7. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Tự hào về con người miền núi
Không chỉ viết về thiên nhiên, Lò Cao Nhum còn dành những trang thơ thể hiện lòng tự hào về con người miền núi với những phẩm chất đáng quý: đoàn kết cộng đồng, gan lỳ trước thử thách của thiên nhiên, thủy chung trong tình cảm vợ chồng, tình nghĩa với anh em họ mạc, làng bản...
Thể hiện niềm tự hào về con người miền núi, Lò Cao Nhum đã dùng hình tượng “Vòng xòe” để ngợi ca tinh thần đoàn kết: “Vòng xoè…/ Đượm nồng sải dọc vạn năm/ Bền bỉ dưỡng nuôi sự sống loài người.../ Kề vai nhau/ Xòe ngàn năm vạn thuở/ Dắt tay nhau kết dính lẽ đất trời/ Nào trẻ, già, trai, gái muôn người/ Nào xóm trên, dưới mường mọi nơi/ Hãy cầm tay, hãy dắt tay/ Xòe cùng đồi, cùng núi/ Sánh cùng sao, cùng trăng/ Bền cùng trời, cùng đất”./
(Vòng xòe). Chiếc vòng xòe như một vật gắn kết cộng đồng theo sải dọc của
thời gian “vạn năm”. Từ khi có “Ngọn lửa thủa hồng hoang” đã có chiếc
“vòng xòe”. Chiếc vòng xòe ấy giúp con người “kề vai nhau”, “dắt tay nhau”, “Xòe cùng đồi, cùng núi/ Sánh cùng sao, cùng trăng/ Bền cùng trời, cùng đất”.
Viết về tình đoàn kết, Lò Cao Nhum không hô hào như một bài ca chính trị mà chỉ dùng giọng điệu, từ ngữ rất nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, ý nhị. Bài thơ là một lời ngợi ca về sức mạnh của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, một trong những điều khiến ta có thể chiến thắng được mọi kẻ thù chính là tinh thần đoàn kết. Chỉ bằng hình tượng chiếc vòng xòe, Lò Cao Nhum đã khái quát được sức mạnh của truyền thống cố kết cộng đồng dân tộc chính là tinh thần đoàn kết.
Là một người con của núi rừng Tây Bắc, Lò Cao Nhum thấu hiểu sự gắn bó sinh tồn giữa con người với thiên nhiên. Trong thơ Lò Cao Nhum, thiên nhiên không đối lập với con người mà luôn hòa hợp, gắn bó, “nâng tầm” con người lên cao hơn. Sự “nâng tầm” ấy thể hiện trước tiên ở tư thế chủ động của con người trước thiên nhiên. Con người luôn luôn xuất hiện cùng thiên nhiên, dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu thì bản lĩnh con người vẫn vượt lên trên tất cả:
“Phan Xi Păng
Sương mù quần đảo bay Bão tố xoáy giật thổi Mưa lở núi
Nắng nẻ nương”
(Phác họa Phan Xi Păng)
Chỉ có những ai đã từng gắn bó với núi rừng mới hiểu được cái khắc nghiệt của thiên nhiên “mưa lở núi”, “nắng nẻ nương” là như thế nào. Mặc dù vậy, con người vẫn chủ động trước thiên nhiên, thể hiện bản lĩnh của mình trước muôn vàn thử thách:
“Đàn ông khoác súng kíp trên lưng Cắp cán rìu bên sườn
Bước sải dài trên núi... Lầm lũi ngang ngạnh... ...Người Phan Xi Păng Dạng chân trên chóp núi”
(Phác họa Phan Xi Păng)
Với ý chí và nghị lực phi thường, con người mền núi hiện lên trong bài thơ với tư thế chủ động đón nhận những khó khăn thử thách do thiên nhiên đem lại. Vì thế, dù trong điều kiện nào thì con người cũng vẫn cảm thấy “thiên niên
không khắc khổ”... Đó chính là phẩm chất dũng cảm của con người miền núi mà họ được thừa hưởng từ truyền thống cha ông: “Vác rìu từ bé/ Nên săn cánh tay/ Leo núi sớm ngày/ Nên chân chắc cột/ Tóc quen bay ngược/ Gió thốc lướt qua/ Bắp dao nghiêng sườn/ Chĩa về phía trước/ Chống trụ hai chân/ Đạp lên vai núi/ Núi muốn nhô lên/ Chân như ấn xuống” (Trai bản). Chàng trai của bản mang vẻ đẹp của núi rừng, vạm vỡ, ngang tàng. Vẻ đẹp ấy mang dấu ấn của lao động sản xuất, mang vóc dáng của con người sánh vai cùng trời đất, không chịu khuất phục trước thiên nhiên và hoàn cảnh sống, con người khỏe mạnh, mang vẻ đẹp của tự nhiên.
