Tháng 8/1997, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Đài Loan mở cửa thị trường giao dịch cho CW. Sau 10 tháng giao dịch, tính đến tháng 6/1998, mới chỉ có 11 tổ chức phát hành tham gia thị trường với 19 chứng quyền được chào bán và giao dịch, bao gồm 15 chứng quyền cổ phiếu đơn lẻ và 4 chứng quyền rổ chứng khoán.
Hầu hết các chứng quyền được đăng ký và niêm yết trên SGDCK Luxembourg, được phát hành bởi các tổ chức nước ngoài như Banker Trust, S.G.Warburg và Robert Flemming and Company… Chứng quyền lúc này chủ yếu hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài. Một thời gian sau, nhu cầu đầu tư chứng quyền tăng cao đặt ra yêu cầu cần có thị trường giao dịch cũng như quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, vì thế CW được ra đời ở Đài Loan để thay thế cho các chứng quyền nước ngoài. Cũng giống như các chứng quyền ở Hồng Kông, CW của Đài Loan cũng do bên thứ ba phát hành độc lập với tổ chức phát hành tài sản cơ sở. Sở dĩ Đài Loan lựa chọn CW thay vì chứng quyền vốn cổ phần bởi 3 lý do: Thứ nhất, các công ty ở Đài Loan có nhiều cách thức tăng vốn như phát hành cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì phát hành chứng quyền dựa trên vốn cổ phần. Thứ hai, hầu hết các tổ chức tài chính không có nhiều kinh nghiệm đối với chứng khoán phái sinh. Thứ ba, hạn chế trong các quy định giao dịch cũng như phát hành chứng quyền chưa đầy đủ.
Theo quy định của UBCK Đài Loan, CTCK được phép phát hành chứng quyền với điều kiện đã được cấp phép hoạt động các nghiệp vụ môi giới, bảo lãnh phát hành và tự doanh. Bên cạnh đó, UBCK Đài Loan còn quy định mức xếp hạng tín dụng của tổ chức phát hành không được thấp hơn BBB-. Giá trị vốn hóa của tổ chức phát hành đạt tối thiểu 3 tỷ TWD (tương đương 100 triệu USD), không có lỗ lũy kế trong năm tài chính gần nhất và tổ chức phát hành phải có đề xuất về chiến lược kinh doanh.
Ngoài ra, các quy định về phát hành chứng quyền, lựa chọn hàng hóa cơ sở, hay giao dịch chứng quyền… cũng được UBCK Đài Loan cũng như TWSE đưa ra cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường giao dịch chứng quyền được vận
hành suôn sẻ. Đến nay, Đài Loan vẫn tiến hành giao dịch CW và đang vươn lên đứng vị trí thứ ba ở khu vực châu Á, chỉ sau Hồng Kông và Hàn Quốc.
CW thông thường do các công ty chứng khoán phát hành. Trên cùng một tài sản cơ sở, các CW khác nhau có thể được phát hành bởi nhiều hoặc cùng một nhà phát hành. Nhà phát hành muốn phát hành CW phải được sự chấp thuận của UBCKNN. UBCKNN sẽ xem xét có chấp thuận việc một công ty chứng khoán được phát hành CW mới (hoặc phát hành thêm) hay không dựa trên một số tiêu chuẩn nhất định (về vốn, xếp hạng tín dụng,..). Giai đoạn này xuất hiện vai trò của các đơn vị xếp hạng tín dụng. Các đơn vị xếp hạng tín dụng này phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc là các tổ chức có quy mô toàn cầu như Moody, Fitch… Đồng thời, đơn vị phát hành phải nộp cho Sở Đơn xin được công nhận là tổ chức phát hành đạt tiêu chuẩn cùng với các giấy tờ tương tự như gửi cho FSC. Sau khi được Sở công nhận thì tổ chức đó nộp ý kiến kiểm tra cho FSC quyết định cuối cùng. Mỗi đợt phát hành phải đáp ứng một số điều kiện nhất định (về khối lượng phát hành, giá tối thiếu, thời gian lưu hành…) mới được cấp phát. Hình thức phát hành lần đầu tương tự như IPO cổ phiếu.
