Bank Rakyat là một ngân hàng thuộc quyền sở hữu nhà nước, BRI chuyên phục vụ cho những khách hàng có trung bình, thấp trong xã hội và khách hàng chủ yếu ở khu vực nông thôn. Trong thời gian đầu BRI cung cấp chủ yếu là dịch vụ tín dụng nước cho nông dân và người nghèo nhưng sau đó BRI lâm vào tình trạng phá sản do cơ chế quản lý yếu kém, nợ quá hạn tăng cao. Nhưng sau đó, BRI hoạt động hiệu quả hơn với chính sách mới. BRI tổ chức lại hoạt động thành các bộ phận riêng biệt như: khách hàng lớn, các tổ chức; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng nghèo, đối tượng thu nhập thấp… Mỗi loại khách hàng được áp dụng với những mức lãi suất khác nhau. Nguồn vốn huy động của BRI được huy động từ dân cư với mục đích phục vụ cho nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng khác. Đồng thời, được sự hỗ trợ từ Chính phủ cho lĩnh vực nông nghiệp. Cho nên, tình hình tài chính của BRI được cải thiện tốt, đảm bảo khả năng thành toán và phát triển.
Ngân hàng Rakyat Indonesia chuyển từ ngân hàng hợp tác thành ngân hàng thương mại nhà nước năm 1950. Trong những năm 1970, 3600 đơn vị Desas BRI
(ngân hàng nông thôn) được tạo ra để thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp của chính phủ và trở thành đại lý cho các chương trình cho vay có trợ cấp của chính phủ, nhưng các đơn vị này không đạt được tính bền vững. Năm 1984, Đơn vị Desas được tái cơ cấu và tiếp cận tài chính vi mô theo hướng thương mại, áp dụng mức lãi suất bền vững, không có trợ cấp, gia tăng hiệu quả quản lý và nỗ lực huy động tiết kiệm, giúp BRI có lợi nhuận tài chính ngay năm sau đó. Năm 2003 BRI niêm yết, và trở thành ngân hàng vi mô lớn về bền vững tài chính hàng đầu Indonexia và khu vực (Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Du, 2013).
Các khoản vay TCVM tại BRI cung cấp vốn lưu động, vốn đầu tư cho người vay với điều kiện bắt buộc người vay phải có thế chấp, được xác định một cách lỏng lẻo và nới lỏng dần đối với khách hàng có uy tín. BRI tập trung vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2015, các khoản vay trung và dài hạn chiếm khoảng 70% tổng vốn vay của BRI ( BRI bank, 2016). Tuy nhiên đối với khách hàng là người rất nghèo thì BRI đã bỏ qua, và không sử dụng cơ chế cho vay theo nhóm như GB tại Bangladesh, nhưng BRI có tham gia chương trình của Chính phủ nhằm tạo thu nhập cho người nông dân và ngư dân nhỏ, được giám sát và quản lý bởi các chi nhánh BRI (Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Du, 2013).
Thành công của BRI là xây dựng được mạng lưới hoạt động rộng khắp, đến cuối năm 2015 BRI có 19 văn phòng giao dịch cấp vùng, 467 chi nhánh văn phòng, 603 chi nhánh phụ, và hơn 5000 đơn vị BRI trong cả nước. Dư nợ cho vay 581,09 ngàn tỷ Rp, số dư tiền gửi tiết kiệm là 669 ngàn tỷ Rp, tỷ lệ nợ xấu 2,02%, tỷ lệ an toàn vốn là 20,59% cao hơn nhiều so với tỉ lệ quy định tối thiểu là 8%. Chỉ số tài chính của BRI cũng tương đối tốt với tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) 4,19%; Tỷ suất sinh lời trên vốn củ sở hữu (ROE) 29,89% và lợi nhuận ròng là 25,41 ngàn tỷ Rp (BRI bank, 2016).