Cảm hứng về vẻ đẹp của quê hương đất nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ lò cao nhum (Trang 25 - 33)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Cảm hứng về vẻ đẹp của quê hương đất nước

Cảm hứng về vẻ đẹp của quê hương, đất nước trong thơ của Lò Cao Nhum được hòa vào từng bài thơ như một lẽ tự nhiên trong tâm hồn nhà thơ. Vì sao khi viết về quê hương, tâm hồn Lò Cao Nhum lại rất tự nhiên, phóng khoáng và giàu tình cảm đến thế? Tìm hiểu thơ Lò Cao Nhum, chúng tôi nhận thấy cảm

xúc về thiên nhiêm trong thơ ông được thăng hoa bởi sự kết hợp cả yếu tố ngoại cảnh và yếu tố nội sinh.

Yếu tố ngoại cảnh tạo nên cảm hứng về thiên nhiên trong thơ Lò Cao Nhum là trước hết là vẻ đẹp của quê hương nhà thơ. Quê hương của Lò Cao Nhum ở bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình. Đây là nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Sau này, khi ông trưởng thành, làm nhiều công việc khác nhau nhưng đó vẫn là nơi nhà thơ gắn bó. Dù có đi đâu xa, cuối tuần ông vẫn trở về nhà, ngồi trên chiếc bàn nhỏ của mình để sáng tác. Cho đến tận bây giờ ông vẫn giữ nếp sống ấy. Có thể nói, cả đời nhà thơ đều gắn bó thân thiết với ngôi nhà, bản làng nơi ông sinh sống. Bản thân Lò Cao Nhum rất tự hào về quê hương mình. Nơi đó có ông nội nhà thơ - Người đã khai sinh ra một miền đất. Nơi đó có gia đình yêu quý của ông - Một gia đình có truyền thống yêu nước lâu đời. Hơn nữa, Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình nói riêng và Tây Bắc nói chung là một vùng đất tuyệt đẹp. Thiên nhiên và cuộc sống con người vùng Tây Bắc đã đi vào các tác phẩm thơ văn của Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Quang Dũng… Đến nay, vùng đất này vẫn giữ được vẻ hùng vĩ, thơ mộng và đắm say lòng người của nó. Chính vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống nơi đây đã là nguồn cảm hứng dồi dào trong thơ Lò Cao Nhum.

Lò Cao Nhum có được cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp của quê hương đất nước không phải chỉ từ vùng đất Tây Bắc. Mà cảm hứng này được trải dài khắp mọi miền tổ quốc. Là một người yêu thích trải nghiệm, dù đi đến đâu, trên những vùng đất khác nhau của tổ quốc nhà thơ đều tìm thấy những rung động tình cảm, sự gần gũi thân thương của thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam. Có lẽ, đây là cội nguồn sâu xa, bền chặt của tình yêu quê hương đất nước trong thơ Lò Cao Nhum.

Cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp của quê hương đất nước mà Lò Cao Nhum có được ngoài yếu tố ngoại cảnh còn có cả yếu tố nội sinh. Hay nói khác đi, cảm hứng ấy xuất phát từ chính trái tim và con người của tác giả. Lò Cao Nhum là nhà thơ có tâm hồn nghệ sĩ, yêu vẻ đẹp thiên nhiên, say mê văn học dân gian

của người Thái, trong đó có các điệu khắp của người Thái Mai Châu. Ông yêu văn nghệ, thích hát những điệu khắp của quê mình…Chính những yếu tố nội sinh đã tạo nên tình cảm gắn bó máu thịt; lòng tự hào, tự tôn dân tộc; những rung động chân thành trong thơ của Lò Cao Nhum khi viết về quê hương đất nước.

Cảm hứng ngợi ca, tự hào về quê hương đất nước trong thơ Lò Cao Nhum được biểu hiện chủ yếu ở hai nội dung chính: ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, tự hào về cuộc sống và con người miền núi. Khi viết về thiên nhiên, Lò Cao Nhum chủ yếu dành nhiều tình cảm cho thiên nhiên miền núi hùng vĩ, thơ mộng. Khi viết về con người miền núi, nhà thơ chủ yếu ngợi ca vẻ đẹp của con người với những phẩm chất đáng quý trọng: anh dũng, thủy chung, tình nghĩa chăm chỉ, chịu thương chịu khó…

