room
Giá trị vốn hóa của thị trường Việt Nam tại cả ba sàn Sở GDCK TP.HCM, Sở GDCK Hà Nội và UPCoM có sự thay đổi khá lớn. Kết thúc quý I/2018 vốn hóa TTCK Việt Nam đạt 4,16 triệu tỷ đồng (183 tỷ USD), tăng 18,4% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, sàn Sở GDCK TP.HCM vẫn chiếm 76,6% tổng vốn hóa toàn thị trường và đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước). Trong khi đó, vốn hóa tại sàn UPCoM gấp hơn 3 lần sàn HNX, đạt 736,2 nghìn tỷ đồng (tăng 8,6% so với 2017). Vốn hóa sàn HNX đạt 238 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%.
Tuy nhiên, quy mô TTCK của Việt Nam vẫn nhỏ đối với các nhà đầu tư quốc tế và nhỏ hơn nhiều so với các TTCK trong khu vực. Số lượng các công ty có vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM là 19 công ty và chưa có công ty nào có vốn hóa vượt quá 5 tỷ USD.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư ngoại. Hiện tại, đa phần các cổ phiếu bluechip đầu tàu của thị trường đều có mức sở hữu nước ngoài khá lớn.
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 20 công ty đại chúng xác định tỷ lệ “room” tối đa là 100%, phần lớn các công ty đại chúng niêm yết trên TTCK vẫn chưa thực hiện xác định lại “room”. Nguyên nhân chủ yếu do còn một số vướng mắc trong các hướng dẫn triển khai thực hiện và độ “vênh” về quy định giữa Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp khi doanh nghiệp đạt mức “room” trên 51%.
Bên cạnh vấn đề về “room”, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại nhiều doanh nghiệp niêm yết Việt Nam thực tế khá thấp. Thống kê số liệu tại ngày 29/12/2017 cho thấy, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (freefloat) trung bình của các doanh nghiệp niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM khoảng 45%, trong đó có khoảng 36 doanh nghiệp có tỷ lệ freefloat nhỏ hơn 20%, chiếm hơn 35% quy mô vốn hóa toàn thị trường. Nhà nước vẫn còn nắm giữ tỷ lệ lớn trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp lớn như ngân hàng, bảo hiểm (BVH, BID, CTG, VCB), dầu khí, xăng dầu (GAS, PLX). Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp tại các doanh nghiệp cũng là rào cản làm hạn chế khả năng đầu tư của nhà đầu tư ngoại, dẫn đến việc thu hút vốn nước ngoài còn nhiều khó khăn.
Bài toán cổ phiếu hết “room” có thể được giải quyết bằng việc triển khai sản phẩm CW với tài sản cơ sở phát hành trên các cổ phiếu này. Với giao dịch CW, nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư và thu lợi nhuận lớn từ các công ty niêm yết có kết quả kinh doanh tốt mà nếu chỉ bằng giao dịch bằng cổ phiếu vật chất, các cổ phiếu hết room này chính là những rào cản. Nếu áp dụng tại TTCK Việt Nam, cơ quan quản lý có thể áp dụng quy định thanh toán bằng tiền khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền CW đối với các cổ phiếu đã hết room để không vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện hành mà vẫn cho phép nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi nhuận từ việc thay đổi giá của cổ phiếu trên thị trường.
Chính vì vậy, khi đưa vào giao dịch sản phẩm CW, bài toán về khuyến khích đầu tư nước ngoài, đầu tư có tổ chức nhằm tạo sức cầu ổn định, giúp thị trường phát triển bền vững phần nào được giải quyết.