Đặc điểm lâm sàng của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả hướng dẫn tập vận động của người bệnh sau phẫu thuật thay khớp háng tại bệnh viện đa khoa tỉnh thanh hóa năm 2021 (Trang 57 - 58)

Nguyên nhân thay khớp: tư kết quả bảng 3.2 trong nghiên cứu của chúng tôi hai nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới việc phải thay khớp háng nhân tạo là: hoại tử vô khuẩn chỏm 49,1% và gãy cổ xương đùi 36,4%, thoái hóa khớp háng và gãy LMC xương đùi cùng chiếm tỉ lệ 7,3%. Kết quả này của chúng tôi cao hơn so với nguyên cứu của Trần Thị Vân Anh và Nguyễn Thanh Hương [30] có kết quả: gãy cổ xương đùi 30,4%, hoại tử vô khuẩn chỏm 28,7% nhưng nghiên cứu lại có tỉ lệ thoái hóa khớp háng cao hơn trong nghiên cứu của chúng tôi (37,4% so với 7,3%). So sánh với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thu Thủy [24] tỉ lệ hoại tử vô khuẩn chỏm trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn (49,1% so với 71,9%) nhưng tỉ lệ gãy cổ xương đùi trong nghiên cứu của chúng tôi lại cao hơn (36,4% so với 18,0%). Sự khác biệt này là do địa điểm nghiên cứu khác nhau, cỡ mẫu khác nhau, đối tượng nghiên cứu khác nhau.

Bệnh lý kèm theo: Từ bảng kết quả 3.2 có 29,1% người bệnh kèm theo bệnh lý trong đó:tim mạch 5,5%, tăng huyết áp 12,7%, tiểu đường 10,9% so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Điều [22] thì tỉ lệ người bệnh mắc các bệnh kèm theo trong nghiên cứu của chúng tôi đều thấp hơn với kết quả tỉ lệ người bệnh mắc bệnh tim mạch 6,7%, tỉ lệ người bệnh mắc bệnh tăng huyết áp 22,2% và tiểu đường 12,2%. Sự khác biệt này là do trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thanh Điều nghiên cứu trên đối tượng là người cao tuổi, với tuổi trung bình là 77,6 trong đó thấp nhất 61 tuổi và cao nhất là 90 tuổi. trong khi nghiên cứu của chúng tôi có độ tuổi trung bình 55,31 trong đó thấp nhất 23 tuổi và cao nhất 73 tuổi, thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của tác giả. Đây là nhóm tuổi thường mắc các bệnh lý về toàn thân: tim

mạch, cao huyết áp, tiểu đường… tăng cao.

Loại phẫu thuật: trong nghiên cứu của chúng tôi sử dụng chủ yếu là phẫu thuật thay khớp háng toàn phần chiếm 87,3%, thay khớp háng bán phần 12,7%. Tỉ lệ này của chúng tôi gần như cho kết quả tương đồng với nghiên cứu của Trần Thị Vân Anh [30]: thay khớp háng toàn phần 86,1% và thay khớp háng bán phần 13,9% [30]. So sánh với kết quả nghiên cứu của tác giả Huỳnh Thị Trúc Lam và cộng sự [13] thì trong nghiên cứu của chúng tôi có tỉ lệ thay khớp toàn phần cao hơn (86,1% so với 62,3%) nhưng thay khớp bán phần lại thấp hơn (13,9% so với 37,7%). Kết quả nghiên cứu của Hà Hoàng Kiệm và Lương Anh Thơ [8] có 65% trường hợp thay khớp háng toàn phần và 35% trường hợp thay khớp háng bán phần. Có sự khác biệt này là do các nghiên cứu được tiến hành ở các địa điểm khác nhau, tỉ lệ nguyên nhân thay khớp, độ tuổi khác nhau.

Xi măng: Bảng kết quả 3.2 cho thấy trong nghiên cứu của chúng tôi 100% sử dụng khớp không có xi măng. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt so với kết quả của một số nghiên cứu trong nước như của tác giả Hà Hoàng Kiệm và Lương Anh Thơ [8] có kết quả thay khớp háng có xi măng 41,7%, thay khớp háng không có xi măng 58,3%. Tỉ lệ khớp không có xi măng và có xi măng trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Hoạt lần lượt là 34,8% và 65,2%. Sự khác biệt này là do nghiên của tác giả Nguyễn Văn Hoạt là nghiên cứu phân tích gộp với cỡ mẫu lớn. Trong nghiên cứu của chúng tôi 100% sử dụng khớp không xi măng điều này có thể được giải thích như sau: đa số tác giả đồng quan điểm cho rằng với những người bệnh trẻ, chất lượng xương tốt thì nên sử dụng khớp không xi măng còn với những người bệnh cao tuổi, chất lượng xương kém thì nên sử dụng khớp xi măng mà nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 55,31 ±10,31 ngoài ra phẫu thuật thay khớp háng không có xi măng có ưu điểm như dễ thực hiện, dễ lấy cán chỏm khi phải thay lại điều này phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn như ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả hướng dẫn tập vận động của người bệnh sau phẫu thuật thay khớp háng tại bệnh viện đa khoa tỉnh thanh hóa năm 2021 (Trang 57 - 58)