất 17 điểm. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,01.
Từ kết quả can thiệp trên cho thấy sự thay đổi tích cực của ĐTNC sau khi được can thiệp giáo dục cả về lý thuyết lẫn thực hành. Đáng chú ý hơn cả sau can thiệp tỉ lệ người bệnh thực hành đạt cao so với thời điểm trước can thiệp, do sau khi được hướng dẫn, hàng ngày trong khoảng thời gian người bệnh còn ở viện được khuyến khích duy trì tập luyện hàng ngày do vậy họ cũng dần thuộc các bài tập vận động do làm nhiều thì nhớ nhiều. Điều đó cũng cho thấy vai trò của nhân viên y tế trong tư vấn, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe là đặc biệt quan trọng.