Quê hương đi vào thơ Lò Cao Nhum phong phú, đa dạng và tạo được dấu ấn riêng. Ông soi chiếu quê hương từ những góc nhìn khác nhau tạo nên một thế giới hình ảnh phong phú, sinh động, vừa có độ rộng, vừa có chiều sâu. Cảm hứng về quê núi được hiện lên qua các hình ảnh về thiên nhiên gần gũi với con người miền núi. Về cảnh vật, có các hình ảnh như: núi (Núi, Chiều núi...), suối

(Ngã ba suối), trăng (Trăng, Chiều núi, Sàn trăng...), ruộng bậc thang (Lên

Thung Khe), nhà sàn (Trở lại nhà sàn, Cây củi giữ lửa nhà sàn, Khói

chiều)...; về âm thanh có: những câu hát, lời ca, tiếng khèn (Gặp khèn, lời

khèn...), tiếng chim hót (Tiếng chim xanh)...

Đặc biệt, qua việc đặt tên các tập thơ, các bài thơ ta cũng nhận thấy cảm hứng mãnh liệt và say đắm của nhà thơ về quê hương. Cách đặt tên các tập thơ của Lò Cao Nhum thể hiện cảm hứng về quê hương rõ nét: Giọt sao trở về,

Rượu núi, Sàn trăng, Theo lời hát về nguồn... Tên các tập thơ này đều gợi

cảm hứng về cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống con người nơi núi rừng. Tên các bài thơ trong mỗi tập thơ cũng thể hiện rõ cảm hứng của nhà thơ.

Khảo sát tên các bài thơ trong ba tập thơ tiêu biểu của Lò Cao Nhum, chúng tôi thấy nhiều bài có tên gợi cảm hứng về quê hương núi rừng của nhà thơ. Cụ thể như sau:

STT Tập thơ Tên các bài thơ

1 Giọt sao trở về

Trở lại nhà sàn, Bếp lửa nhà ta, Gặp khèn, Lời khèn, Giọt sao trở về, Cây Sằm Pùng, Chiều núi, Tung còn, Tình nương, Tiếng suối, Hoa văn mặt phà, Ngã ba suối...

2 Rượu núi

Rượu núi, Bếp lửa nhà ta, Bà đi tàu thủy xuôi sông Đà, Đêm xòe và múa lăm vông, Lên Thung Khe, Bức vẽ trai bản, Chiều núi, Núi, Người trên núi...

3 Sàn Trăng

Ở rẻo cao Pù Bin, Cây củi giữ lửa nhà sàn, Mảnh nương trên đồi, Sàn trăng, Bắt vợ, Thuyền độc mộc, Chiều hồ Sòng Sỹ, Rừng nguyên sinh, Sương Sông Đà, Dưới bóng xanh của mường, Guồng nước, Hòa Bình ơi nghìn năm đưa nôi, Nhớ Lạc Thủy, Theo lời hát về nguồn...

Lò Cao Nhum say đắm vẻ đẹp của thiên nhiên miền núi, đặc biệt là miền núi Tây Bắc. Ở thời kỳ kháng chiến, trong tiềm thức của những người ít nhất một lần ngang qua Tây Bắc, thiên nhiên Tây Bắc như có gì đó hoang sơ, dữ dội. Cảm nhận ban đầu của người “miền xuôi” lên “miền ngược” đó là thiên nhiên Tây Bắc dữ dội “rừng thiêng nước độc”, “Nước Sơn La, ma Hòa Bình”. Tuy nhiên, thiên nhiên quê hương trong thơ Lò Cao Nhum mang vẻ đẹp thật trữ tình, thơ mộng, gần gũi, thân thương:

“Hoà Bình ơi nghìn năm đưa nôi Núi thoả thích nằm co, nằm duỗi Mây Lũng Vân bồng bềnh nâng gối

Đệm bông lau trải miền dốc Cun”

(Hòa Bình ơi nghìn năm đưa nôi)

Nếu ai đến đỉnh núi Cun Pheo (Mai Châu, Hòa Bình) hay đến Lũng Vân (Tân Lạc, Hòa Bình) vào buổi sáng sớm trong một ngày đẹp trời thì chắc chắn sẽ bị thiên nhiên nơi đây làm cho mê hoặc. Những dãy núi “nằm co, nằm duỗi” những con dốc trải dài như một dải lụa được bao phủ bởi một lớp mây bồng bềnh, lúc ẩn lúc hiện. Vẻ đẹp thơ mộng ấy mang lại cho con người cảm giác hiền hòa, hạnh phúc hơn; muốn sống một cuộc sống gần gũi hơn với thiên nhiên.

Vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên trong thơ Lò Cao Nhum được khắc họa với nhiều hình ảnh, đường nét quyến rũ. Tất cả hòa quyện với nhau tạo thành bức tranh huyền ảo:

“Làng với suối giữa lòng thung núi Mà đường về thì vắt ngang mây

Đứng trên cao thấy hàng cau như vẫy Như người về đêm ngất ngả say”.

(Về những làng cau)

Trong khung cảnh núi rừng, tiếng chim thánh thót, ngọn gió trong lành khiến lòng người “dào dạt” lạ thường:

“Chim hót ngôi sao lặn Chim ca mặt trời lên Gió reo vui đầu bãi Gió say lượn cuối nguồn

Rừng xanh bao la gió Đồi xanh bát ngát chim Không gian chẳng im lìm Khiến lòng tôi dào dạt”

Không chỉ ngợi ca vẻ đẹp của quê hương Tây Bắc, Lò Cao Nhum còn trải lòng mình với mọi miền đất nước qua những dòng thơ ngợi ca thiên nhiên gắn liền với những địa danh lịch sử, văn hóa, từ Sapa, Lạng Sơn, Tam Đảo… đến Kon Tum, Bến Tre, Phan Rang, Vũng Tàu, Cà Mau… Tác giả Đỗ Thu Huyền (Viện Văn học) trong bài viết: Thơ Lò Cao Nhum - Tình bền củi lửa: cũng đã cảm nhận: “Không chỉ viết về quê hương mình, Lò Cao Nhum còn dành nhiều vần thơ trải lòng với những miền quê của đất nước: Sa Pa, Lạng Sơn, Huế, Tam Đảo, Cà Mau, Nha Trang, Bến Tre... Mỗi nơi anh đến là một ghi dấu những kỉ niệm và ẩn sau đó lại một triết lý. Thiên nhiên đẹp mà dữ dội, còn con người âm thầm bền bỉ trong Rừng đước Cà Mau, mạnh mẽ, kiên cường trong nắng nẻ, bão gió Phan Xi Păng: Cười vọng núi/ Múa nghiêng rừng/ Yêu cháy lá ngón (Phác họa Phan Xi Păng)...” [dẫn theo 24].

Khi đến Sa Pa, Lò Cao Nhum đặc biệt ấn tượng với dãy núi Phan Xi Păng hùng vĩ với tâm thế con người của núi rừng từng trải với “Sương mù”, “bão gió xoáy giật”, “mưa lở núi”, “nắng nẻ nương” (Phác họa Phan Xi Păng). Cách cảm nhận thiên nhiên mạnh mẽ ấy đã làm cho thơ của Lò Cao Nhum thêm “chất núi rừng” rắn rỏi một cách tự nhiên.

Đến Lạng Sơn, Lò Cao Nhum cảm nhận đây là một thành phố có nét đẹp cổ kính xen lẫn sự bừng nở phồn thực của đô thị mới (Chấm phá Lạng Sơn). Sang Tam Đảo, nơi nổi tiếng với thời tiết đẹp, không khí trong lành, nhà thơ đặc biệt ấn tượng với thiên nhiên, khí hậu nơi đây. Cảm nhận về thời tiết Tam Đảo như một người phụ nữ muộn chồng cũng là một phát hiện đặc biệt của nhà thơ.“Bà chị muộn chồng” (Thời tiết Tam Đảo) nên tính khí thất thường, nhưng chính điều đó lại là một ấn tượng khó phai đối với bất kể ai ngang qua vùng đất này.

Đến với mảnh đất Nam bộ, mỗi nhà thơ có một suy nghĩ và cảm nhận khác nhau. Cùng đến Kon Tum, nhà thơ Văn Công Hùng cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây dịu dàng, đầy tâm trạng vừa “thao thức”, “chập chờn”, vừa

“huyền bí”, “cổ tích”. Còn Lò Cao Nhum lại mạnh mẽ, cồn cào “gắng gỏi níu giữ” những giá trị văn hóa, di tích cổ xưa bằng cảm xúc “cuồn cuộn”, “nuối tiếc”. Đến Bến Tre, lại là một cảm giác lạc lõng, như đi tìm một giá trị truyền thống ngàn xưa với những chiến công anh hùng của dân tộc (Một chiều chưa

gặp Bến Tre). Đến Phan Rang, Lò Cao Nhum trầm tư chiêm nghiệm những tòa

thành tháp cổ kính nổi tiếng được “dát nắng lên sườn tháp cổ” (Thành tháp cổ). Đến vùng biên giới Việt - Cam Pu Chia, bằng quan sát tinh tế của mình, nhà thơ mượn hình ảnh cây thốt nốt để nhấn mạnh tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc một cách ý vị, tự nhiên (Cây thốt nốt giữa mùa biên giới).

