Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ góp phần hiển lộ xã hội hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 61 - 64)

9. Bố cục của luận văn

3.1.1. Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ góp phần hiển lộ xã hội hiện đại

Hồ Anh Thái là nhà văn trưởng thành từ thời hậu chiến. Các sáng tác của ông phản ánh xã hội Việt Nam sau khi chiến tranh đã kết thúc. Nếu xâu chuỗi các sáng tác của ông, ta thấy nhà văn đã bám sát hiện thực đời sống xã hội từ khi chiến tranh kết thúc đến cuộc sống thời tiền đổi mới và hậu đổi mới. Nhà văn đã nỗ lực để đem đến cho người đọc cái nhìn bao quát nhất và toàn diện nhất về cuộc sống xã hội lúc chiến tranh đã lùi xa. Đọc các sáng tác của ông, người đọc có cảm giác đang được trải nghiệm cảm giác thực của cuộc sống thời hậu chiến và cuộc sống của xã hội hiện đại.

Mỗi một tiểu thuyết hoặc truyện ngắn của nhà văn là một mảng khai thác một phần của hiện thực xã hội. Vậy nên, muốn thấy được một hiện thực toàn vẹn, chúng ta cần phải nghiên cứu trên nhiều phương diện khác nhau trong các tác phẩm của nhà văn. Dưới góc độ nghiên cứu của đề tài, người viết chỉ nghiên cứu hiện thực xã hội hiện đại hé lộ trong các sáng tác của nhà văn thông qua hệ thống các câu thành ngữ, tục ngữ được sử dụng trong các tác phẩm.

Thành ngữ, tục ngữ trong các sáng tác của nhà văn đã phần nào khái quát được hiện thực của xã hội hiện đại: “Một xã hội thời mở cửa với tất cả những gì làm nên khuôn mặt thật của nó. Hồ Anh Thái đã "lật", đã "khơi", đã "phơi", đã "quật" bao thói xấu, bao điều chướng mắt, bao thứ lập lờ trắng đen cứ hàng ngày hàng giờ hiện hữu đầy nhức nhối trong xã hội. Chuyện học thuật, phong cấp

phong hàm, chuyện gái trai, nhà nghỉ, chuyện hát hò, vẽ tranh, nặn tượng, chuyện đạo văn, đạo công trình nghiên cứu, tình yêu, danh vọng trong thời mở cửa, …, tất cả được Hồ Anh Thái chuyển tải thật hấp dẫn trong tác phẩm bởi một hệ thống ngôn ngữ giàu sức tạo hình” (Luận văn Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái- Nguyễn Thị Minh Hoa). Góp phần không nhỏ trong hệ thống ngôn ngữ ấy chính là kho tàng thành ngữ, tục ngữ truyền thống được nhà văn vận dụng rất khéo léo.

Khi khảo sát hệ thống các câu thành ngữ, tục ngữ mà Hồ Anh Thái sử dụng trong các tác phẩm, chúng tôi nhận thấy bộ mặt của xã hội hiện đại thời mở cửa với các đặc điểm nổi trội mà chỉ đến thời đại mới nó mới trở nên phổ biến.

Đó là một xã hội mà con người ta rất coi trọng tài sản, nhất là đất đai. Thời buổi đất chật người đông, đất đai là thứ quý hiếm. Vậy nên, con người coi đây là thứ tài sản có giá trị to lớn. Hồ Anh Thái đã hé lộ điều này qua sự lặp đi lặp lại câu tục ngữ “Tấc đất tấc vàng”, với các biến thể của nó:

- Thế mà, tấc đất tấc vàng [48, tr.14]

-Tấc đất ngàn vàng [48, tr.25]

- Tấc đất không còn là tấc vàng nữa mà là tấc ngàn vàng, tấc kim cương

[48, tr.108]

- Một lô đất ở bãi tắm mới mở. Tấc đất tấc vàng [48, tr.292]

Xét kĩ các ví dụ, thấy thú vị là nhà văn sử dụng câu tục ngữ trên để nhấn mạnh vai trò và sự quý giá của đất đai với sự nhấn mạnh tăng cấp dần: Ban đầu là vàng, sau đến ngàn vàng, cao nhất là kim cương. Nghĩa là trong xã hội hiện đại ấy, giá trị của đất đai được nâng cao từng ngày, càng ngày nó càng được coi trọng. Đây là cái khéo léo mà nhà văn diễn tả thông qua câu tục ngữ. Người đọc vừa nhận ra bộ mặt của xã hội hiện đại, vừa cảm thấy hứng thú với cách nhào nặn tục ngữ dân gian để đem đến cho nó hơi thở của thời đại mới.

