Nhân vật trữ tình mạnh mẽ, phóng khoáng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ lò cao nhum (Trang 56 - 60)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Nhân vật trữ tình mạnh mẽ, phóng khoáng

Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ Lò Cao Nhum mạnh mẽ, phóng khoáng trước thiên nhiên dữ dội, trong những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh và cuộc sống, trong quan hệ với bạn bè, anh em bốn phương...Tính chất

mạnh mẽ, phóng khoáng thể hiện ở tính tình rộng rãi, không chịu gò bó theo khuôn khổ nào, không bị trói buộc bởi những điều vụn vặt, tầm thường.

Phẩm chất mạnh mẽ, phóng khoáng của nhân vật trữ tình trong thơ Lò Cao Nhum trước hết thể hiện ở sự chủ động của con người trước thiên nhiên dữ dội:

“Cười vọng núi Múa nghiêng rừng Yêu cháy lá ngón Nhớ mòn vẹt lưỡi khèn Người Phan Xi Păng Dạng chân trên chóp núi”

(Phác họa Phan Xi Păng)

Trước thiên nhiên dữ dội “Mưa lở núi/ Nắng nẻ nương” con người không chịu khuất phục. Hơn nữa, lại “bước sải dài”, tự tin, chủ động, đến mức “lầm lũi ngang ngạnh”. Điều đáng quý ở đây là dù thiên nhiên không chiều theo lòng người, khắc nghiệt như thế nhưng nhân vật trữ tình trong bài thơ vẫn thể hiện được sự hào sảng, phóng khoáng của mình: “Cười vọng núi/ Múa nghiêng rừng/ Yêu cháy lá ngón/ Nhớ mòn vẹt lưỡi khèn”. Nhà thơ đã gợi tả rất xuất sắc về đặc trưng phẩm chất con người miền núi: rộng rãi, phóng khoáng và không chịu gò bó, ép buộc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Cũng chất mạnh mẽ, phóng khoáng, Pờ Sảo Mìn trong Người con trai

Pa Dí viết:

Con trai người Pa Dí

Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian”

(Người con trai Pa Dí)

Viết về người con trai dân tộc mình, Pờ Sảo Mìn khắc họa chất miền núi ở vẻ “ngang tàng”, “quẫy đạp trần gian” nhưng lại rất hiền lành, giàu tình cảm, sự rộng rãi trong quan hệ bạn bè bốn phương. Còn Lò Cao Nhum trong

tư thế hiên ngang, chủ động vượt qua mọi thử thách từ thiên nhiên và khó khăn trong cuộc sống:

“Tóc quen bay ngược Gió thốc lướt qua Bắp dao nghiêng sườn Chĩa về phía trước.

Chống trụ hai chân Đạp lên vai núi Núi muốn nhô lên Chân như ấn xuống”

(Bức vẽ trai bản)

Con người coi cái dữ dội của thiên nhiên chỉ “nhẹ tựa lông hồng”. “gió thốc” mà chỉ “lướt qua”, điều đó “quen” rồi, chỉ làm cho tóc “bay ngược”, còn con người thì vẫn “Bắp dao nghiêng sườn/ Chĩa về phía trước”. Con người trong tư thế chiến thắng thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải khuất phục, cúi đầu.

Trong quan hệ với bạn bè anh em bốn phương, người miền núi trong thơ Pờ Sảo Mìn có chiều hướng ngoại: “Đến chín phương đất là chín phương bè bạn/ Tới mười phương trời là mười phương thương nhớ”. Còn nhân vật trữ tình trong thơ Lò Cao Nhum có chiều hướng nội. Khi khách đến nhà, gia chủ luôn luôn là người hiếu khách, không bao giờ tính toán thiệt hơn: Nếu ai đã đến chơi với gia đình người dân tộc Thái thì ắt hẳn sẽ cảm nhận được rất rõ, người dân miền núi nói chung, người Thái nói riêng, họ rất thật thà, thường không so đo tính toán thiệt hơn. Khách dù lạ hay quen, cũng đều được đối đãi thật lòng:

“Bạn đến

Mời ngồi xếp bằng tròn trên núi Giữa chiếu đan bằng tia mặt trời… Rượu nhà tôi

Rượu buộc chỉ cổ tay

Thắp lửa tình chiêng, tình trống”

(Rượu núi)

Chất mạnh mẽ, phóng khoáng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Rượu núi được thể hiện trước tiên ở không gian uống rượu: “Mời ngồi xếp bằng tròn trên núi/ Giữa chiếu đan bằng tia mặt trời”. Tác giả chọn không gian trên cao, gần gũi với thiên nhiên, được sưởi ấm bằng tia mặt trời. Cách mở đầu bài thơ như thế đã gợi ấn tượng tốt đẹp về một “gia chủ” hào phóng, tính tình rộng rãi: “Đã uống vắt kiệt chum mà uống/ Đã say đổ tràn tình mà say”. Với những câu thơ này, Lò Cao Nhum đã nâng vị trí của nhân vật trữ tình lên một tầm vóc mới, tầm vóc của vũ trụ.

Ở bài thơ Ở dẻo cao Pù Bin, nhân vật trữ tình đã có cách ứng biến với khó khăn rất linh hoạt. Trước “sấm rền bất chợt” không thể có một giấc ngủ trưa an lành, con người không thể hiện thái độ hoảng sợ hay bực bội. Trước điều kiện khắc nghiệt của khí hậu: “có gió lành, gió độc/ Đan xen châm da thịt người…/ Đêm gió hú buốt vào cơn sốt” vậy mà người Pù Bin lại chỉ cần

“chờ nắng hửng lên thôi”.

Bài thơ Theo lời hát về nguồn, là một câu chuyện kể gồm sáu khúc về hành trình “tôi” đi tìm “tôi”. Nhân vật trữ tình là một chàng trai của núi, có một hành trình dài đi tìm “tôi” - “bản lai diện mục” của mình. Chất mạnh mẽ, phóng khoáng thể hiện ở vẻ đẹp con người của núi: “Tôi đi/ Cây lim mọc vào xương/ Cây nghiến chui vào thớ/ Sông bể cuộn trào sóng trong tim”; trong lao động sản xuất niềm vui vượt lên trên khó khăn vất vả: “Trườn lên ngọn sóng trùng dương… Dân vạn chài ngậm nắng trong nụ cười/ Trộn gió vào giọng hát/ Hơi thở có bão táp/ Ánh mắt có biển sâu”; chọn một cách sống tốt, chân thực và có ý nghĩa: “Chớ vung lời cật nứa/ Cật nứa sắc rạch lá chuối rụng rơi/ Chớ nung dùi đỏ/ Chọc xiên tai ấm trà”; tự tin trước cách ứng xử khôn ngoan với người

đời: “Được lòng gấu sẽ không mất lòng hổ/ Được lòng nỏ sẽ không mất lòng sóc/ Phải lòng nước tự vui lòng cá/ Phải lòng nà khắc đẹp lòng lúa”.

Như vậy, rõ ràng chất mạnh mẽ, phóng khoáng của nhân vật trữ tình trong thơ Lò Cao Nhum được thể hiện trong tư thế hiên ngang, chủ động của con người trước thiên nhiên dữ dội; trong quan hệ bạn bè anh em bốn phương luôn tận tình, không tính toán so đo; trong giao tiếp với cộng đồng luôn chân tình, cởi mở; đối với bản thân mình, luôn tự tin với sức mạnh thể chất, sức mạnh tinh thần và biết gìn giữ phẩm chất quý giá vốn được thừa hưởng từ dân tộc, quê hương mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ lò cao nhum (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)