Góp phần làm đậm rõ giọng điệu châm biếm của nhà văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 82 - 144)

9. Bố cục của luận văn

3.2.3. Góp phần làm đậm rõ giọng điệu châm biếm của nhà văn

Theo định nghĩa của các nhà nghiên cứu trong “Từ điển thuật ngữ văn học”, giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm….” [8, tr.134]. Giọng điệu là yếu tố quan trọng thuộc tổ chức nghệ thuật của tác phẩm, một trong những nhân tố cần thiết tạo tính hấp dẫn cho tác phẩm và góp phần hình thành phong cách nhà văn. Hồ Anh Thái là một nhà văn đa giọng điệu. Tuy nhiên, giọng điệu nổi bật và gây ấn tượng nhất với người đọc có lẽ là giọng điệu châm biếm của nhà văn. “Châm biếm” có thể hiểu là chế giễu một cách hóm hỉnh nhằm phê phán

một thói hư tật xấu hay một đối tượng nào đó. Châm biếm thường đi liền với sắc thái mỉa mai, giễu cợt. Chính giọng điệu này, sắc thái này đã chi phối cách sử dụng ngôn ngữ trong tác phẩm để thông qua ngôn ngữ ấy, nhà văn làm nổi bật được cái chế giễu, mỉa mai hóm hỉnh. Thành ngữ, tục ngữ đã tận dụng được

lợi thế của mình để góp phần làm sáng rõ, tô đậm giọng điệu châm biếm của nhà văn.

Giới thiệu tập truyện ngắn Bốn lối vào nhà cười, báo điện tử Vietnamnet.vnn.vn viết: “Cuộc đời theo Hồ Anh Thái như một cái nhà cười mà bốn con đường đi vào ngôi nhà ấy là Sinh - Lão - Bệnh - Tử”, “Hồ Anh Thái viết như để giảm stress bởi bốn con đường vào nhà cười của anh đều lát đá hoạt kê. Cái giọng văn hài hước, ngôn ngữ đường phố, chợ búa đầu thế kỷ XXI đọc để giải sầu”. Báo Sài Gòn tiếp thị nêu nhận xét: “Ở Bốn lối vào nhà cười, tiếng cười thật chua chát, bật lên được ý thức tự trào của một người Việt tự trào. Từ những chuyện vặt nhưng khả năng phóng chiếu, châm biếm của nó thì không vặt chút nào”. Để làm nên được cái tự trào, cái châm biếm bằng giọng văn hài hước, thành ngữ, tục ngữ đã góp phần không nhỏ. Những câu thành ngữ, tục ngữ được đặt đúng lúc, đúng chỗ như một nét kẻ đen tô đậm nên giọng châm biếm giễu cợt hóm hỉnh mà sâu sắc:

Châm biếm những người làm thơ theo kiểu: “Thơ thì râu ông nọ một tí cắm cằm bà kia một tẹo. Từ ca dao cho đến thơ quốc nội cho đến thơ quốc ngoại” [48, tr. 261]. Câu thành ngữ râu ông nọ cắm cằm bà kia đã được nhà văn cải biến sáng tạo để châm biếm những kẻ làm thơ theo kiểu góp nhặt “ hổ lốn”. Nó thể hiện thái độ mỉa mai những kẻ không hiểu gì về thơ nhưng cũng học đòi làm thơ. Không dưới một lần nhà văn châm biếm những người như vậy. Trong một văn cảnh khác, nhà văn cũng khiễn cho người đọc bật cười chua chát với kiểu làm thơ này: “Một thứ thơ lang thang trong vườn cảm xúc, có thể nổ máy bắt đầu từ bất kì đâu, có thể dừng lại hái hoa bắt bướm ở bất kì đâu cũng được (…). Một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm thơ cả họ bơ phờ” [50, tr. 96].

Châm biếm những giáo sư “rởm”, những trí thức giấy phổ biến trong xã hội hiện đại, nhà văn lựa chọn thành ngữ, tục ngữ để dẫn người đọc thấy rõ những kẻ mang danh trí thức nhưng hành xử và suy nghĩ thì không có chút lịch thiệp và văn hóa: “Rắm rởm nhiều nên nhỡ có cái thứ thiệt cũng khó phân biệt.

Kêu to đích thị là thùng rỗng, rắm kêu cũng như chó sủa thì không cắn, vô hại” [54, tr. 13]. Người đọc sẽ bật cười vì sự châm biếm dí dỏm của nhà văn. Mượn tiếng kêu của “rắm” để chửi xéo những kẻ đầu óc rỗng tuếch. Cứ tưởng mình quan trọng nhưng thực ra là “vô hại”. Nếu như không có sự góp mặt của hai câu thành ngữ trên thì nhà văn khó mà cô đọng được ý châm biếm một cách sâu sắc như vậy.