Trong thơ Lò Cao Nhum, con người miền núi thật đẹp, thật anh hùng. Vẻ đẹp anh hùng của người miền núi rất phong phú. Họ anh hùng trong chiến đấu và trong lao động sản xuất. Trong lao động sản xuất họ được ngợi ca cả ở thể lực và trí lực:
“Người hùng, người gan Cột lim, cột nghiến
Kết đan phên sào, phên giậu Chắn bão, ngăn giông
Xua mây, đuổi nắng
Che mầm xanh không héo quắt
Chắn mùa vàng không lở xuống thung sâu”
(Vòng xòe)
Đã là người anh hùng thì phải có chí lực, không chỉ khỏe mạnh như “cột lim, cột nghiến”, không chỉ là “người gan” mà còn phải biết “Chắn bão, ngăn giông/ Xua mây, đuổi nắng” và hơn nữa cũng phải là người hiểu biết, giàu kinh nghiệm để “Che mầm xanh không héo quắt/ Chắn mùa vàng không lở xuống thung sâu”.
Con người miền núi trong thơ Lò Cao Nhum rất giàu tình cảm, thủy chung, yêu thương hết mình:
“Cười vọng núi Múa nghiêng rừng Yêu cháy lá ngón
Nhớ mòn vẹt lưỡi khèn”
(Phác họa Phan Xi Păng)
Cách miêu tả tình yêu và nỗi nhớ thật đặc biệt, ta chưa gặp cách miêu tả sự mãnh liệt trong tình yêu ở một nhà thơ nào lại độc đáo như vậy: “Yêu cháy lá ngón/ Nhớ mòn vẹt lưỡi khèn”. Cảm hứng tự hào về quê hương đã giúp Lò cao Nhum sáng tạo được những câu thơ thật xuất sắc khi nói về phẩm chất tình cảm đặc trưng của con người miền núi: chân thật và mãnh liệt.
Nói về người miền núi, Lò Cao Nhum không chỉ nói đến những chàng trai anh hùng đại điện cho sức mạnh của cộng đồng. Thơ ông còn xuất hiện sự có mặt của người ông, người bà, người cha, người mẹ, người vợ, người chồng…
Trong tiềm thức của Lò Cao Nhum, ông nội đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của mình. Bài thơ Ông nội tôi khai sinh ra miền đất đã nói rõ điều đó. Nhà thơ đã từng tâm sự: "Tôi ấp ủ hình ảnh về ông nội tôi, một ông nội trầm tư và lầm lỳ trước mọi công việc, chẳng hề nghe ông kêu ca mỏi mệt bao giờ. Có lẽ ông quen nghèo khổ từ tuổi nhỏ. Ông không được học hành, mười ba tuổi đã phải đi chăn trâu cho nhà Tạo phìa vì bố ông bị phạt vạ do đốt tổ ong làm cháy một gốc cây to trong đống tha ma của mường mà không có bạc nộp. Tạo phìa cưới cho ông một người cũng làm phiên nhà Tạo người bản Lác. Từ đó, hết phiên nợ phạt, ông ở lại bản Lác quê vợ, mở đầu dòng họ Lò ở đây. Hình ảnh nhỏ thân yêu ấy gợi tôi nghĩ đến thân phận tộc người Thái ở mường Mùn, đã có một lịch sử gian nan thiên di tìm đất, trụ lại khai khẩn bằng mồ hôi, máu và nước mắt suốt chiều dài 7 thế kỷ để có một thung lũng Mai Châu trù
phú và thơ mộng như ngày nay. Bài thơ Ông nội tôi khai sinh ra miền đất ban đầu tôi viết với ý nghĩ đơn giản là để lưu giữ lại hình ảnh người ông thân yêu của tôi đã đi xa, nhưng sau do tác hợp thêm những ám ảnh về thân phận một dân tộc, lại nữa với chức năng của thơ, tôi đã đẩy từ hình ảnh cụ thể về ông nội thành hình tượng của tứ thơ” [Ghi trực tiếp].
