Ngân hàng Grameen là tổ chức TCVM phát triển thành công nhất thế giới, đây là mô hình mẫu cho các tổ chức TCVM trên thế giới học hỏi kinh nghiệm. Ngân hàng Grameen do Giáo sư Muhammad Yunus khởi xướng vào năm 1974 như một dự án cung cấp dịch vụ ngân hàng cho những hộ gia đình nghèo nhất, giúp họ tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp tràn lan ở nông thôn Bangladesh. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ vốn để người nghèo đầu tư vào các hoạt động kinh doanh nhỏ nhằm tăng thu nhập. Điểm nhấn sáng tạo của dự án này là mô hình “nhóm tự quản” kết nối những người vay có hoàn cảnh tương tự để họ cùng chia sẻ trách nhiệm, sàng lọc, giám sát và quản lý lẫn nhau, giảm sự bất cân xứng thông tin trong hoạt động tín dụng.
Hệ thống ngân hàng Grameen đã có một mạng lưới rộng khắp, gồm: Hội sở chính tại thủ đô Datka, văn phòng đại diện tại các bang hoặc vùng, với 2.568 chi nhánh, phục vụ hơn 81.000 làng; có khoảng 22.261 nhân viên, bao phủ khắp làng Bangladesh. Tỷ lệ thành viên nữ tham gia chiếm 97%.
GB đang duy trì cơ chế cho vay đối với các đối tượng: cho vay người nghèo phục hồi thu nhập với lãi suất 20%/năm; cho người nghèo vay mua nhà với lãi suất 8%/năm; cho sinh viên vay với lãi suất 0% trong thời gian học tập từ 3-5 năm, và 5%/năm sau thời gian học tập, có hơn 47 nghìn người được tham gia vay (năm 2010); cuối cùng cho vay những đối tượng rất nghèo (như người ăn xin, tàn tật, mù lòa hoặc sức khỏe kém) với lãi suất 0%.
Mặc dù phải theo đuổi chính sách cho vay nhiều người nghèo với lãi suất 0%, nhưng lợi nhuận ròng của GB năm 2013 vẫn đạt 17,14 triệu USD, năm 2014 đạt 5,63 triệu USD, năm 2015 đạt 0,31 triệu USD (Grameen, 2016).