II. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘ
b) Phòng, chống tệ nạn mại dâm
Trong giai đoạn hiện nay, tệ nạn mại dâm đang có nhiều chuyển biến phức tạp. Tệ nạn mại dâm không chỉ tập trung ở thành phố, thị xã, khu du lịch mà còn đang lan rộng ra cả các khu công nghiệp, vùng nông thôn, thậm chí cả miền núi, vùng sâu. Đối
tượng tham gia hoạt động mại dâm thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, từ các đối tượng hoạt động đơn lẻ, đến nay đã hình thành nhiều đường dây, ổ nhóm chuyên nghiệp, có tổ chức, ở phạm vi rộng, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài. Chúng lợi dụng những sơ hở của chúng ta trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội để thực hiện các hành vi hoạt động của mình rất tinh vi, được nguỵ trang dưới nhiều hình thức, dịch vụ như: massage, Karaôkê, cắt tóc, gội đầu thư giãn, nhà hàng, khách sạn, cà phê vườn... nhằm thu hút các loại khách để trục lợi.
Hậu quả của hoạt động mại dâm đã làm xói mòn đạo đức, thuần phong mĩ tục của dân tộc, ảnh hưởng đến đến hạnh phúc gia đình, văn hoá xã hội, trật tự xã hội, là một nguyên nhân lây lan bệnh AIDS, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi và đang gây nên sự lo lắng, bất bình trong nhân dân.
Biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
+ Tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng làm cho mọi người thấy được tác hại của nạn mại dâm, từ đó tự giác đấu tranh lên án tệ nạn mại dâm.
Cần tuyên truyền về vai trò của gia đình, của cá nhân, nâng cao hiểu biết của mọi người về tình yêu, hôn nhân và quan hệ tình dục lành mạnh, nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, tránh xa mại dâm.
phát huy vai trò xung kích của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... trong công tác tuyên truyền, giáo dục; gắn công tác tuyên truyền với tổ chức thực hiện các cuộc vận động xây dựng "Gia đình văn hoá", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"...