Thành ngữ, tục ngữ cùng nhà văn đi sâu khám phá lật tẩy tật xấu của con người xã hội mới với lối sống thực dụng và đầy toan tính. Tật xấu ấy được diễn tả bằng giọng châm biếm giễu cợt hóm hỉnh. Chẳng hạn, cách so sánh tấc đất tấc vàng khi nói đến khu phố cổ: “Năm ba hộ gia đình chung nhau một cái nhà vệ sinh, sáng sớm một người đi bộ ở trong là cả mấy người xếp hàng chờ tắc cả lối đi ở ngoài. (…). Thế mà tấc đất tấc vàng.” [44, tr.13]. Cái tấc đất như tấc vàng ở đây không còn là sự so sánh giá trị của đất với vàng nữa. Trong ngữ cảnh này, câu tục ngữ trên đang nhấn mạnh đến sự châm biếm của nhà văn đối với những người thiển cận trong việc xác lập giá trị. Đất đai ở phố cổ thì chật hẹp đến khó thở “thế mà” vẫn chen nhau giành giật và quý trọng như vàng. Ở một chỗ khác, cũng so sánh này tác giả viết: “… Ông giám đốc sở địa chính đưa tay nhận tờ đơn ký xoẹt một cái. Một lô đất ở bãi tắm mới mở. Tấc đất tấc vàng.” [44,tr. 307] . “Tấc đất tấc vàng” là sự mỉa mai những kẻ coi trọng vật chất mà đánh mất tự trọng. Ở đây là ông cậu họ xa của người phụ nữ có chồng là ông Víp. Ông ta “thấy người sang bắt quàng làm họ”. “Bắt quàng” một cách trơ trẽn: Khi nào cần giải quyết việc cá nhân là ông ta lại lôi tấm ảnh chụp cùng ông

Víp ra để làm thứ dọn đường. Lần này cũng vậy. Dựa hơi ông Víp mà ông ta nhanh chóng có được lô đất giá trị ở bãi tắm mới mở.

Châm biếm những kẻ lợi dụng sự sụp đổ của người khác để tỏa sáng “Ông phó đến muộn cứ ngớ cả ra (…). Nhưng mà chuyển bại thành thắng rất nhanh. Đây là cơ hội đầu tiên ông hiện diện ở cương vị trưởng. Không được để tuột mất cơ hội. Cờ đến tay. Phải phất” [50, tr. 200]. Với kiểu vận dụng tách câu dùng ý của câu tục ngữ “cờ đến tay ai người đó phất”, nhà văn đã khiến người đọc phải “nhếch mép” với hành động của ông phó. Ông ta khéo léo tận dụng đám tang sếp của mình để một lần được làm trưởng, được người khác thán phục, nể trọng. Ông ta tự hào với điều đó. Câu tục ngữ đã cho thấy ông phó coi việc đó là điều đương nhiên mà không hề cảm thấy xấu hổ một chút nào. Như vậy, nhờ có câu tục ngữ ấy mà sự châm biếm của nhà văn trở nên rõ nét.

Chỉ qua một vài ví dụ ở trên, có thể thấy, việc vận dụng thành ngữ, tục ngữ đã góp phần làm đậm rõ giọng điệu châm biếm giễu cợt của nhà văn. Chúng giúp nhà văn có thể thể hiện giọng điệu này một cách dễ dàng hơn và thông minh hơn. Nhờ có thành ngữ, tục ngữ mà châm biếm vừa đạt hiệu quả lại không quá đà. Người đọc có cảm giác thích thú với giọng điệu này của nhà văn.

Tiểu kết chương 3

Vận dụng thành ngữ, tục ngữ đã đáp ứng được mục đích sáng tác của Hồ Anh Thái. Việc vận dụng đã tạo ra giá trị cho tác phẩm ở cả hai mặt nội dung và nghệ thuật. Các câu thành ngữ, tục ngữ giúp cho nhà văn có thể chuyển tải nội dung của tác phẩm một cách sáng rõ hơn. Thông qua những câu thành ngữ, tục ngữ mà nhà văn sử dụng, người đọc bổ sung thêm được những khía cạnh mới trong nội dung của tác phẩm. Từ đó, làm phong phú thêm cách tiếp cận những vấn đề trong tác phẩm. Bên cạnh đó, sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong các trang viết đã khẳng định được tài năng nghệ thuật già dặn của nhà văn Hồ Anh Thái. Bởi vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác không phải là dễ, vận dụng để đạt hiệu quả thẩm mĩ lại càng khó. Nhưng nhà văn đã vận dụng thành công kho tàng dân gian quý báu để tạo ra được những trang viết ấn tượng tạo được hiệu ứng tốt cho quá trình tiếp nhận tác phẩm của ông đến với độc giả. Vì thế, hiệu quả tích cực mà thành ngữ, tục ngữ đem đến trong quá trình sáng tạo văn chương của Hồ Anh Thái là một thành công đáng được ghi nhận.

