Tạo ra lớp ngôn từ gần gũi nhưng rất sâu sắc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 73 - 77)

9. Bố cục của luận văn

3.2.1. Tạo ra lớp ngôn từ gần gũi nhưng rất sâu sắc

Hồ Anh Thái luôn có khát vọng bao quát toàn diện hiện thực cuộc sống. Đặc biệt, ông có khát vọng diễn đạt chân thật đời sống nhiều chiều của xã hội hiện đại. Đó là động lực thúc đẩy để ông tìm đến một phong cách ngôn ngữ phù hợp. Tìm đến kho tàng thành ngữ tục ngữ là một trong những nỗ lực của nhà văn để định ra được hướng khai thác hiện thực.

“Điểm qua các tiểu thuyết gần đây của Hồ Anh Thái, sẽ không võ đoán khi cho rằng tác giả là người ưa sử dụng lời ăn tiếng nói bình dân hơn những lời nói quyền uy cao đạo. Sở nguyện này thông lối để phương ngữ, khẩu ngữ (…) ùa vào tác phẩm, thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể và những chuyện của đời thực” (Bài viết Tổng hòa nhiều sắc độ ngôn ngữ, Bùi Thanh Truyền- Lê Biên Thùy). Trong màu sắc tổng hòa của nhiều ngôn ngữ khác nhau, thành ngữ, tục ngữ vẫn có một vị trí nhất định để tạo nên sự tổng hòa đa sắc điệu đó. Việc vận dụng thành ngữ, tục ngữ đã tạo ra một lớp ngôn từ gần gũi với người đọc. Bởi thành ngữ, tục ngữ là sản phẩm trí tuệ của chính người dân. Chúng đã quá quen thuộc với tất cả mọi người. Vậy nên, thành ngữ tục ngữ tạo nên lớp từ bình dân rất gần gũi với các độc giả, không phân biệt trình độ cao thấp. Thứ ngôn ngữ ấy chính là ngôn ngữ của đời sống được tái hiện một cách sinh động và chân thật nhất. Nhà văn không tô vẽ gọt giũa mà cứ thể hiện một cách tự nhiên, trơn lướt trên từng trang viết. Một phần là nhờ vào sự góp mặt của các câu thành ngữ, tục ngữ kết hợp với sự điều khiển chữ nghĩa một cách tài tình:

“Cô chủ trương thân này ví xẻ làm trăm được, sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu. Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm. Ở vậy chơi xuân kẻo hết xuân đi. Bướm lượn rồi bướm ối a nó bay”. Chỉ trong hai câu nhưng tác giả kết hợp cả nhại thơ văn Hồ Xuân Hương, thơ Mới và bài nhạc dân ca, kết hợp với một vế của câu tục ngữ “chồng con là cái nợ nần, thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm”. Tuyệt nhiên không có sự tô vẽ nào cho ngôn ngữ. Tất cả hiện lên một cách tự nhiên. Người đọc thấy ngôn ngữ thật gần gũi, hài hước, hấp dẫn vô cùng. Bản chất của nhân vật cũng hiển lộ một cách rõ ràng mà không cần tốn quá nhiều công suy luận.

“Lấy nhau chín năm cô đã đẻ tuồn tuột ra ba cô con gái, sắp sửa đứa thứ tư, siêu âm rồi, cũng con gái nốt (…). Như một cái máy đẻ. Lại còn triết lí đúng kiểu Á Đông rằng trời sinh voi trời sinh cỏ (…). Việc đi kiếm cỏ cho voi đổ sang cho chồng. Ba con voi con và một con voi mẹ cứ thế mà ăn rào rào, việc đi kiếm miếng ăn là việc của kẻ nô lệ da vàng mà cô may mắn bắt được”. Câu tục ngữ trời sinh voi trời sinh cỏ đặt trong hoàn cảnh này đã hiển lộ rõ cách nghĩ lạc quan của người Á đông. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này nó lại mang nghĩa châm biếm người vợ Tây vô tư hồn nhiên lạc quan đến vô tâm. Nhà văn đã dùng chính ý, câu chữ của câu tục ngữ để triển khai các câu văn tiếp theo vừa dễ hiểu với người đọc lại vừa hứng thú. Nó nói lên rất rõ tình cảnh khốn khổ của ông chồng khi một mình gánh vác trên vai năm miệng ăn và một đứa con nữa sắp chào đời.

