Phân loại tình huống dạy học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế các tình huống dạy học trong môn tự nhiên và xã hội lớp 1 sử dụng phần mềm vyond (Trang 52 - 53)

7. Cấu trúc đề tài

2.3.1. Phân loại tình huống dạy học

Theo Nguyễn Bá Kim một tình huống được gọi là tình huống gợi vấn đề (Hay tình huống có vấn đề) nếu nó thỏa mãn 3 điều kiện: Tồn tại một vấn đề; Gợi nhu cầu nhận thức; Khơi dậy niềm tin ở khả năng của bản thân. [8]

Tồn tại một vấn đề: Tình huống phải tồn tại, chứa đựng một mâu thuẫn giữa thực tế với trình độ nhận thức và vốn hiểu biết của chủ thể học tập mà chủ thể học tập không thể dễ dàng giải quyết.

Gợi nhu cầu nhận thức: Tình huống dạy học phải là tình huống mà học sinh có nhu cầu tìm hiểu và giải quyết. Trong quá trình xây dựng tình huống giáo viên cần khéo léo đưa vào đó những câu hỏi, gợi ý làm bộc lộ những khiếm khuyết về kĩ năng, kiến thức của người học, từ đó bản thân các em chủ động muốn tham gia giải quyết tình huống để bổ sung kiến thức, kĩ năng cho bản thân.

Khơi dậy niềm tin ở khả năng của bản thân: Nếu một tình huống chứa đựng các mâu thuẫn, gợi nhu cầu nhận thức ở người học nhưng bản thân người học không thể tìm ra con đường để giải quyết tình huống thì đó chưa phải là tình huống trong học tập. Ở đây một tình huống cần phải “vừa lạ, vừa quen”. Lạ là chứa đựng các kiến thức, kĩ năng mới mà người học chưa từng biết đến. Quen là chứa đựng những kiến thức, kĩ năng mà người học đã có, từ đó là cơ sở tìm ra phương án giải quyết tình huống để lĩnh hội những tri thức, kĩ năng mới, hình thành những năng lực chung, năng lực khoa học và những phẩm chất cần thiết ở người học.

Có thể dựa vào rất nhiều các tiêu chí khác nhau để phân loại tình huống học tập như: dựa vào khả năng nhận thức của học sinh; dựa vào tính chất của mâu thuẫn xuất hiện trong tình huống; dựa vào tính chất của tình huống … Nhìn chung các cách phân loại chỉ mang tính chất tương đối. Trong luận văn này, dựa và tính chất của mâu thuẫn xuất hiện trong tình huống chúng tôi phân loại tình huống dạy học thành 3 nhóm sau:

Tình huống mâu thuẫn: Tình huống này xuất hiện do mâu thuẫn giữa kiến thức cũ và kiến thức mới, giữa kiến thức trong thực tế và kiến thức trong bài học. Học sinh gặp những vấn đề trái với quan niệm thông thường hay ngược lại với những kiến thức mình đã biết. Loại tình huống này xuất hiện kích thích sự tò mò ở người học, làm bản thân người học nảy sinh những thắc mắc và muốn tìm cách giải quyết.

Tình huống nghịch lý (Tình huống xung đột): Tình huống này xuất hiện khi có sự việc, hiện tượng xảy ra trái ngược với suy nghĩ của học sinh, tạo sự xung đột trong tư duy của người học, điều này tạo ra nghịch lý so với những gì học sinh đã học và hiểu trước đó. Chính sự bất ngờ tưởng chừng như vô lý này là điểm nhấn để thu hút, lôi cuốn người học tạo hứng thú để học sinh chủ động tìm cách tiếp cận và giải quyết tình huống.

Tình huống lựa chọn: Đây là loại tình huống đặt học sinh trước một vấn đề có những dấu hiệu quen thuộc liên quan đến các kiến thức, kĩ năng đã được học trước đó nhưng bản thân người học chưa biết nên dùng những kiến thức, kĩ năng nào để giải quyết tình huống đó. Hoặc tình huống đưa ra nhiều phương án lựa chọn mà phương án nào cũng đúng nhưng người học cần suy nghĩ để chọn được phương án đúng và phù hợp nhất với hoàn cảnh cụ thể mà tình huống trong bài đưa ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế các tình huống dạy học trong môn tự nhiên và xã hội lớp 1 sử dụng phần mềm vyond (Trang 52 - 53)