Biện pháp 4: Tổ chức hoạt động nhóm học hợp tác hiệu quả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rèn luyện kỹ năng học hợp tác cho học sinh lớp 10 trung học phổ thông trong dạy học hàm số, phương trình và bất phương trình​ (Trang 74 - 79)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.4. Biện pháp 4: Tổ chức hoạt động nhóm học hợp tác hiệu quả

2.3.4.1. Mục đích hoạt động

Tổ chức và điều khiển hoạt động nhóm HHT diễn ra thiết thực và hiệu quả, giúp HS trở thành trung tâm của quá trình học tập, phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập, phát triển năng lực hợp tác làm việc và năng lực giao tiếp xã hội của HS.

2.3.4.2. Tổ chức thực hiện

a. Tổ chức hoạt động nhóm học hợp tác

Sau khi lựa chọn được phương án chia nhóm phù hợp với các hoạt động HHT, GV sẽ tiến hành thành lập nhóm, phân công vị trí hoạt động của mỗi nhóm, sắp xếp các thành viên trong nhóm ngồi lại gần nhau theo vòng tròn hoặc mặt đối mặt để tăng cường sự tương tác giữa các HS trong nhóm với nhau, thuận lợi cho quá trình hoạt động nhóm, hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nhóm khác.

Có những HS chưa được làm quen hay chưa được rèn luyện nhiều về những kỹ năng hoạt động học tập nhóm vì vậy GV cần nhắc lại, hướng dẫn cho HS những kỹ năng hình thành nhóm và hoạt động nhóm cần thiết. Sau khi HS đã

được luyện tập, việc hình thành nhóm học sẽ được diễn ra nhanh chóng, không gây mất trật tự.

Các nhóm HHT cần phân công nhiệm vụ, vai trò cụ thể cho mỗi thành viên trong nhóm. GV cần chú ý hướng dẫn các nhóm phân công nhiệm vụ sao cho mỗi HS có cơ hội tham gia nhiều nhóm khác nhau với những vai trò khác nhau trong quá trình học tập. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để HS có thể thử thách bản thân với những vai trò khác nhau và rèn luyện các kỹ năng làm việc tập thể trong những điều kiện thay đổi. Trong mỗi nhóm HHT, các thành viên có những vai trò như sau:

- Nhóm trưởng: Là người lãnh đạo hoạt động của cả nhóm, có vai trò quan trọng trong việc gắn kết các thành viên trong nhóm với nhau. Để lựa chọn nhóm trưởng của mỗi nhóm thì GV có thể lựa chọn những HS có thành tích học tập hoặc thành tích thể thao tốt, những HS sôi nổi năng động tích cực tham gia vào các hoạt động của trường lớp,…Các nhóm cũng có thể tự bầu ra nhóm trưởng trên tinh thần dân chủ. Nhóm trưởng có thể không phải là HS học giỏi nhất vì nhiệm vụ của nhóm trưởng không phải là làm tất cả mọi việc, nhiệm vụ của nhóm trưởng là lãnh đạo cả nhóm, tạo ra không khí hoạt động nhóm thoải mái thân thiện, kết nối các thành viên trong nhóm với nhau để cùng nhau làm việc, lắng nghe ý kiến của tất cả các thành viên, điều khiển quá trình hoạt động nhóm.

- Thư ký: Là thành viên có nhiệm vụ thu thập kết quả hoạt động của các thành viên trong nhóm, tổng kết lại và đưa ra để cả nhóm tiến hành thảo luận, trình bày kết quả hoạt động của nhóm một cách hoàn chỉnh.

- Các thành viên khác trong nhóm hoạt động dưới sự lãnh đạo của nhóm trưởng, tích cực tham gia vào hoạt động của nhóm.

Mỗi thành viên trong nhóm đều phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của bản thân, chia sẻ giúp đỡ các thành viên khác, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác, nói lên quan điểm của cá nhân mình, thảo luận trên tinh thần xây dựng,

hướng tới mục tiêu chung. Mỗi thành viên đều phải đóng góp công sức mình vào thành công chung của cả nhóm.

b. Giải thích mục tiêu và nhiệm vụ của nhóm học hợp tác

Để tiến hành hoạt động HHT theo nhóm đạt hiệu quả thì HS cần phải xác định rõ ràng những mục tiêu và những nhiệm vụ học tập. GV có thể giúp đỡ HS bằng cách nhắc lại những kiến thức và kỹ năng có liên quan, đưa ra các ví dụ để GV hiểu những kiến thức và kỹ năng cần học tập. Khi giao nhiệm vụ cho HS, GV cần giúp HS hiểu rõ những việc phải làm, tránh những khó khăn gặp phải vì không xác định rõ nhiệm vụ.