Bài thơ Ông nội tôi khai sinh ra miền đất đã được hoàn chỉnh tại trại sáng tác do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Bến Tre năm 2006 và được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã chọn in trên tạp chí THƠ của Hội nhà văn Việt Nam.
Hình ảnh người bà cũng rất sâu đậm trong thơ Lò Cao Nhum. Khi viết về người bà, ông đã dành hết tình cảm thương yêu nhất:
“Bà ơi thương bà đêm giêng lạnh Đệm bông lau cháu trải bà nằm … Sàn bương lạnh thấm chân tê tái Lửa hồng từ tinh mơ bà nhen”
(Cây củi giữ lửa nhà sàn)
Một bài thơ khác của Lò Cao Nhum viết về hình ảnh người bà - bài thơ
Bà đi tàu thủy xuôi sông Đà cũng đem đến cho bạn đọc một tình cảm đặc biệt.
Đọc bài thơ ta được gợi nhớ về cuộc đời khó nhọc, tần tảo sớm hôm của bà:
“Tám mươi năm chưa một giấc thảnh thơi/ Cuộc đời lắm nẻo/ Qua thác ghềnh lắt léo/ Nước mắt rơi muốn vắt kiệt nguồn”. Cái khéo léo của Lò Cao Nhum là ở chỗ, ông đã thể hiện tình cảm của người cháu qua sự cảm thông thấu hiểu về bà. Người cháu hiểu được rằng “Tám mươi năm đằng đẵng” trên đầu “đội nặng mây trắng”. Thế mà khi theo con tàu về xuôi “nếp mặt bà lượn mãi tươi vui”, “lòng dạt dào tận chốn biển xa”, “gặp nụ cười trên môi móm mém/ Ngỡ ánh sáng rạng hồng dải đất ngàn năm”. Phải là người giàu tình cảm, tinh tế mới có thể nhìn thấy được nỗi khắc khổ thể hiện trên khuôn mặt trở thành
những “nếp sóng tươi vui”, nghe thấy được niềm vui trong lòng trở thành tiếng
“dạt dào” của sóng vươn “tận chốn biển xa”.
Khác với các nhà thơ nữ, những vần thơ viết cho con của các nhà thơ nam bao giờ cũng bộc lộ sự từng trải chứ không chỉ là sự vỗ về yêu thương. Nhà thơ Dương Khâu Luông (dân tộc Tày) khuyên con gái hãy thể hiện là người có sức mạnh, có bản lĩnh trước sóng gió cuộc đời: “Con hãy học cây nghiến, cây lim/ Gập ghềnh đá vẫn đứng lên kiêu hãnh/ Đón khí trời nuôi lá xanh cây/ Cành vươn cao vẫy gió chín tầng mây”. Nhà Thơ Y Phương (dân tộc Tày) trong
“Nói với con” cũng viết: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong
thung không chê thung nghèo đói.../ Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con.../ Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con” ... Đó là lời tâm sự của những người cha dành cho con về lòng tự tôn dân tộc. CònLò Cao Nhum nói với con bằng tâm sự của người cha qua những trải nghiệm thấm thía từ những vấp ngã của cuộc đời:
“Rồi ngày mai con xuống núi Ngỡ ngàng
Đất rộng, trời thấp Bước đầu tiên
Con vấp gót chân mình Ngày mai con xuống núi
Cùng tay nải hành trang đầu tiên Đi như suối chảy về với biển Chớ quên mạch đá cội nguồn”.
