Tăng sự linh hoạt và hình ảnh cho câu văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 77 - 82)

9. Bố cục của luận văn

3.2.2. Tăng sự linh hoạt và hình ảnh cho câu văn

Thành ngữ, tục ngữ là những câu nói dễ tạo được hiệu quả nghệ thuật khi chúng hiện diện trong các tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, không phải hễ được sử dụng, các đơn vị ngôn ngữ này tất yếu phát huy hiệu quả nghệ thuật của chúng. Điều này tùy thuộc vào năng lực ngôn ngữ của người viết. Thực tế, bên cạnh những trường hợp thành công, cũng có không ít trường hợp thất bại khi vận dụng thành ngữ, tục ngữ. Người viết không thể đưa thành ngữ, tục ngữ vào lời văn của mình một cách tùy tiện. Bởi mỗi câu

thành ngữ, tục ngữ họ mượn của dân gian đưa vào văn mình phải đặc sắc hơn đơn vị ngôn từ do chính mình tạo ra để đặt vào vị trí thích hợp trong lời văn. Làm được điều này không hề dễ. Nó yêu cầu nhà văn phải có sự chau truốt, tính toán kĩ càng. Hồ Anh Thái thực sự là một nhà văn thành công trong cách vận dụng thành ngữ, tục ngữ. Ông đã vận dụng thành ngữ, tục ngữ một cách tinh tế để tạo ra những câu văn linh hoạt và giàu hình ảnh.

Thường thì các nhà văn khác hay vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong lời của nhân vật. Nhưng Hồ Anh Thái lại lựa chọn vận dụng chúng trong lời trần thuật là chính. Khi đó, thành ngữ, tục ngữ đã góp phần tạo nên những câu văn hấp dẫn, sâu sắc, nhiều ý vị, giàu hình ảnh. Nhất là khi những câu thành ngữ tục ngữ quen thuộc được nhà văn nhào nặn vận dụng linh hoạt, sáng tạo:

“Chẳng việc gì mà phải nhận con nuôi. Khác máu tanh lòng. Công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò lớn cò dò lên cây. Có nuôi thì nuôi con cháu trong nhà, lọt sàng xuống nia, chẳng đi đâu mà thiệt” [48, tr.21]. Câu tục ngữ Khác máu tanh lòng và câu thành ngữ lọt sàng xuống nia được đặt xen kẽ trong câu văn, đoạn văn tạo ra tính nhạc cho đoạn văn. Người đọc nhận ra giọng điệu của nhà văn đồng thời cũng nhận ra tính cách “khôn ngoan” của cô Mắm, người đưa ra kết luận không nên nhận con nuôi. Hai câu thành ngữ, tục ngữ này còn tô đậm thêm hình ảnh cho câu văn khi chúng có tác dụng nhấn mạnh ý đứng trước, chúng có vai trò làm cơ sở chắc chắn để chứng minh ý trước đưa ra là đúng. Vì “khác máu tanh lòng” nên không nhận con nuôi là đúng. Vì “lọt sàng xuống nia” nên nhận nuôi con cháu trong nhà hợp lí hơn nhiều nhận con cháu người dưng. Câu văn trở nên giàu hình ảnh, bóng bẩy và đưa đẩy hơn khi có hai câu thành ngữ, tục ngữ được đặt xen kẽ như vậy.

Hai nàng nhân vật chính của tôi phải được tả là một mắt nhìn núi Đôi một mắt nhìn sông Nhị, một thân hình rắn giả lươn một thân hình cá trắm lai

cá chép trứng, một khuôn mặt sủi cảo một khuôn mặt mưng mưng thủ lợn thiu, răng cửa phi nước đại, răng hàm đi nước kiệu” [50, tr.21]. Khi đọc đến đây, hẳn ai cũng phải bật cười trước cách miêu tả của nhà văn về dung nhan của một người phụ nữ xấu. Câu thành ngữ rắn giả lươn xen vào giữa câu văn làm tăng thêm nhịp điệu cho câu, làm đậm rõ hơn dung nhan của hai nhân vật mà nhà văn đặt là Cá Sấu 1 và Cá Sấu 2.