Đến với Vũng Tàu, Lò Cao Nhum cảm nhận được sự mát mẻ của những con gió thổi từ biển xanh mang không khí trong lành vào đất liền. Ở đây, nhà thơ ấn tượng với những tòa cao ốc tươi tắn sắc màu, những cánh chim hòa bình và tình yêu đôi lứa:

“Vũng Tàu nắng Vũng Tàu gió

Nắng trời xanh và chim bồ câu…

Cao ốc khoe đủ mọi dáng màu Ban công biếc bồ câu hội tụ Đàn chim bay lướt trên ghế đôi Người bãi biển lấy cớ tình tự”

(Bồ câu bay xanh trời thành phố)

Vương Trung (1938 - 2012, Hội Nhà văn Việt Nam), một nhà thơ dân tộc Thái, sống tại Sơn La, khi đến Vũng Tàu ông đã có một cảm nhận giao hòa, gần gũi giữa hai miền đất nước:

“Tôi từ Sơn La đến Vũng Tàu Mênh mông biển cả vui chào đón Người hai miền núi - biển hòa nhau

Nơi bãi cát mịn biển giao đất…

Mặt trời, mặt trăng mọc từ biển… Mặt trời mặt trăng dậy từ non Núi rừng đội trời lên cao vút Biển kéo trời sà thấp tỏa xa”

(Hồn núi - biển)

Vương Trung và Lò Cao Nhum cùng là nhà thơ dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Vương Trung thuộc lớp nhà thơ của thế hệ trước, còn Lò Cao Nhum là nhà thơ thuộc thế hệ sau. Khi đọc hai bài thơ “Rừng đước Cà Mau” “Ngọn

đất Cà Mau” của hai nhà thơ, bạn đọc cảm nhận như có một sự nối tiếp về cảm

xúc giữa hai thế hệ. Dù viết bằng những hình thức khác nhau, nhưng cả hai nhà thơ đã có cùng một nguồn cảm xúc dạt dào, say đắm với vẻ đẹp của vùng biển Vũng Tàu. Điều này thêm phần khẳng định cảm xúc ngợi ca quê hương đất nước của Lò Cao Nhum được tiếp nối tự nhiên từ các nhà thơ lớp trước.

Cảm xúc ngợi ca đất nước trong thơ Lò Cao Nhum thể hiện rất rõ trong việc đặt tên các bài thơ. Nhiều bài thơ của ông có tên gắn liền với các địa danh:

Phác họa Phan Xi Păng, Chấm phá Lạng Sơn, Thời tiết Tam Đảo, Một chiều chưa gặp Bến Tre, Cây thốt nốt giữa mùa biên giới, Rừng đước Cà Mau…

Lò Cao Nhum cùng các nhà thơ dân tộc Thái và các nhà thơ Việt Nam hiện đại vẽ nên ấm bản đồ đất nước bằng thơ. Từ nơi địa đầu của Tổ quốc cho đến đất Mũi Cà Mau, nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng là một vùng đất đẹp. Vẻ đẹp ấy như ngày càng được tô thắm trên những trang thơ của các nhà thơ mang tâm hồn Việt.

Cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên trong cảm hứng về quê hương đất nước của Lò Cao Nhum không chỉ mang ý nghĩa tình cảm gắn bó máu thịt, những rung động chân thành của tâm hồn ông với quê hương đất nước mà còn thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tình cảm yêu nước thiết tha của nhà thơ.

Đọc toàn bộ sáng tác của Lò Cao Nhum ta có thể nhận thấy dù đi đâu, về đâu, dù đến với vùng đất nào của Tổ quốc, Lò Cao Nhum luôn có cảm xúc mãnh liệt với thiên nhiên. Nhà thơ cũng mượn thiên nhiên để bộc lộ suy nghĩ, tâm sự và tình cảm của mình với quê hương, đất nước thân yêu .

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ lò cao nhum (Trang 25 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)