(Rồi ngày mai con đi)
Nhà thơ gửi gắm tới người con những bài học đầu đời quý giá, có thể ra biển lớn nhưng không được quên cội nguồn bởi nơi ấy là dân tộc, nơi hoa khau cút mãi mãi trên nóc nhà như một tín hiệu thiêng liêng:
“Nóc nhà ta có hoa khau cút Nhận ra anh em
Nhận ra họ hàng Nhận ra đồng tộc
Khi nóc nhà có hoa khau cút Chớ lạ đi, lạ về
Chớ quên nóc nhà có hoa khau cút”.
(Nóc nhà ta có hoa khau cút)
Thơ Lò Cao Nhum không có nhiều bài về tình yêu đôi lứa. Thơ tình của ông cũng ít nói về nhớ nhung hò hẹn giữa “anh” và “em”. Đọng lại nhất là những vần thơ tình với hình ảnh người phụ nữ gần gụi, thân thương. Đấy là người vợ gìn giữ ngọn lửa hồng ấm áp, xua tan băng giá biên phòng trong Bếp lửa nhà ta:
“Sàn đầu bản/ Có thiếu phụ nhớ chồng/ Trăng/ Vô tình/ Mặc sức sáng/ Gió lay lay cây bương/ Như ai thở dài/ Bóng lá đậu mặt sàn cửa sổ/ Chị gối đầu lên đệm bông lau/ Núi nằm nghiêng đằng đông/ Rồi lại/ Núi nằm nghiêng đằng tây/ Con trở giấc/ Chị kéo vào vỗ vỗ/ Rồi vươn dậy/ Lấy áo chồng/ Dịu dàng đắp ủ giấc mơ”/ (Áo chồng). Nhà thơ Lò Ngân Sủn cũng đã từng cảm nhận:
“Bài thơ Áo chồng nói về nỗi niềm thương nhớ chồng của một người vợ: Thấy trăng sáng trách trăng vô tình, nghe gió lay cây bương tưởng tiếng thở dài, đêm nằm con trở giấc, chị kéo con vào sát mình vỗ vỗ… Đó là những cử chỉ, hành động thông thường của một người mẹ. Nhưng ở đây lại có cái gì đó như một bất ngờ được bật ra từ nỗi nhớ, nên chị mới liền “vươn dậy” để “Lấy áo chồng/ Dịu dàng đắp ủ giấc mơ…” Có cảm giác, cả một chuỗi dài đằng đẵng những ngày tháng nhớ nhung, đợi chờ đều được dồn tụ vào đây, vào sự “vươn dậy”, vào chiếc áo chồng, vào sự dịu dàng để đắp ủ giấc mơ cho đứa con, cho cả sự nhớ nhung, đợi chờ ở hai đầu xa cách biệt ly” [dẫn theo 24, tr.15].
