Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ góp phần khắc họa chân dung và nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 64 - 70)

9. Bố cục của luận văn

3.1.2. Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ góp phần khắc họa chân dung và nhân

nhân cách của con người hiện đại

Để nhân vật hiện lên một cách rõ nét và sinh động, nhà văn chọn sử dụng nhiều cách thức khác nhau như: miêu tả, tái hiện nhân vật qua hành động, qua nhận xét của nhân vật khác…và sử dụng thành ngữ, tục ngữ để khắc họa ngoại hình, tâm trạng nhân vật.

Để khắc họa chân dung ngoại hình, nhà văn chỉ cần vài nét vẽ tiêu biểu: - “Cô thuộc loại người này. Xinh xắn cao ráo. Nhưng lưng hơi thẳng người hơi khô. Khô chân gân mặt. Hơi nghiêm” [43, tr. 32]

- “Cô phó chủ nhiệm tuổi bốn bảy, không có hơi hớm đàn ông, người cứ

đét ra như con cá mắm” [48, tr. 18]

- “Một chàng trai cao to, mặt hoa da phấn, cặp kính trắng đầy vẻ trí thức” [49, tr. 83]

Với lợi thế ngắn gọn nhưng giàu hình ảnh, các câu thành ngữ, tục ngữ

Khô chân gân mặt; Gầy đét như cá mắm; Thân tàn ma dại; Mặt hoa da phấn

đã khắc họa ngoại hình của nhân vật một cách đầy thú vị và mỗi nhân vật mang một nét riêng. Riêng câu “Khô chân gân mặt” ngoài miêu tả ngoại hình nhân vật còn đủ sức gợi cả tính cách của nhân vật đó là một người đàn bà nghiêm nghị, khó tính.

Nhà văn còn vận dụng thành ngữ, tục ngữ để miêu tả tâm trạng của nhân vật rất thành công:

- “Ta đã sống dở chết dở với tay đạo sư mấy bận” [44, tr. 63]

Câu thành ngữ sống dở chết dở miêu tả tâm trạng bối rối chưa tìm ra cách xử lí của nhân vật.

- “Chuyện trò với người đàn bà vui như tết” [43, tr. 45]

- “Đám làm ăn mừng như bắt được vàng vì công việc không bị phập phù cầm chừng” [48, tr. 310]

Cùng là nói đến tâm trạng vui mừng nhưng hai câu thành ngữ vui như tết và mừng như bắt được vàng lại thể hiện hai sắc thái khác nhau. Đấy là cái hay mà thành ngữ, tục ngữ đem lại so với từ ngữ miêu tả thông thường.

-“Ông già chết đứng như Từ Hải giữa nhà” [51, tr. 162]

Câu thành ngữ chết đứng như Từ Hải biểu thị rất rõ tâm trạng bất ngờ, đột ngột nên chưa biết phản ứng như thế nào của nhân vật “ông già”.

Thành ngữ, tục ngữ truyền thống vốn được dùng để miêu tả con người truyền thống. Thế nhưng, Hồ Anh Thái đã dùng chất liệu dân gian này để góp phần làm sáng rõ nhân cách của con người trong xã hội hiện đại. Vì thế, mặc dù có khi vẫn mang đặc điểm hình thức cũ nhưng những câu thành ngữ,

tục ngữ đã vẽ nên một cách chân thực cách nghĩ và lối sống của những con người thời đại mới.