Với những giá trị mà thành ngữ, tục ngữ đem lại cho các tác phẩm của Hồ Anh Thái, một lần nữa đã khẳng định sức sống bền bỉ và giá trị trường tồn của thành ngữ, tục ngữ truyền thống trong thời đại mới. Kho tàng thành ngữ, tục ngữ hiện đại đã và đang phát huy vai trò của mình trong việc phản ánh các vấn đề xã hội mới; phê phán, phủ nhận những thói hư tật xấu của con người. Từ đó, nhà văn góp sức vào việc “thanh lọc” xã hội để tiến bộ và phát triển hơn, văn minh hơn.

Với tất cả những điều nhận thấy ở trên, cho thấy thành ngữ, tục ngữ đã có bước chuyển mình độc đáo "Những câu tục ngữ mới đã tiếp tục tinh hoa của tục ngữ truyền thống để làm nên mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Từ

trong cái bếp lò tinh thần của cha ông chúng ta còn lấy ra không phải nắm tro đã nguội lạnh mà là ngọn lửa đang bốc cháy" [26, tr47]. Đó là sự vận động không ngừng nghỉ của tục ngữ để tục ngữ luôn được mới mẻ không bị lạc hậu, lãng quên. Từ những câu nói truyền miệng có đời sống trôi nổi nay tục ngữ đã có một bến đỗ mới vững chắc hơn ở trong các tác phẩm văn chương.

KẾT LUẬN

1. Thành ngữ, tục ngữ có giá trị rất lớn trong việc biểu hiện ý tưởng, lời nói giữa con người với con người. Chúng được coi như là sự diễn đạt tiêu biểu của triết lí dân gian. Thành ngữ, tục ngữ mang tính nhật dụng khá cao, có nhiều điều trong cuộc sống mà người ta không thể nói ra, lúc đó người ta phải viện đến câu thành ngữ, tục ngữ làm ngụ ý. Vì thành ngữ, tục ngữ ngắn gọn, phong phú, có vần điệu, giàu hình ảnh nên đã đáp ứng được nhu cầu ứng dụng trong thực tế giao tiếp. Khả năng tư duy của con người ngày càng được nâng cao thì tục ngữ phát triển càng dồi dào. Cuộc sống vẫn luôn vận động không ngừng, nhiều thế hệ đã đi qua, tục ngữ vẫn cứ chảy theo dòng chảy của cuộc sống, ra đời để tạo thành sự phát triển liền mạch từ xưa cho đến nay.

2. Thành ngữ, tục ngữ được Hồ Anh Thái sử dụng trong hầu hết các thể loại, từ truyện ngắn cho tới tiểu thuyết. Điều đó chứng minh nhà văn rất tin tưởng vào giá trị mà thành ngữ, tục ngữ mang lại. Nhà văn vận dụng thành ngữ, tục ngữ cả ở dạng nguyên dạng truyền thống và ở dạng cải biến sáng tạo. Sự vận dụng linh hoạt trong nhiều trường hợp đã tạo nên những “biến thể”, “dị bản” khá mới lạ. Những dị bản ấy phù hợp và thích nghi với những vấn đề mới của thời đại và làm đậm rõ phong cách nhà văn. Việc vận dụng đã tạo ra những giá trị về nội dung và nghệ thuật. Thông qua thành ngữ, tục ngữ, nội dung ngữ nghĩa được chuyển tải một cách sinh động và thú vị. Nhờ có thành ngữ, tục ngữ, câu văn tăng thêm giá trị biểu cảm, lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh và đặc biệt là góp phần làm đậm rõ sự giễu cợt hài hước rất hóm hỉnh của nhà văn.