Đặc biệt, trong lời trần thuật, nhà văn Hồ Ạnh Thái ưa sử dụng trùng điệp thành ngữ, tục ngữ. Đó có thể là vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ trong một câu văn, đoạn văn hoặc đặt liên tiếp các câu thành ngữ, tục ngữ thành một câu độc lập đứng liền kề nhau. Cách vận dụng này đã làm tăng tính nhạc cho câu văn, đoạn văn. Đồng thời nó tạo ra những câu văn rất sâu sắc, giàu hình ảnh.

Chẳng phải con mình mang nặng đẻ đau mà cũng hôn hít xuýt xoa cũng ôm trước bụng cũng địu sau lưng cũng che ô che nắng của đau con xót” [45, tr. 43]

Từ lâu nay anh ta đã ghét cái thằng dân thủ đô mồm miệng hoạt bát như tép nhảy, thấy gái là như mèo thấy mỡ” [45, tr. 190]

Thôi thì ở hiền gặp lành. Một nàng bảo. Hiền không bao giờ gặp lành. Nàng khác bảo. Hiền bao giờ cũng kèm theo đần. Một nàng nữa bảo” [43, tr.42]

Giả sử những câu văn, đoạn văn trên được lược bỏ thành ngữ, tục ngữ hoặc thay thế bằng những từ ngữ thông thường:

Chẳng phải con mình đẻ ra mà cũng hôn hít xuýt xoa cũng ôm trước bụng cũng địu sau lưng cũng che ô che nắng”

Từ lâu nay anh ta đã ghét cái thằng dân thủ đô mồm miệng hoạt bát, thấy gái là thích thú”

Thôi thì ở hiền sẽ gặp may mắn. Một nàng bảo. Hiền không bao giờ gặp may mắn. Nàng khác bảo. Hiền bao giờ cũng kèm theo đần. Một nàng nữa bảo

Dễ dàng nhận thấy: Những câu văn, đoạn văn trên nếu không có các câu thành ngữ, tục ngữ chêm xen mà dùng những từ ngữ thông thường thì nó đã mất đi sự khái quát, câu văn không có hình ảnh, sức liên tưởng nghèo nàn và mất đi nhạc điệu trong câu. Câu văn, đoạn văn trở nên khô cứng, mất đi sự liền mạch tự nhiên trong diễn đạt. Đặc biệt là nó làm mất đi hoàn toàn cái “tưng tửng” trong giọng điệu- một nét đặc trưng trong văn phong của Hồ Anh Thái.

Cách đặt các câu thành ngữ, tục ngữ liên tiếp liền kề nhau còn làm tăng hiệu quả diễn đạt hơn nữa cho đoạn văn:

“Xung đột không chấm dứt. Nó tiếp tục ngấm ngầm dai dẳng. Hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Ăn miếng trả miếng” [43, tr. 299]

“Đi đâm đơn xin đầu tư sáng tạo, xin hỗ trợ xóa đói giảm nghèo mà chồng lái xe hơi đưa vợ đến. Chỗ nào thơm thì được dăm bảy triệu. Chỗ nào bèo cũng được một triệu. Lấy ngắn nuôi dài. Tha lâu đầy tổ. Thân lươn bao quản lấm đầu” [48, tr.15]

“Hai thằng cháu đầu trộm đuôi cướp thì bà hiểu giỏ nhà ai quai nhà nấy, rau nào sâu ấy” [48, tr. 304]

“Như là bãi đất các nhà liên doanh xí phần để buôn đất chuyền tay, chó ăn đá gà ăn sỏi, trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” [ 52, tr. 26]

Các câu thành ngữ, tục ngữ được đặt liên tiếp thường là có cùng trường nghĩa. Nhà văn vận dụng như vậy để nhấn mạnh nội dung của câu văn một cách ấn tượng. Người đọc có cảm giác như câu chữ đang tràn trên ngòi bút. Nó tạo ra những câu văn tự nhiên, mượt mà hấp dẫn.

