Khái niệm về Quản lý tổng hợp vùng ven bờ

Một phần của tài liệu Quản lý môi trường ven biển (Trang 92 - 94)

Tại Hội nghị Quốc tế về Vùng bờ, QLTHVB được định nghĩa như sau: QLTHVB bao gồm việc đánh giá toàn diện, đặt ra các mục tiêu, quy hoạch và quản lý các hệ thống tài nguyên ven biển, có xét đến các yếu tố lịch sử, văn hóa và truyền thống, và các lợi ích trong mâu thuẩn sử dụng; là quá trình liên tục tiến triển nhằm đạt được sự phát triển bền vững.

Quản lý tổng hợp vùng ven bờ là một cơ cấu để tập hợp những người sử dụng, các chủ thể và những người ra quyết định tại vùng ven bờ nhằm đảm bảo quản lý hệ sinh thái có hiệu quả hơn đồng thời phát triển được kinh tế và phân chia quyền lợi hợp lý giữa các thế hệ và trong cùng thế hệ, thông qua việc áp dụng những nguyên tắc có tính bền vững. Pháp chế và quy hoạch ở lãnh hải và nội địa thường là công cụ thuận lợi để thực thi QLTHVB.

Mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau về QLTHVB nhưng sự khác nhau giữa chúng là rất ít. Hầu hết các định nghĩa đều thừa nhận rằng QLTHVB là một quy trình có tính liên tục, tính tiên phong trong thực hiện và có khả năng thích nghi cao nhằm quản lý nguồn tài nguyên cho sự phát triển bền vững vùng ven bờ. QLTHVB phải đạt được mục tiêu của nó trong các điều kiện hạn chế về môi trường, kinh tế, xã hội và tự nhiên cũng như trong hạn chế của các hệ thống và thể chế về pháp lý, tài chính và hành chính.

QLTHVB không thay thế cho các việc kế hoạch và quản lý của từng ngành. Đúng hơn là nó tập trung vào sự liên kết giữa hoạt động của các ngành, cũng cố và điều hòa quản lý ngành để đạt được mục tiêu một cách bền vững và đầy đủ.

QLTHVB là một quy trình tuần hoàn thường bao gồm 3 giai đoạn cơ bản: 1. khởi xướng, 2. lập kế hoạch và 3. thực thi, giám sát và đánh giá. Tuy nhiên nó cũng phải hoạt động như một quy trình lặp lại trong đó việc lập kế hoạch và thực thi cần phải được tiến hành xem xét đánh giá và điều chỉnh thường xuyên.

Các biện pháp tổng hợp đối với quản lý vùng ven bờ được biết đến dưới nhiều tên gọi và chữ viết tắt khác nhau, trong đó gồm có Quản lý tổng hợp vùng ven bờ (ICZM, Integrated Coastal Zone Management), Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICAM, Integrated Coastal Area Management), Quản lý tổng hợp ven biển (ICM, Integrated Coastal Management) và Quản lý tổng hợp vùng biển và ven biển (IMCAM, Integrated Marine and Coastal Area Management).

Vấn đề quan trọng nhất trong quản lý tổng hợp vùng ven bờ là quản lý cái gì và như thế nào? Có rất nhiều dạng của quản lý tổng hợp, theo NetCoast 2001, có thể phân biệt các dạng sau:

• Tổng hợp giữa các chính quyền: tổng hợp giữa các thể chế và cấp độ hành chính theo các mức độ như địa phương, tỉnh, quốc gia. Đây cũng được gọi là tổng hợp theo ngành dọc. Mục đích của sự tổng hợp này là hoà hợp chính sách của quốc gia và việc thực hiện cuối cùng ở các địa phương.

• Tổng hợp giữa các lĩnh vực: tổng hợp giữa các ngành khác nhau tại cùng một cấp độ hành chính, ví dụ như giữa các bộ với nhau. Đây cũng gọi là tổng hợp theo chiều ngang. Một dạng đặc biệt là tổng hợp theo không gian, do vùng đất và biển kế bên vùng ven bờ được quản lý bởi các ngành khác nhau (ví dụ du lịch và nghề cá), nhưng các hoạt động thì lại ảnh hưởng lẫn nhau.

• Tổng hợp giữa các tổ chức phi chính phủ và tổ chức chính phủ: ví dụ như giữa các chính quyền địa phương và các tổ chức tự nhiên ở địa phương và các công nghiệp nhỏ.

• Tổng hợp giữa khoa học và quản lý: tổng hợp giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau và chuyển giao khoa học tới những người sử dụng và những người lập kế hoạch. Rõ ràng là khoa học xã hội, khoa học công nghệ và tự nhiên có nhiệm vụ cung cấp tài liệu cho các nhà quản lý vùng ven biển. Tuy nhiên, thông tin của họ thường không tối ưu nhất.

