Các bước của hoạt động rèn luyện kỹ năng học hợp tác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rèn luyện kỹ năng học hợp tác cho học sinh lớp 10 trung học phổ thông trong dạy học hàm số, phương trình và bất phương trình​ (Trang 50 - 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Các bước của hoạt động rèn luyện kỹ năng học hợp tác

Hiện nay việc rèn luyện kỹ năng HHT cho HS thường được thực hiện thông qua hoạt động học tập theo nhóm nhỏ. GV có vai trò hướng dẫn, tổ chức hoạt động dạy học, tạo cơ hội hợp tác học tập cho HS trong những hoạt động chung. Hoạt động học tập theo nhóm nhỏ để rèn luyện kỹ năng HHT cho HS thường diễn ra theo các bước sau:

Bước 1: Tạo lập nhóm HHT

Việc tổ chức hoạt động HHT theo nhóm nhằm tạo một môi trường học tập mang tính xã hội, nơi HS có nhiều cơ hội để hợp tác, trao đổi với những HS khác và với GV, rèn luyện cho HS thái độ học tập chủ động. GV có nhiệm vụ quan trọng trong việc hướng dẫn và điều khiển hoạt động của các nhóm học tập.

Khi thiết kế tình huống DHHT theo mô hình nhóm, GV cần lựa chọn hình thức chia nhóm phù hợp: kiểu nhóm, số thành viên trong một nhóm. Sau khi các nhóm học tập được thành lập, GV cần giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm. Nhiệm vụ được lựa chọn phải phù hợp với học lực của các nhóm học tập và GV cần giải thích để HS rõ ràng vấn đề cần giải quyết và mục tiêu cần đạt được. Để HS có thể giải quyết những nhiệm vụ học tập thuận lợi, GV có thể nhắc lại những đơn vị kiến thức liên quan và những kỹ năng cần sử dụng, cung cấp những tài liệu học tập, đưa ra những gợi ý hay phương hướng giải quyết vấn đề để quá trình hoạt động nhóm của HS có hiệu quả.

Bước 2: Hướng dẫn và tổ chức hoạt động nhóm

Trong quá trình HHT, HS được khuyến khích chủ động học tập, chủ động tìm hiểu và tìm cách giải quyết các vấn đề học tập. GV có vai trò tổ chức điều khiển hoạt động, đưa ra những gợi ý khi cần thiết, tôn trọng những nỗ lực, suy nghĩ cá nhân của HS trong quá trình học tập.

Những kết quả ban đầu sau quá trình tự mình nghiên của cá nhân mỗi cá nhân HS được đem ra trao đổi thảo luận trong quá trình hoạt động nhóm. Quá trình trao đổi, thảo luận giữa các thành viên trong nhóm sẽ dẫn tới những mâu thuẫn, những quan điểm trái ngược nhau, một số em chưa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cá nhân hay chưa ý thức được trách nghiệm của mình trong việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cả nhóm. GV cần quan tâm chú ý, đưa ra những hướng dẫn khi cần thiết để điều khiển hoạt động của nhóm HHT, khuyến khích tất cả HS trong nhóm tham gia vào công việc chung.

Bước 3: Tổ chức thảo luận lớp

Kết quả của quá trình hoạt động nhóm sẽ được đem ra trao đổi thảo luận lớp. Mỗi nhóm sẽ cử thành viên đại diện hoặc một thành viên trong nhóm sẽ được chỉ định bất kỳ để trình bày kết quả hoạt động chung của cả nhóm, trình bày quá trình giải quyết vấn đề học tập của nhóm và những khó khăn trong quá trình hoạt động mà nhóm gặp phải.

Quá trình thảo luận lớp chỉ ra những khác biệt về kết quả hoạt động giữa các nhóm, HS tìm cách bảo vệ quan điểm của nhóm mình, phản bác lại ý kiến của những nhóm khác, từ đó phát hiện những thiếu sót hay những sai lầm còn mắc phải. Những khác biệt và những sai lầm xuất hiện trong quá trình thảo luận lớp tạo điều kiện để HS có thể mạnh dạn phát biểu lên những suy nghĩ, quan điểm của cá nhân qua việc nỗ lực bảo vệ thành quả chung của cả nhóm.

Bước 4: Đánh giá kết quả hoạt động

GV là người đưa ra kết quả chính xác để HS có thể dựa vào đó đối chiếu, tự đánh giá về kết quả hoạt động của nhóm mình. Việc đánh giá kết quả hoạt động của mỗi nhóm không chỉ căn cứ vào kết quả của mỗi nhóm mà còn được đánh giá thông qua quá trình hoạt động của mỗi nhóm, khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc nhóm, khả năng trao đổi và phối hợp với các thành viên khác trong nhóm. Từ đó GV giúp HS có thể rút ra những những bài học, những

kinh nghiệm cho bản thân để quá trình làm việc nhóm về sau diễn ra hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rèn luyện kỹ năng học hợp tác cho học sinh lớp 10 trung học phổ thông trong dạy học hàm số, phương trình và bất phương trình​ (Trang 50 - 52)