Kết quả của quá trình HHT theo nhóm được đánh giá không chỉ dựa vào kết quả hoạt động mà mỗi nhóm báo cáo mà sẽ được đánh giá theo nhiều tiêu chí khác nhau. Vì vậy GV cần giải thích rõ các tiêu chí đánh giá hoạt động cho HS trước khi bắt đầu hoạt động. Các tiêu chí đánh giá được xây dựng phù hợp với năng lực thực tiễn của HS và được thường áp dụng chung cho cả lớp.

c. Đánh giá kết quả hoạt động của nhóm học hợp tác

Sự thành công của hoạt động HHT theo nhóm được đánh giá thông qua kết quả học tập và khả năng hợp tác của HS. Để những hoạt động HHT ngày càng đạt hiệu quả cao hơn thì cần tiến hành đánh giá, nhận xét quá trình hoạt động nhóm ngay sau mỗi hoạt động để rút ra những bài học kinh nghiệm và những kỹ năng hoạt động nhóm cần thiết. Việc nhận xét nhóm là có vai trò quan trọng như đối với việc học kiến thức.

Để việc đánh giá kết quả hoạt động của nhóm HHT có hiệu quả thì GV cần chú ý một số điều sau:

- Việc tiến hành đánh giá hoạt động nhóm phải được thực hiện ngay sau khi kết thúc hoạt động hợp tác hoặc vào cuối giờ học. Khi những trải nghiệm hoạt động nhóm của HS vẫn còn rất mới mẻ và HS vẫn còn dành sự quan tâm lớn đối với các vấn đề học tập thì GV cần tận dụng cơ hội này để tổng kết lại quá trình hoạt động nhóm của HS, đưa ra lời khen động viên với những mặt tích cực

HS đã làm được đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế cần phải khắc phục, từ đó rút ra những kinh nghiệm hoạt động nhóm cho HS.

- GV cần phải xác định rõ mục đích của việc đánh giá kết quả hoạt động của nhóm HHT là không chỉ chú trọng vào những nội dung kiến thức cần truyền thụ mà còn để thúc đẩy HS thực hiện những yêu cầu về kỹ năng HHT.

- GV cần xây dựng nội dung đánh giá kết quả hoạt động của nhóm HHT theo những tiêu chí khác nhau, bao gồm khả năng thực hiện những kỹ năng HHT. Từ đó hướng dẫn HS có thể tự đánh giá kết quả hoạt động của nhóm mình, GV sẽ lắng nghe và đưa ra những nhận xét bổ sung.

Để quá trình HHT theo nhóm diễn ra thiết thực và đạt hiệu quả thì cần coi trọng việc đánh giá và nhận xét kết quả hoạt động của nhóm HHT. Quá trình nhận xét và tự đánh giá sẽ giúp HS nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của những kỹ năng HHT giống như việc đạt được nội dung tri thức của bài học. Nếu hoạt động đánh giá và nhận xét không được thực hiện hiệu quả thì HS sẽ không thể nhận ra những mặt hạn chế còn tồn tại của bản thân để tìm cách khắc phục, những kỹ năng học hợp tác sẽ dần suy yếu, quá trình hoạt động nhóm khi đó chỉ diễn ra một cách hình thức mà không đạt được mục đích đề ra, đó là rèn luyện kỹ năng HHT cho HS.

Ví dụ 13: Khi tổ chức hoạt động trò chơi “Vượt chướng ngại vật” (Hình

2.2) trong dạy học nội dung “Ôn tập chương 2: Hàm số bậc nhất và bậc hai - Sách giáo khoa Đại Số 10”, căn cứ vào những điều kiện cơ sở vật chất và sĩ số HS mà GV lựa chọn phương án chia nhóm phù hợp để hoạt động. GV có thể lựa chọn phương án chia nhóm hỗn hợp dựa theo danh sách lớp, từ năm đến sáu HS có số thứ tự gần nhau sẽ tạo thành một nhóm.