“Tôi thầm xúi họ đừng có lao vào tôi như thiêu thân, mật ngọt chết ruồi, chim khôn mới càng chết mệt vì mồi,… Suy bụng ta ra bụng người, từ ấy nhìn những danh thủ những chàng minh tinh màn bạc được chị em si mê, tôi dám chắc trông họ mặt hoa da phấn thế thôi chứ những trang nam tử ấy trong cũng lục đục thối hoăng” (Chạy quanh công viên mất một tháng). Chỉ một đoạn văn ngắn nhưng nhà văn chêm xen đến 5 câu thành ngữ, tục ngữ. Những câu được sử dụng trong đoạn văn này đã hé lộ phần nào đặc điểm con người hiện đại. Con người trong thời đại mới thật giả lẫn lộn. Không thể đơn thuần dựa vào bề ngoài để đánh giá họ tốt hay xấu. Đừng thấy người bảnh bao, sang trọng thì vội đánh giá nhân cách họ tốt và ngược lại. Có khi chỉ là sự sáng sủa giả tạo như hình ảnh của các anh minh tinh màn bạc kia mà thôi. Trong truyện ngắn “Những cuộc kiếm tìm”, người viết thấy tâm đắc với một câu thành ngữ truyền thống mà nhà văn sử dụng: “cưa sừng làm nghé” khi nói về cô gái tên Ly. Câu thành ngữ này vốn hay được dùng để chỉ sự cố tình làm ra vẻ ngây thơ non dại của những người đã có tuổi. Thế nhưng, trong văn cảnh này, nhà văn đã khéo léo sử dụng câu thành ngữ trên để cho thấy bộ mặt thật trong nhân cách của nhân vật hơn là vẻ bề ngoài. Tâm hồn của cô ta thì quá là già dặn và có khi là mưu mô. Thế nhưng lúc nào cũng tỏ ra là một cô bé ngây thơ và giàu tình thương vô bờ bến. Giả vờ thương xót chú gà con, ghê khi phải thịt gà nhưng món khoái khẩu lại là gà xé phay! Đặt vào ngữ cảnh của truyện, câu thành ngữ lúc này được dùng để chế nhạo những con người giả nhân giả nghĩa. Mà trong xã hội mới thì kiểu người này không hiếm, nếu không muốn nói là rất phổ biến. Trước đây tục ngữ có câu “Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” để nói tới sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của những người sống cạnh

nhau. Thế nhưng, trong thời đại mới, cách nghĩ của con người có sự chi phối của đồng tiền nhiều hơn, con người đã thay đổi cách nghĩ và cách sống. Vậy nên, mối quan hệ láng giềng trong thời đại mới cũng mang nét mới: “Khi thường hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn lá lành đùm lá rách; cũng có khi lấn đất bờ rào, tranh giành miếng đất…” [42, tr. 230]. Mở rộng ý nghĩa của câu tục ngữ này, nhà văn muốn nói tới lối sống ích kỉ của một số người quá coi trọng lợi ích cá nhân mà phớt lờ đi tình cảm quý báu với những người xung quanh.

Xâu chuỗi các câu thành ngữ, tục ngữ mà nhà văn sử dụng, kết hợp với các tố khác trong văn bản, người đọc dễ nhận thấy lối sống và cách nghĩ của con người hiện đại đã thoáng hơn rất nhiều. Thoáng đến mức trở thành sống buông thả, dễ dãi và có phần dị hợm ở một số người. Trong tiểu thuyết “Mười lẻ một đêm”, nhà văn có so sánh “khách sạn nhà nghỉ mọc lên như nấm”. Câu thành ngữ mọc lên như nấm có cách hiểu thông thường là chỉ số lượng và tốc độ - nhiều và nhanh. Tuy nhiên trong trường hợp này, hiệu quả về diễn tả số lượng và tốc độ chưa phải là cái đích câu thành ngữ này hướng tới. Mượn một câu thành ngữ truyền thống quen thuộc của dân gian, tác giả thể hiện một thái độ lo ngại, một lời cảnh báo về một hiện tượng tiêu cực liên quan đến cách sống dễ dãi, buông thả của không ít người trong xã hội đương đại đã, đang lan tràn đến chóng mặt. Có được ý nghĩa đó bởi câu thành ngữ còn được đặt kèm với những câu văn giúp nhà văn giải thích rõ: “Chuyện ấy ngày nay hơi bị dễ. Thời gian địa điểm hơi bị dễ”. Mặt trái của xã hội hiện ra thật nhức nhối. Nhân cách của một số người đang đi xuống nhanh chóng.

