ROE, LIQ, AGE)
Biến Quy mô của ngân hàng (SIZE):
Biến này được sử dụng trong tất cả các nghiên cứu thực nghiệm mà tác giả đã lược khảo, biến được đưa vào mô hình nhằm mục đích kiểm định lại sự tác động. Quy mô của ngân hàng thể hiện qua các chỉ tiêu như tổng tài sản của ngân hàng, số lượng nhân viên của ngân hàng hay ngay cả số lượng các chi nhánh của ngân hàng. Biến này được tác giả đo lường bằng cách lấy Logarit chỉ tiêu tổng tài sản cuối kỳ, ta lấy logarit cho chỉ tiêu này để tính hệ số co dãn theo số tương đối và khi chạy mô hình định lượng sẽ xác định được biến tỷ suất nợ (biến phụ thuộc) theo số tuyệt đối. Biến tổng tài sản cuối kỳ sẽ thể hiện quy mô ngân hàng một cách khái quát nhất, sự tăng giảm về tổng tài sản cuối một năm gây ra sự tăng giảm số nợ của ngân hàng trong năm đó. Quy mô tuyệt đối được đo lường bằng logarit cơ số 10 của tổng tài sản(Log A- Logarirh total Assets) (Demirguc-Kunt & Huizinga, 2012), cho thấy được độ lớn về quy mô của ngân hàng loại bỏ đi yếu tố thời gian và trở thành biến tuyến tính.
Biến Cấu trúc tài sản (TANG):
Biến này đã được đưa vào hầu hết các mô hình nghiên cứu thực nghiệm trước đây tuy nhiên kết quả đạt được vẫn không thống nhất cả trong lẫn ngoài nước. Nếu như trong các nghiên cứu của Gropp và Heider (2008), Nguyễn Minh Phúc (2013), biến TANG có quan hệ đồng biến với CTTC của ngân hàng thì trong các nghiên cứu Octavia và Brown (2008), caglayan & Sak (2010) và Trương Lê Ngọc Ân (2013) cho ra kết quả ngược lại. Theo lý thuyết đánh đổi CTV thì những ngành có tài sản hữu hình an toàn thì tỷ lệ nợ vay cao, ngược lại ngành có tài sản vô hình nhiều hơn thì tỷ lệ nợ vay thấp hơn. Theo đó, ta có thể hiểu là tùy thuộc vào tỷ lệ tài sản thế chấp trên tổng tài sản mà có ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ vay trong đó tài sản hữu hình thường được sử dụng làm tài sản đảm bảo hay còn gọi là tài sản thế chấp trong các hợp đồng vay vốn theo yêu cầu của bên cho vay. Chính vì thế, biến này được
tác giả đo lường bằng tỷ lệ tài sản hữu hình/ Tổng tài sản. Trong đó, theo mẫu số B02/TCTD thì tài sản hữu hình ứng với các khoản mục sau:
Tiền và kim loại quý
Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước
Tiền gửi tại các TCTD khác
Chứng khoán kinh doanh
Các công cụ tài chính phái sinh và các tài sản tài chính khác
Chứng khoán đầu tư
Góp vốn, đầu tư dài hạn
Tài sản cố định hữu hình.
Biến Hiệu quả kinh doanh (ROA):
Biến này đã được đưa vào phân tích trong các bài nghiên cứu trước đây và đều cho ra kết quả: biến ROA có quan hệ nghịch biến với CTTC của ngân hàng. Biến này được tác giả đưa vào nghiên cứu của mình nhằm xác định lại sự tác động và mức độ tác động lên CTTC của các ngân hàng TMCP Việt Nam. Hiệu quả kinh doanh của một ngân hàng được thể hiện thông qua chỉ tiêu lợi nhuận và chỉ tiêu hiệu quả sử dụng vốn hay tài sản của ngân hàng. Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng trong một năm được thể hiện rõ ràng nhất khi đem so sánh giữa tổng tài sản mà ngân hàng đem ra đầu tư với lợi nhuận sau thuế thu về sau một năm. Do đó, tác giả đo lường hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng TMCP Việt Nam bằng chỉ tiêu ROA với ROA = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng tài sản.
Biến Sự tăng trưởng của ngân hàng (GROW):
Trong các nghiên cứu thực nghiệm chỉ có nghiên cứu của Trương Lê Ngọc Ân (2013) có đề cập đến biến này và cho kết quả có ý nghĩa thống kê. Tác giả đưa biến này vào nghiên cứu của mình nhằm xác định lại sự ảnh hưởng của nhân tố này lên CTTC của các ngân hàng TMCP Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014. Sự tăng trưởng của ngân hàng có thể được biểu hiện qua nhiều khía cạnh: tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, nguồn vốn hoặc tăng trưởng về số chi nhánh, số lượng nhân viên. Biến này được tác giả đo lường thông qua tốc độ tăng của tổng tài
sản ((Tổng tài sản cuối kỳ – Tổng tài sản đầu kỳ)/ Tổng tài sản đầu kỳ) vì khi đầu tư về mặt tài sản thể hiện nhà đầu tư đã thấy được triển vọng phát triển lâu dài và nó thể hiện một cách đầy đủ nhất sự tăng trưởng của ngân hàng.