Hồ Anh Thái là một nhà văn luôn làm mới mình. Ông luôn có ý thức khai phá những cái mới mang dấu ấn cá nhân để không bị hòa lẫn vào thế giới

văn chương đương đại. Vì thế, việc vận dụng thành ngữ, tục ngữ cũng được ông biến hóa linh hoạt để viết nên những câu văn giàu sự sáng tạo. Bên cạnh các câu thành ngữ, tục ngữ được vận dụng nguyên vẹn là những câu thành ngữ, tục ngữ được cải biến theo nhiều phương thức đa dạng. Chính sự cải biến ấy đã đem đến những câu văn hấp dẫn cả về ý và lời:

“Đùng một cái người ta điều về một anh chàng cũng làm phó. Trẻ hơn, lại là điển hình tiên tiến của toàn ngành. Nhưng một nữ cán bộ duy lí đầy mình không còn là mèo già nữa. Đã thành cáo” [48, tr.193]. Cách vận dụng tách câu đầy sáng tạo đã đem đến một câu văn giàu hình ảnh và hình thức độc đáo. Câu “mèo già hóa cáo” được tách ra để nhấn mạnh ý “đã thành cáo”, tức là những mưu mô ranh mãnh của nữ cán bộ già với anh phó trẻ. Câu thành ngữ cũng làm tiền đề để nhà văn khẳng định ý sau “Thỉnh thoảng sếp phó trẻ giật thót, thấy mình đã sập bẫy của phó già”.

Tương tự như vậy, ta thấy có rất nhiều câu văn hấp dẫn, giàu hình ảnh: “Một con sên vô tình đang chậm chạp. Một con rùa vô tình mang trên mai nó cả một núi xót ruột” để diễn tả sự chậm chạp của công việc khiến người ta cảm thấy khó chịu.

“Nhưng con ngựa đã quen đường đổi sang lối khác thật khó” [47, tr. 79] để khẳng định sự từ bỏ công việc cũ là rất khó khăn.

“Chị em cắp nhau đi hội thảo mấy bận, rồi bận ấy, gã đủ lông đủ cánh gã đi một mình. Người vặt lông vặt cánh gã là chồng bà viện phó (…). Gã tập tễnh từ trong đó đi ra, đến mức thành tục ngữ, chị viện phó em chó què” [54, tr. 46]. Câu thành ngữ đủ lông đủ cánh được nhà văn tách ra để triển khai ý của câu sau. Nó tạo ra những liên tưởng giàu hình ảnh cho người đọc. Kết hợp với câu tục ngữ mới sáng tạo của nhà văn chị viện phó em chó què, nhà văn đã vẽ nên

đầy đủ quá trình dan díu giữa chị viện phó và chàng nhân viên, hiện rõ luôn cả kết quả của mối quan hệ ấy mà không tốn quá nhiều công triển khai.

Qua một số dẫn giải ở trên, phần nào người đọc đã thấy được vai trò của thành ngữ, tục ngữ trong quá trình sáng tạo các câu văn hay, ý nghĩa. Những câu thành ngữ, tục ngữ được nhà văn vận dụng một cách khéo léo để nó phù hợp với nội dung câu văn. Nhưng quan trọng hơn là chúng đã góp phần tăng sự linh hoạt cho câu văn đoạn văn. Với lợi thế về hình thức có sự cân xứng về kết cấu, cách gieo vần dễ nhớ, thành ngữ, tục ngữ đã tạo ra tính nhạc cho câu văn, đoạn văn. Chính nhạc điệu ấy đã khiến cho câu văn, đoạn văn trở nên hấp dẫn, dễ đi vào lòng người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 77 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)