Con người hiện đại, ở một số người, đã biết lợi dụng cái dễ của xã hội mà thỏa mãn ham muốn của mình. Ham muốn đi liền với dục vọng. Ví dụ rõ nét là hình ảnh một người đàn bà trong “ Mười lẻ một đêm”. Một người luôn hành

động theo bản năng, tràn đầy ham muốn dục vọng cá nhân. Cách thức sống, cách thức tồn tại của chị ta là các chiến thuật “tia”,“cưa”, “ngửi”, “đánh hơi”, “chén” … luôn được mang ra áp dụng với đàn ông. Mục đích cuối cùng là lấy được đất, nhà của họ. Thế nên, bà ta coi đàn ông cùng với đất đai tài sản của họ giống một miếng mồi, hay giống như một thứ thức ăn để có thể ngửi, chén ngon lành: “mẹ

ngửi thấy mùi đàn ông và mùi đất đều chén được” [43, tr.68]. Chưa dừng lại ở đó, nhà văn tiếp tục lột tả bản chất của người đàn bà ấy qua các hành động trơ tráo khác: “cô đánh hơi được cơ quan có kế hoạch phân nhà cho nhân viên” [43, tr.61] ; rồi “Cưa ngay anh chàng huấn luyện viên ba sáu tuổi chưa vợ » [43, tr.74]. Những động từ “ngửi”, “chén”, “đánh hơi”, “cưa” được nhà văn sử dụng một cách linh hoạt, liên tục. Người đọc dường như thấy nhà văn đang dồn hết những động từ mạnh để ào ạt lột tả cái ma lanh, sự tính toán thực dụng của người đàn bà này. Kết quả là « Cái bản năng của người đàn bà này đã gây ra bao tai họa cho những người xung quanh: “Anh đang yên đang lành thì cô ta nhảy bổ vào anh, đè gí anh vào giá sách thư viện chiếm đoạt anh. Anh cũng đang yên đang lành gia thất thì cô ta nhảy vọt ra khỏi nhà, bỏ đi lấy người khác”. Sự tấn công trơ tráo, sự giũ bỏ gia đình một cách quá mau lẹ, không một chút phân vân của người đàn bà này được chuyển tải trong hai từ giản dị mà độc đáo. “Nhảy bổ”, “nhảy vọt” là hai từ chỉ cách thức hành động tạo khoảng cách với động tác nhanh, mạnh, bất ngờ, quyết liệt được dùng để nói về hành vi của con người, một hành vi bản năng hoang dã đã gợi lên rõ rệt cái ngang nhiên, vô trách nhiệm của người đàn bà, sự sửng sốt, phẫn nộ của người trong cuộc trước hoàn cảnh phũ phàng, trớ trêu » (Luận văn Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái- Nguyễn Thị Minh Hoa). Còn người phụ nữ trong tác phẩm (sau này là vợ ông Víp), để chiếm được tình cảm của người đàn ông có thế lực đã tìm đường đi khôn ngoan nhất là lấy lòng thằng Cá- con riêng của ông Víp. Cô đi bằng con đường “muốn cha thì