Biến Rủi ro tín dụng (RISK):
Rủi ro ngân hàng trong các nghiên cứu của Gropp và Heider (2009) và của Octavia và Brown (2008) đều xem xét đến rủi ro trên thị trường chứng khoán. Do tính chất thị thường tài chính Việt Nam chưa phát triển hoàn thiện nên tác giả đưa biến rủi ro tín dụng vào nghiên cứu của mình. Ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh đối mặt với nhiều rủi ro như: nợ xấu, thua lỗ, tín dụng đen, chiếm dụng vốn,…và chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường tiền tệ. Một số rủi ro cơ bản trong kinh doanh ngân hàng: rủi ro tín dụng (credit risk), rủi ro tỷ giá (foreign exchange rate), rủi ro lãi suất (interest rate risk), rủi ro thanh khoản (liquidity), rủi ro tác nghiệp (operational risk). Tuy nhiên rủi ro tín dụng chiếm khoảng 80% hoạt động của các ngân hàng TMCP Việt Nam và tác giả sử dụng biến rủi ro tín dụng thể hiện rủi ro kinh doanh chung của các ngân hàng. Theo Phan Thị Cúc và ctg (2009) có 5 cách để đánh giá, đo lường rủi ro tín dụng bao gồm: (1) tỷ lệ nợ quá hạn; (2) tỷ trọng nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay; (3) hệ số rủi ro tín dụng; (4) Tỷ lệ xóa nợ; (5) Tỷ số giữa tổn thất tín dụng so với tổng dư nợ cho vay hay với tổng VCSH. Đo lường rủi ro tín dụng, tác giả tính toán bằng chỉ tiêu tỷ lệ nợ quá hạn/ tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ nợ quá hạn được tính từ nợ nhóm 2 trở đi và cũng là nhóm nợ bắt đầu phải trích dự phòng, đặc điểm này cho thấy đây là biến thể hiện tổng quát rủi ro tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, những cách đo lường còn lại không thể hiện được tổng quát, toàn diện rủi ro tín dụng của ngân hàng. Cách tính rủi ro tín dụng bằng tỷ trọng nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay chỉ phản ánh rủi ro tín dụng một phần qua tỷ lệ nợ xấu mà chưa thấy được những rủi ro tiềm ẩn của những nhóm nợ còn lại. Hệ số rủi ro tín dụng được tính bằng tổng dư nợ cho vay hoặc tổng dư nợ cho vay có chất lượng trung bình trên tổng tài sản có, tỷ số này chỉ cho thấy mức độ trung bình của rủi ro mà chưa phân loại để thấy được rủi ro tín dụng tại các thời điểm khác nhau. Cũng tương tự như vậy đối với tỷ lệ xóa nợ và tỷ số tổn thất tín
dụng. Như vậy, đo lường rủi ro tín dụng bằng tỷ lệ nợ quá hạn là cách đo lường phản ánh toàn diện và rõ ràng nhất về rủi ro tín dụng.
Biến Tỷ suất sinh lợi (ROE):
Trong các nghiên cứu trước đây chỉ có nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngân (2011) là có đề cập đến biến này và có ý nghĩa thống kê. Tác giả đưa biến này vào mô hình nhằm kiểm định lại tác động của biến lên CTTC của các ngân hàng TMCP Việt Nam. Biến tỷ suất sinh lợi thể hiện tỷ suất sinh lời của VCSH hay nói cách khác là với một đồng VCSH bỏ ra thì sẽ đem về lợi nhuận là bao nhiêu đồng. Biến này được tác giả đo lường bằng ROE với ROE = Lợi nhuận sau thuế/ VCSH. Từ cách đo lường này, ta sẽ tính toán được tỷ suất lợi nhuận thu về cho nhà đầu tư. Và từ mức lợi nhuận này sẽ tác động lên hành vi của nhà đầu tư như thế nào, quyết định tỷ lệ nợ như thế nào so với VCSH hay so với tổng nguồn vốn của ngân hàng.
Biến Khả năng thanh khoản (LIQ):
Đây cũng là biến thể hiện rủi ro trong kinh doanh của ngân hàng. Ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng với sự cạnh tranh mạnh mẽ với các ngân hàng khác để thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị trường, trong đó khả năng thanh khoản tốt là một lợi thế của ngân hàng. Biến khả năng thanh khoản được tác giả đo lường bằng tỷ lệ Cho vay khách hàng/ Tiền gửi khách hàng vì ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt chủ yếu thực hiện “đi vay để cho vay” mà kênh tiền gửi khách hàng là kênh huy động chủ yếu của ngân hàng nên tỷ lệ này phản ánh được khả năng thanh khoản của ngân hàng, thể hiện được mức độ ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Biến Tuổi của ngân hàng (AGE):
Biến này thể hiện đặc điểm của ngân hàng, được xác định thông qua hiệu số giữa năm khảo sát và năm thành lập ngân hàng. Tác giả bổ sung biến này vào nghiên cứu của mình để xem xét ảnh hưởng của kinh nghiệm đội ngũ nhân lực quản trị ngân hàng, bề dày hoạt động của ngân hàng lên CTTC của chính ngân hàng đó.