So với kết quả nghiên cứu của P. Cvijikj, F. Michahelles (2013), bài nghiên cứu trên cũng đưa ra những kết quả tương tự là tính sống động, tính tương tác và tính giải trí tác động tích cực đến tỷ lệ thích. Tính thông tin và tính thưởng cũng tác
động tích cực đến tỷ lệ bình luận. Tuy nhiên, ngược với kết quả của Cvijikj & Michahelles (2013), biến tính sống động, tính tương tác, tính giải trí và ngày đăng tác động tiêu cực đến tỷ lệ bình luận.
Bài nghiên cứu cũng cho ra một số kết quả khác với Buddy Media (2012) rằng người dùng Facebook thích tương tác bằng cách bình luận vào các ngày làm việc trong tuần hơn là vào cuối tuần. Trong khi đó Buddy Media đưa ra kết quả rằng người dùng thích tương tác vào cuối tuần. Điều này có thể được lý giải bởi thói quen, sở thích và văn hóa sử dụng Facebook của người dùng khác nhau ở mỗi quốc gia. Đối với những bài đăng có ít ký tự hơn 80 từ sẽ làm tăng tỷ lệ thích, giảm tỷ lệ không thích nhưng lại làm giảm tỷ lệ bình luận và tỷ lệ chia sẻ trong khi Buddy Media cho rằng bài đăng dưới 80 từ sẽ tăng tỷ lệ tương tác bao gồm tỷ lệ thích, bình luận và chia sẻ.
Bài nghiên cứu của tác giả Đỗ Hữu Tân (2015) cho rằng biến độ dài bài đăng và biến quảng cáo Facebook không tác động đến tỷ lệ tương tác của người dùng. Tuy nhiên, kết quả bài nghiên cứu của tác giả chỉ ra bài đăng có độ dài dưới 80 từ và bài đăng có sử dụng quảng cáo tác động tiêu cực đến tỷ lệ bình luận, tỷ lệ chia sẻ nhưng lại tác động tích cực đến tỷ lệ thích và làm giảm tỷ lệ không thích của người dùng trực tuyến.