phải yêu con”. Vậy nên cô ta đã làm mọi cách để chiếm được cảm tình của thằng bé. Nhưng cách cô ta làm là diễn kịch với đủ sự tính toán để miễn sao lấy được lòng của chú bé tật nguyền ngây thơ ấy. Tác giả đã diễn tả tâm địa của người đàn bà bằng nhận xét chứa đầy thái độ mỉa mai: “cô đang làm xiếc trên dây” [43, tr.287]. Cô ta diễn đủ trò để thằng bé nghĩ rằng đây là một người mẹ kế yêu thương mình thực sự. Nhưng người đọc thì hiểu ngay cái cô ta yêu thực sự là tiền và quyền của bố thằng bé kia. Ẩn dưới khuôn mặt có vẻ hồn nhiên thánh thiện là tâm hồn một con ác quỷ đầy mưu mô toan tính. Tuy nhiên, trong xã hội này, không chỉ những người đàn bà mới thực dụng. Những bậc nam nhi cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của của cải, danh vọng. Thế nên, nhiều « Sở Khanh » đã xuất hiện. Nhà văn đã từng chỉ ra những người đàn ông như thế: «Con cá tươi nhất là con một ông tướng.

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Tức thầy mới là mục đích, còn yêu là biện pháp để đạt mục đích. Yêu cha mà lấy con» [48, tr.185].

Qua đây, tác giả phơi bày một thực trạng nữa trong nhân cách của người hiện đại: Con người sẵn sàng làm mọi thứ để đạt mục đích sống. Tình cảm con người là thứ thiêng liêng đáng được trân trọng thì nay đã trở thành thứ vũ khí đắc lực để người ta trao đổi, tính toán, đạt được mục đích một cách nhanh nhất. Người ta có thể làm xiếc trên dây và cũng có thể có những pha diễn ngoạn mục trong cuộc sống. Người với người sống với nhau bằng thứ mặt nạ trá hình chứ không còn đối xử với nhau bằng trái tim. Đây là một thực tế không còn là hiếm trong xã hội hiện đại, thậm chí nó còn trở nên hết sức bình thường trong cách nhìn nhận của không ít người. Con người giống như những diễn viên xiếc đại tài. Vậy nên, lòng dạ của con người thật khó đoán. Không ít lần nhà văn đã nêu ra thực tế này thông qua các câu tục ngữ: Lòng con mình mà mình còn không

đo được nữa là lòng người đời; Ai mà đo được nông sâu lòng người; những lúc này mới thấy lòng người khó đoán như thế nào.

Nếu nghiên cứu các sáng tác của Hồ Anh Thái một cách toàn diện sẽ thấy sáng rõ hơn nữa bóng dáng của con người hiện đại. Bởi nhà văn đã khai thác nhân vật rất đa dạng với mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi. Từ những thị dân đến viên chức nhỏ, từ những sếp lớn cho đến những người dân thường làm xe ôm, osin, thợ sửa móng tay…Nhà văn tiếp cận để lật tẩy những mặt trái trong suy nghĩ và lối sống của con người hiện đại. Nhưng không có nghĩa là ở xã hội ấy không có người tốt. Trong xã hội ấy vẫn có những con người đầy bản lĩnh và đầy khát vọng như Hòa (Người đàn bà trên đảo), trong sáng như cậu bé Tân (Trong sương hồng hiện ra), và cũng có những số phận bất hạnh luôn khao khát hạnh phúc lứa đôi như những người đàn bà trong Đội Năm (Người đàn bà trên đảo). Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu của đề tài, người viết nhận thấy thành ngữ, tục ngữ chủ yếu được nhà văn sử dụng để góp phần làm hiển lộ thói hư tật xấu của con người trong xã hội hiện đại. Qua đó để mọi người tự soi vào để nhận ra rõ bản chất của xã hội mình đang sống. Soi vào đấy, và biết đâu, có mình trong đó. Giống như nhà văn đã từng trả lời trong một bài phỏng vấn “Tự biết mình là thực sự tiến bộ cơ mà. Và như vậy, sự biết mình ấy dù có day dứt, dằn vặt sâu cay quá cũng là cần thiết”. Như vậy, thành ngữ, tục ngữ đã góp phần quan trọng, thể hiện rõ vai trò của chúng trong xã hội hiện đại. Chúng đã góp phần hiển lộ con người với những hạn chế cần thiết phải tự biết mình, rồi biết người, để tiến bộ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 64 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)