• Tổng hợp quốc tế: có thể xảy ra vấn đề khi một vùng diện tích lại nằm trong biên giới của hai nước. Do tác động của việc sử dụng tài nguyên giữa hai nước là không biết được, do vậy sự hợp tác quốc tế là điều kiện tiên quyết.

Mc Glashan đề nghị 4 phương diện quản lý tổng hợp: đó là hệ thống quản lý theo không gian, theo thời gian, theo chiều dọc và theo chiều ngang.

• Tổng hợp theo không gian: bao gồm những vấn đề liên quan đến ranh giới, xa vào đất liền như thế nào và xa ra tới biển bao nhiêu cần phải được xem xét trong các dự án quản lý. Vấn đề đất liền và biển cần phải được coi trọng như nhau, các quá trình tự nhiên không quan hệ đến các ranh giới hành chính.

• Tổng hợp theo thời gian: vấn đề thời gian phải được coi trọng, để các quyết định trong hiện tại cần phải xem xét đến tác động của nó trong tương lai để bảo đảm cho sự bền vững.

• Tổng hợp theo chiều dọc: tất cảc các mức độ của các mối liên hệ, hợp tác, kế hoạch tại các điểm ở địa phương phải gắn với kế hoạch của vùng ven bờ, với chiến lược của quốc gia và quốc tế. Cũng trong lĩnh vực này, khi áp dụng các chính sách trong các tổ chức, thông tin cần phải được thông qua từ thấp đến cao trong các tổ chức cũng như trong các cấp (ví như văn phòng qui hoạch, hội đồng địa phương, chính quyền quốc gia,..).

• Tổng hợp theo chiều ngang: thể hiện nỗ lực nhằm điều phối các ngành kinh tế tư nhân cũng như nhà nước, nhờ đó giảm được sự chắp vá và chồng chéo trong quản lý. Các chủ đề khác nhau trong phạm vi vùng bờ cần được đưa ra khi thành lập các quyết định (ví dụ như bảo vệ vùng ven bờ, phát triển kinh tế, bảo tồn thiên nhiên,...); các ban ngành, các tổ chức khác nhau phải cùng làm việc với nhau hơn là làm việc riêng lẻ nhau.

Một vấn đề nữa trong quản lý tổng hợp vùng ven bờ là tính toàn bộ. Đây là một phần của mô hình bền vững bao gồm cả người dân, đặc biệt là người dân địa phương. Điều này đã được nhận thấy trong hầu hết các bước khởi đầu thành công về quản lý tổng hợp vùng ven bờ ở nhiều quốc gia, trong đó có sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng địa phương.

Từ các thảo luận trên, có thể thấy là có nhiều quan điểm khác nhau về quản lý tổng hợp vùng ven bờ. Tuy vậy, rõ ràng là một chương trình quản lý vùng bờ miêu tả một số dạng hợp tác giữa các cơ quan hoặc tổ chức khác nhau để cố gắng giải quyết những mâu thuẩn có khả năng sinh ra. Cũng cần phải nhớ rằng các quốc gia khác nhau có các phương pháp tiếp cận vùng ven bờ theo các đường lối khác nhau. Không có một cơ chế nào phù hợp cho tất cả, do sự thành công của việc thực thi QLTHVB phụ thuộc vào các điều kiện địa phương, kinh nghiệm, đặc điểm của hệ sinh thái, áp lực phát triển cũng như vào các khung chính sách, pháp lý khu vực và quốc gia, cùng nhiều yếu tố khác nữa. Điều đó có nghĩa rằng mỗi một vùng cần có một phương pháp tiếp cận của chính mình. Không có một khuôn mẫu chung đối với tất cả các vùng khác nhau.

Tuy nhiên, kinh nghiệm trong thực thi QLTHVB cho đến nay, đã thấy có một số nhân tố quan trọng cần phải được kết hợp chặt chẻ trong bất kỳ hoạt động nào của QLTHVB để đạt được thành công. Chúng bao gồm:

• Đạt được sự thống nhất và hợp tác giữa các ban ngành chính phủ tại mọi cấp độ khác nhau;

• Đảm bảo sự ủng hộ của các thể chế chính trị cho việc thực thi dự án;

• Đảm bảo sự tham gia và tham vấn đầy đủ của cộng đồng và các chủ thể địa phương;

• Đạt được sự nhất trí trong việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên ven bờ;

• Đinh hướng các phương pháp quản lý có tính linh hoạt và thích ứng khi các điều kiện thay đổi;

• Làm cho quy trình QLTHVB phù hợp với thể chế, tổ chức và môi trường xã hội của quốc gia và khu vực.

Một phần của tài liệu Quản lý môi trường ven biển (Trang 92 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)