Nhà văn cũng đã thẳng thắn nhìn nhận để lật tẩy một khía cạnh khác của xã hội hiện đại- đó là một xã hội mà mọi thứ đều phải sòng phẳng, mọi thứ đều vận hành trên qui luật “tiền trao cháo múc”. Không ít lần nhà văn đã dùng câu thành ngữ trên để chỉ rõ điều đó. Có thể là mua bán hàng hóa sòng phẳng: Tiền trao cháo múc. “Có tiền mặt, cô nhân viên nào cũng vui vẻ phục vụ [48, tr.215]. Nhưng đáng suy ngẫm hơn là trong xã hội này, tình cảm của con người cũng phải được cân đong đo đếm để “trao”, “múc” cho cân. Đó là bởi sự tác động không nhỏ của thời buổi kinh tế thị trường- thời buổi mà đồng tiền thống trị tất cả và chi phối tất cả. Đó là thời buổi mà “Mạnh vì gạo bạo vì tiền”, đạo đức của con người đang xuống cấp một cách trầm trọng. Vì thế, nhà văn mới sáng tạo ra một câu thành ngữ phù hợp với cách ứng xử của con người trong xã hội hiện đại “Cho gà ăn thịt gà”- con người bằng cách này hay cách khác đang lợi dụng nhau, tiêu diệt nhau mà sống.

Thông qua hệ thống thành ngữ, tục ngữ mà nhà văn sử dụng, chúng ta còn nhận thấy xã hội hiện đại là một xã hội người với nhiều loại người, nhiều lớp người, nhiều quan hệ chằng chịt. Xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển biến từ bao cấp sang kinh tế thị trường, bên cạnh những cái đổi mới, cái hiện đại, thì cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, nhiều cái đáng khóc, đáng cười, nhiều thói hư tật xấu của con người cũng có dịp nảy sinh nhanh chóng. Mượn xã hội loài cá mà nhà văn viết trong “SBC là săn bắt chuột” để khái quát xã hội hiện đại: “Bình yên vỏ ngoài mà thôi. Đứa trầm tĩnh chín chắn tính toán khôn ngoan. Đứa nóng nảy vội vàng lập cập lanh chanh ngu đần. Đứa mưu mô thủ đoạn thâm hiểm lừa lọc. Đứa trịch thượng hung bạo ác bá chỉ ưa tàn sát. Xem xã hội cá cũng rút ra được kinh nghiệm để sống với xã hội người” [48, tr. 137]. Một xã hội với đủ sự ganh đua hơn thiệt. Một xã hội sẵn sàng đổ máu vì lợi ích cá nhân: “Máu người quý hơn nước lã nhưng để có nước lã nhiều khi phải đổ

máu người” [48, tr. 337]. Nhà văn mượn ý câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, vận dụng một cách sáng tạo để bao hàm một nội dung mới. Câu tục ngữ cải biến của nhà văn không nói tới ý nghĩa mối quan hệ cùng chung huyết thống như câu tục ngữ gốc. “Nước lã” ở đây đã được ngầm hiểu là lợi ích mà con người theo đuổi. Và xã hội hiện đại là xã hội mà người ta có thể đổ máu để đạt được mục đích. Sự tranh giành, ganh đua rất quyết liệt. Con người sẵn sàng “chơi” lại con người trong sự tính toán thiệt hơn.

Chỉ qua một vài câu thành ngữ, tục ngữ được nhà văn vận dụng, người đọc đã phần nào thấy được bộ mặt của xã hội hiện đại có sự chuyển biến khác thế nào so với thời chiến. Hồ Anh thái đã đi sâu vào các mặt xấu để lột tả nhằm đem đến một cách nhìn toàn diện về cuộc sống xung quanh chúng ta. Quan trọng hơn là giúp mỗi người nhận ra sự hạn chế để khắc phục nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)