Thành ngữ, tục ngữ, đặc biệt là tục ngữ, có sự hoà đồng của nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau. Nó vừa có phong cách ngôn ngữ sinh hoạt lại vừa mang phong cách ngôn ngữ nghệ thuật và phong cách ngôn ngữ khoa học. Tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dân. Những sản phẩm sáng tạo từ lời ăn tiếng nói không quá chau chuốt mượt mà. Tục ngữ vì thế mang tính khẩu ngữ rất cao.

Nó ít sử dụng những từ ngữ gọt giũa bóng bẩy, những từ ngữ mang tính bác học khó hiểu. Ngôn ngữ trong tục ngữ là một thứ ngôn ngữ hiện thực, sinh động, gắn chặt với cuộc sống phong phú, nhiều màu vẻ của dân tộc. Nay chúng lại được nhà văn giao một trọng trách mới là tái hiện hơi thở của cuộc sống thời đại mới. Vì thế, chúng phải gần gũi với bạn đọc mới, những công dân của xã hội hiện đại. Hồ Anh Thái đã nắm bắt được yêu cầu này và vận dụng thành ngữ, tục ngữ hiệu quả tạo nên lớp ngôn từ rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của những người hiện đại. Đặc biệt là gần với ngôn ngữ thị dân- một tầng lớp mà nhà văn đặc biệt chú ý tới ở xã hội mới. Thành ngữ, tục ngữ được cải biến giúp nhà văn tái hiện lại ngôn ngữ đường phố đầu thế kỉ hai mốt với sự hoạt kê tạo ra sự tếu táo, trào lộng, quen thuộc như cách nói hàng ngày của những bà nội trợ, những bác xe ôm, những công nhân viên chức nhà nước…:

Chết trẻ khỏe ma, chết già ma lọm khọm (Chết trẻ khỏe ma); Của thiên phải trả cho thiên, của địa phải trả cho địa (Của thiên trả địa); Cha mẹ ki cóp cho cọp con xơi (Ki cóp cho cọp nó xơi); Một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm thơ cả họ bơ phờ (Một người làm quan cả họ được nhờ); Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội (Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê thành phố); Không có việc gì khó chỉ sợ đầu ta nhỏ (Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền); Định vuốt mặt hãy biết nể cái mũi (Vuốt mặt nể mũi); Con thầy vợ bạn gái cơ quan; vỏ quýt dày có móng tay nhọn, móng tay nhọn có bấm móng tay sắc (Vỏ quýt dày có móng tay nhọn); Văn ôn võ luyện luật thì phải xào nấu hàng ngày (Văn ôn võ luyện); Người ta túm kẻ nhuộm tóc không ai túm kẻ đen đầu (Túm kẻ có tóc không ai túm kẻ trọc đầu)…

Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nhà văn Hồ Anh Thái đã dùng thành ngữ, tục ngữ để tạo ra sự đổi mới trong ngôn ngữ. Sự đổi mới này đã giúp nhà văn thâm nhập vào đời sống để tìm thấy vấn đề mới, hơi thở mới. Qua những

câu thành ngữ, tục ngữ được cải biến này, người đọc thấy gần gũi với thế hệ của mình. Những vấn đề mới của thời đại cứ hiện ra “ngồn ngộn” hết vấn đề này đến vấn đề khác, hết câu chuyện này đến câu chuyện khác thông qua sự đúc kết trong những câu thành ngữ, tục ngữ ấy. Chúng ta cảm thấy thân quen và chắc chắn là những gì nhà văn khái quát trong những câu thành ngữ, tục ngữ trên là ở thời đại mới, ở xã hội hiện đại- xã hội mà hàng ngày chúng ta đang sống và trải nghiệm.