Trên thị trường thứ cấp, CW cũng được giao dịch tương tự như cổ phiếu, và sử dụng trên cùng hệ thống. Lúc này trên thị trường cần có hoạt động tạo lập thị trường nhằm tạo thanh khoản cho thị trường CW. Có hai cách yết giá: Yết giá theo hình thức tự nguyện và Yết giá khi nhà đầu tư yêu cầu. Nhà đầu tư sẽ thực hiện giao dịch mua bán trên Sở giao dịch với hình thức lệnh LO. Thời gian thanh toán bù trừ của CW tương tự như của cổ phiếu cơ sở.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và là một trong những sản phẩm tài chính chủ lực của Đài Loan, CW đã có những tác động tích cực đến TTCK Đài Loan, thực hiện khá hiệu quả vai trò của một sản phẩm “phái sinh”. CW đã giúp đa dạng hóa công cụ giao dịch cho thị trường. Với đặc điểm là tỷ lệ đòn bẩy cao hơn giao dịch ký quỹ, CW thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân mà không làm gia tăng rủi ro mất thanh toán từ khối nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, CW cũng cung cấp công cụ phòng hộ rủi ro với chi phí rẻ cho thị trường phái sinh (option và futures) đang phát triển rất nhanh của Đài Loan, vì phí giao dịch CW chỉ bằng 1/3 so với giao dịch cổ phiếu.
Bên cạnh đó, một vai trò không kém quan trọng của CW đối với TTCK Đài Loan trong thời gian qua là giúp gia tăng tính thanh khoản cho tài sản cơ sở thông qua hoạt động giao dịch tài sản cơ sở của nhà phát hành khi phòng hộ rủi ro phát hành CW.
Nhà đầu tư tham gia giao dịch CW tại Đài Loan có cơ cấu tương đồng như thị trường Việt Nam. Trong đó, có sự khác biệt về mục đích tham gia giao dịch CW giữa nhóm nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Nếu như nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch CW chỉ nhằm mục đích đầu cơ kiếm lời thì nhà đầu tư tổ chức lại thường giao dịch CW với các mục đích đa dạng gồm phòng hộ rủi ro, kiếm chênh lệch giá và tạo lập thị trường.
Các kết quả tích cực trên được đóng góp bởi các nỗ lực sửa đổi hệ thống pháp luật chứng khoán của chính quyền Đài Loan cũng như phát triển và cải tiến hệ thống cơ sở vật chất tại TWSE nhằm hỗ trợ tối đa cho việc đẩy mạnh phát hành và giao dịch CW trên thị trường Đài Loan.
Nhìn chung thị trường tại Đài Loan chú trọng vào việc đào tạo nhà đầu tư do đặc tính đòn bẩy CW khi lợi nhuận cao cũng đi kèm với rủi ro càng cao. CW là công cụ tài chính phức tạp và trong thời gian đầu triển khai tại thị trường Đài Loan rất ít người có đủ kiến thức hiểu biết vể sản phẩm này. Đã có những trường hợp nhà đầu tư bị tổn thất và có những phát sinh tranh chấp với các TCPH trong khâu phát hành và giao dịch CW. Do đó, Đài Loan rất chú trọng công tác quảng bá giới thiệu, giải thích về sản phẩm CW, song song với việc đào tạo nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư. Đài Loan cũng đã triển khai xây dựng mô hình quỹ chuyên dành cho mục đích đào đạo, giới thiệu CW.Quỹ này cũng phối hợp và tài trợ một phần chi phí cho các CTCK có nhu cầu tổ chức lớp học đào tạo CW để nhân rộng quy mô đào tạo và đạt được nhiều thành công đáng kể. Để đảm bảo được tính trung thực, quỹ có ban quản lý là đại diện của các CTCK thành viên để giám sát việc sử dụng và đảm bảo tính công bằng.