GV hướng dẫn HS di chuyển tạo thành các nhóm, sắp xếp bàn ghế để tạo không gian hoạt động nhóm rộng rãi như xếp hai bàn quay vào nhau, các thành viên trong nhóm ngồi gần nhau theo vòng tròn hoặc ngồi đối mặt. Sau khi các

nhóm được thành lập, GV sẽ để các nhóm tự bầu ra nhóm trưởng và thư ký, phân chia trách nghiệm cho mỗi thành viên. Tuy nhiên, trong quá trình các nhóm hoạt động GV cần quan sát và có những điều chỉnh cần thiết để HS có cơ hội đảm nhận những trách nhiệm và những nhiệm vụ khác nhau trong quá trình hoạt động nhóm, không để HS chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất.

Trò chơi được thiết kế dựa theo một phần thi của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” được phát sóng trên kênh truyền hình VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam. Đây là một cuộc thi hấp dẫn, mang lại nhiều kiến thức bổ ích ở nhiều lĩnh vực khác nhau và được đông đảo HS đón nhận, rất nhiều em mong muốn được tham gia chương trình. GV có thể tận dụng điều này để thu hút sự chú ý của HS, tạo cho HS hứng thú tham gia vào hoạt động. GV cần phổ biến luật chơi và giải thích những nhiệm vụ của quá trình hoạt động nhóm để tất cả HS hiểu rõ những công việc cần phải làm, từ đó có sự phân công công việc và phối hợp hoạt động hiệu quả.

Kết thúc quá trình hoạt động nhóm, các nhóm có thể tự đánh giá kết quả hoạt động của nhóm mình dựa theo các tiêu chí đánh giá mà GV đã đưa ra, GV sẽ đưa ra những đánh giá, nhận xét bổ sung.

Ví dụ 14: Khi tổ chức hoạt động HHT qua trò chơi: “Ngôi sao hy vọng”

(Hình 2.2) trong dạy học bài: “Phương trình và hệ phương trình bậc nhất nhiều ẩn - Sách giáo khoa Đại số 10”, GV sẽ chia lớp thành bốn nhóm ngẫu nhiên để hoạt động. HS mỗi nhóm sẽ di chuyển tập trung lại với nhau, các bàn học sẽ được sắp xếp hai bàn một quay vào nhau tạo thành hàng giống như chiếc bàn lớn dài, HS ngồi vòng xung quanh.

Trò chơi được giới thiệu với hình ảnh quen thuộc của các hành tinh trong hệ mặt trời, mỗi hành tinh có màu sắc khác nhau và kích thước tương ứng với tỷ lệ thực gây hiệu ứng thị giác, kích thích sự hứng thú của HS. GV sẽ phổ biến luật chơi và những chú ý trong quá trình hoạt động nhóm. HS thảo luận để lựa chọn hành tinh của nhóm mình và cố gắng tìm hiểu yêu cầu của bài toán, tìm lời giải

phù hợp. HS có thể gặp một số khó khăn khi giải các bài toán dân gian như: có những từ ngữ ngày xưa mà bây giờ ít sử dụng (xu, hào,…), những dữ kiện đã cho lồng ghép trong những câu thơ khiến HS bối rối, không xác định được,….GV cần giúp đỡ bằng cách đưa ra những gợi ý cần thiết.

Kết quả của hoạt động nhóm không chỉ được đánh giá thông qua lời giải của bài toán mà còn được đánh giá thông qua quá trình trao đổi nhóm, tổng hợp trí tuệ của các thành viên trong việc tìm hiểu bài toán và tìm cách giải bài toán.

Ngoài ra còn rất nhiều biện pháp để rèn luyện kỹ năng HHT cho HS. Những kỹ năng HHT của HS sẽ dần suy yếu nếu không được thực hành thường xuyên. Vì vậy quá trình rèn luyện kỹ năng HHT cho HS là một quá trình dài, GV cần thường xuyên thúc đẩy HS thực hiện những yêu cầu về kỹ năng học hợp tác, vận dụng đa dạng các biện pháp rèn luyện kỹ năng học hợp tác cho HS và phối hợp các biện pháp với nhau để đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rèn luyện kỹ năng học hợp tác cho học sinh lớp 10 trung học phổ thông trong dạy học hàm số, phương trình và bất phương trình​ (Trang 74 - 79)