3. Nhờ có sự vận dụng hiệu quả thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác, Hồ Anh Thái đã nối tiếp một nhịp cầu nối giữa văn học truyền thống với văn học hiện đại. Văn chương của Hồ Anh Thái vừa mang nét truyền thống kế thừa từ

văn học dân gian và văn học trung đại lại vừa mang nét mới của văn học hiện đại. Cái truyền thống chính là sự kế thừa và tiếp nối kho tàng dân gian của cha ông để vận dụng trong sáng tác. Sự vận dụng này là một quá trình nối tiếp nhau của các thế hệ nhà văn, nhà thơ. Từ thời văn học trung đại, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…đã vận dụng thành ngữ, tục ngữ rất thành công để chuyển tải nội dung của tác phẩm. Chuyển sang giai đoạn giao thời, thành ngữ, tục ngữ cũng được vận dụng trong nhiều tác phẩm của nhiều nhà văn khác nhau: Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Lê Hoàng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh… Giai đoạn văn học hiện đại, hầu hết các nhà văn đều có sử dụng thành ngữ, tục ngữ khi sáng tác. Chỉ khác nhau ở mức độ sử dụng nhiều hay ít. Có thể kể đến một số nhà văn tiêu biểu: Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài, Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng…Nhà văn Hồ Anh Thái đã nối dài thêm vào sợi dây kế thừa này để tạo ra sự liên tục, liền mạch cho sự sống của thành ngữ, tục ngữ trong thời đại mới. Bởi ông vừa kế thừa lại vừa sáng tạo để thành ngữ, tục ngữ truyền thống phù hợp với xã hội hiện đại, con người hiện đại. Ông đã góp sức vào việc giữ gìn và phát triển tinh hoa của văn hóa, văn học Việt.

4. Với những vấn đề nghiên cứu ở đề tài, chúng ta có thể thấy kho tàng thành ngữ, tục ngữ của dân tộc đã phát huy ưu thế trong mọi thời đại. Văn học dân gian một lần nữa đã thể hiện sự đóng góp to lớn để đem đến giá trị thẩm mĩ cho văn học viết. Thành ngữ, tục ngữ góp phần thúc đẩy văn chương phát triển. Với những đặc điểm nổi trội của mình, thành ngữ, tục ngữ đã được các nhà văn sử dụng đắc lực trong sáng tác với nhiều kiểu vận dụng khác nhau tuỳ theo sự sáng tạo của từng người. Trí khôn của tục ngữ kết hợp với trí tuệ và sự khéo léo của nhà văn đã phát huy được giá trị rất lớn để đem đến thành công cho những trang viết. Vì vậy, việc sử dụng tục ngữ trong văn chương hiện đại khá phổ

biến. Ngoài Hồ Anh Thái còn có rất nhiều nhà văn hiện đại ưa sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác. Ngược lại, các tác phẩm văn học đã trở thành phương tiện để chắp cánh cho sự phát triển, vận động không ngừng của thành ngữ, tục ngữ. Văn chương đã đưa thành ngữ, tục ngữ đến với mọi người. Nhờ có văn chương, thành ngữ, tục ngữ sẽ được phổ biến rộng rãi hơn nữa, mới mẻ hơn nữa để "không bao giờ lỗi thời". Mối quan hệ qua lại giữa tục ngữ và văn học là mối quan hệ khăng khít, tích cực, cần được quan tâm đúng mức.

5. Từ góc độ nghiên cứu của đề tài, chúng tôi hi vọng rằng những vấn đề được đặt ra sẽ đem đến một góc nhìn nữa bổ sung cho việc nghiên cứu mối quan hệ giữa thành ngữ, tục ngữ với văn chương hiện đại. Qua sự tìm hiểu đó, khẳng định sự tồn tại và vận động của thành ngữ, tục ngữ trong đời sống đương đại và hệ quả của nó đối với văn chương nói riêng, với văn hoá nói chung trong xã hội hiện đại, từ đó cần có định hướng bảo tồn thành ngữ, tục ngữ cho mai sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chu Xuân Diên, "Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại" (1969),

Tạp chí văn học, (số 4).

2. Chu Xuân Diên, Đinh Gia Khánh, Võ Quang Nhơn (1997), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, tái bản lần thứ 10.

3. Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri (1975), Tục ngữ Việt Nam, NXB KHXH, tái bản lần thứ 10.

4. Lê Thị Bích Diệp (2012), Cách sử dụng thành ngữ trong tác phẩm của Hồ Anh Thái và Dương Thụy, Luận văn thạc sĩ, Đại học Vinh.

5. Phan Thị Đào (1997), “Tỉnh lược như là một yếu tố cấu thành thi pháp tục ngữ”, Tạp chí Văn hóa dân gian, (Số 3), tr. 88- 90.

6. Phan Thị Đào (2001), Tìm hiểu thi pháp tục ngữ, Nxb Thuận Hóa.

7. Nguyễn Thiện Giáp (1985), Từ vựng học tiếng việt, Nxb Đại học và trung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 82 - 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)