Thành ngữ, tục ngữ không chỉ tạo ra lớp ngôn từ gần gũi mà còn tạo ra ngôn từ sâu sắc. Thành ngữ, tục ngữ sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ. Đó có thể là nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ, tượng trưng...Tất cả những biện pháp tu từ này được sử dụng đắc lực. Từ ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ cao nhờ sử dụng các biện pháp tu từ mà ngôn ngữ trong thành ngữ, tục ngữ bóng bẩy hơn, giàu sức gợi hơn, hình ảnh rõ nét hơn, biểu đạt được ý của người nói sâu sắc.

“Quý phi mới được vua rước vào cung, còn sắc nước hương trời” [ 43, tr. 295]. Thành ngữ “sắc nước hương trời” gợi một dung nhan trẻ đẹp, hiếm người sánh bằng. Nếu như chỉ dùng ngôn ngữ thông thường để miêu tả nhan sắc của quý phi thì sẽ không đạt được sự gợi hình sắc nét như thế.

“Nó xui cậu lên đây để đe dọa tôi phải không. Nó quên rằng nó miền đù thì tôi đây cũng miền đù. Bên ấy tám lạng bên này nửa kí” [45, tr. 223]. Câu thành ngữ Bên ấy tám lạng bên này nửa kí được cải biến từ câu thành ngữ gốc “người tám lạng kẻ nửa cân” đã biểu đạt được sự ngang tài ngang sức của hai nhân vật anh xe và đoàn phó.

Hay một đoạn tác giả mượn lời nhân vật để chiêm nghiệm cuộc đời: “Nếu có chuyện gì không hay xảy ra cho em thì anh cũng đừng ngạc nhiên. Nhân nào quả ấy, em gieo gió thì phải gặt bão. Thằng Phũ và hai đứa

bạn nó cũng vậy thôi (…). Không ai phải chịu trách nhiệm trong những tai họa này hết. Cái ác phải chịu trách nhiệm về những hành vi tàn ác của chính nó” [41, tr.179]. Hai câu tục ngữ quen thuộc: Nhân nào quả ấyGieo gió gặt bão

đã được nhà văn vận dụng trong đoạn văn tạo nên giá trị biểu cảm sâu sắc. Đây là những bài học kinh nghiệm, là trí tuệ của nhân dân được đúc kết từ xa xưa nhưng đến xã hội nay giá trị của chúng là nguyên vẹn. Nhờ sự góp mặt của hai câu tục ngữ này mà sự chiêm nghiệm về cuộc đời của nhân vật có cơ sở lí giải rõ ràng, cách nói bóng bấy, hợp tình hợp lí.

Thành ngữ, tục ngữ nói chung, đặc biệt là tục ngữ, là những tri thức dân gian được đúc kết từ ngàn đời và cũng được lưu truyền từ ngàn đời đến nay. Với những lợi thế về cả nội dung và hình thức, thành ngữ, tục ngữ là lựa chọn quen thuộc để các nhà văn hiện đại dùng để thay thế từ ngữ thông thường trong diễn đạt. Qua đó, họ tạo ra được lớp ngôn từ vừa gần gũi với độc giả lại vừa mang hiệu quả biểu đạt sâu sắc. Trong đội ngũ những nhà văn ấy, có Hồ Anh Thái. Nhà văn đã biết tận dụng một cách thông minh trí khôn của dân tộc, kho tàng tinh hoa của dân tộc để làm mới cho ngôn từ trong các sáng tác của mình. Sự kết hợp khôn khéo giữa truyền thống và hiện đại một cách nhuần nhị chính là thành công không thể phủ nhận mà nhà văn đã gây dựng được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của hồ anh thái (Trang 73 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)