Người phụ nữ trong thơ Lò Cao Nhum hiện lên giản dị và đẹp. Đó là vẻ đẹp của tấm lòng, của sự khéo léo. Trong dân ca Thái, sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ được ngợi ca bằng những chất liệu quen thuộc và thủ pháp phóng đại:
“Đụng vào khung cửi vải thành hoa. Tung nắm tấm thành ra đàn gà. Khua cái chầy hoa ra gạo trắng. Đụng vào cỏ thì cỏ chết nắng. Vuốt lên lúa, bụi lúa ra bông”
Hình ảnh đôi bàn tay người phụ nữ trong thơ Lò Cao Nhum cần mẫn, chăm chỉ, khéo léo, giỏi giang: “Bàn tay đan/ Thành bông thành vải/ Trải hoa văn bốn vách nhà sàn/ Bàn tay gieo/ Ra trái ra cơm/ Râm ran riếng chống sàn, sửa gác/ Bàn tay nắm/ Bò lang ngựa đỏ/ Vó khua tung tóe sương chiều/ Bàn tay xòe/ Ánh bạc, ánh vàng/ Bàn tay ôm/ Mười ngón hôn nhau qua biển núi” (Bàn tay). Sử dụng hình ảnh “bàn tay” để ca ngợi sức lao động của con người không phải đến Lò Cao Nhum mới có. Nhà thơ Hoàng Trung Thông trong Bài ca vỡ đất (1948) cũng đã từng khẳng định: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Hình ảnh “bàn tay” tượng trưng cho sức lao động của con người, con người có khả năng cải tạo thiên nhiên để tạo lập cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong bài thơ Bàn tay Lò Cao Nhum đã sử dụng hình ảnh “bàn tay” với nhiều động tác khác nhau: “bàn tay đan”, “bàn tay gieo”, “bàn tay nắm”, “bàn tay xòe”... để khắc họa đất nước trong xây dựng cuộc sống mới phải bắt đầu từ những điều bình thường nhất: “thành bông thành vải”, “ra trái ra cơm”, “ánh bạc, ánh vàng”... Tất cả của cải vật chất và tinh thần của nhân loại từ trước tới nay đều do bàn tay, khối óc của con người sáng tạo ra. Con người biết trồng trọt, chăn nuôi, biết dựng nhà, dựng cửa, biết chế tạo ra công cụ lao động và những vật dụng cần thiết… để cuộc sống văn minh, tiến bộ hơn.
Như đã trình bày ở trên, nhà thơ Lò Cao Nhum có một cuộc sống vất vả, khó khăn từ nhỏ. Mẹ ông mất sớm, lớn lên trong thời kỳ chiến tranh của đất nước đang đi vào giai đoạn ác liệt nhất. Con đường học vấn của nhà thơ bị đứt đoạn, ông đã từng phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Chính sự từng trải của Lò Cao Nhum đã đem đến cho thơ ông những kiến thức phong phú về nhiều ngành nghề khác nhau. Là một nhà thơ nhưng Lò Cao Nhum lại hiểu sâu sắc về nghề kế toán. Ông nhận thấy làm kế toán là làm một nghề cần đến nhiều trí lực, tuy không ra đồng cầy cấy nhưng cầm bút viết cũng giống như cày một thửa ruộng:
“Người kế toán nghiêng mình/ Ngọn bút chạy như lưỡi cày lật đất”, “Nắn nót từng con số như ra đồng cóp nhặt từng bông/ Tay thước kẻ ngắm dọc, gióng ngang/ Như uốn thẳng rộng dài đường mương, bờ thửa”, “Cấy trí lực vào trang giấy thành bông/ Một vết mực giây cũng làm mây hoen ố/ Giọt mồ hôi cũng thể hóa mưa giông” (Trang giấy và ngọn đèn) Lò Cao nhum cứ diễn tả mộc mạc thế thôi. Không lên gân lên cốt, không đao to búa lớn mà chân chất, bình dị nhưng vẫn sâu sắc, khéo léo để bạn đọc cảm nhận được cảm xúc tự hào về một đất nước có truyền thống bốn nghìn năm lịch sử.
Hình ảnh những con người miền núi trong cảm xúc thơ của Lò Cao Nhum mang vẻ đẹp giản dị, giàu tình cảm, thủy chung, yêu thương hết mình. Điều đặc biệt ở họ là mang trong mình phẩm chất dũng cảm, trước thiên