3. Ảnh hưởng của hội nhập và toàn cầu hoá đến các xu hướng phát triển của bảo hộ SHCN
3.2 Xu hướng quốc tế hoá chế độ bảo hộ quyền SHCN
Ngay từ ban đầu, sự hạn chế của việc bảo hộ các quyền về SHCN là chỉ có thể thực hiện được trong phạm vi các quốc gia riêng biệt (tính lãnh thổ tuyệt đối). Điều này thể hiện ở chỗ việc bảo hộ chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia nhất định và chỉ có công dân của một quốc gia mới có điều kiện nhận được sự bảo hộ đó. Cơ chế bảo hộ này chứa đựng trong nó những nhược điểm mang tính cố hữu biến nó trở thành rào cản đối với xu hướng tất yếu trong sự phát triển là thuơng mại hoá mang tính quốc tế, giao lưư kinh tế và văn hoá giữa các quốc gia. Một đòi hỏi khách quan là phải tìm cách xoá bỏ những hạn chế đó tạo điều kiện cho thương mại quốc tế phát triển.
Mọi sự nỗ lực của các cá nhân tổ chức và chính phủ của các quốc gia trong lĩnh vực này đều nhằm đến một mục đích là tìm kiếm một cơ chế bảo hộ SHCN mang tính quốc tế.
Sự ra đời của Công ước Paris (1883) về bảo hộ quyền SHCN [57] là một kết
quả khả quan của những nỗ lực tìm kiếm cơ chế bảo hộ SHCN nói trên. Mặt khác, việc ra đời của Điều ước quốc tế này có thể coi là sự bắt đầu của hoạt động phối hợp quốc tế một cách có hiệu quả về pháp luật trong lĩnh vực SHCN. Điểm quan trọng của điều ước quốc tế này là chế độ đãi ngộ quốc gia (NT) hay còn gọi là chế độ đãi ngộ như công dân, theo đó các quốc gia thành viên cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo hộ các quyền về SHCN cho công dân các nước thành viên khác như công dân nước sở tại. Ngày nay, với việc ký kết hoặc tham gia của 164 quốc gia và vùng lãnh thổ (số liệu của WIPO tính đến 7/8/2002) đã biến Điều ước quốc tế này trở thành nền tảng chủ yếu cho sự phối hợp quốc tế trong lĩnh vực SHCN.
Tiếp theo Công ước Paris, quá trình quốc tế hoá pháp luật SHCN còn được củng cố và phát triển không ngừng bởi sự thống nhất ý chí của nhiều quốc gia thông qua việc ký kết và tham gia ở các mức độ khác nhau vào các điều ước quốc tế đa phương khác như Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT 1970), Thoả ước Madrid về Đăng ký quốc tế NHHH (1891), Thoả ước Nice liên quan đến việc phân loại quốc tế hàng hoá và dịch vụ (1957), Thoả ước Lahay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công
42
nghiệp. . . Tính chất tuyệt đối lãnh thổ đang dần dần được xoá bỏ, chế độ bảo hộ quyền SHCN của các quốc gia từng bước đạt được sự thống nhất ở những nguyên tắc cơ bản.
Cùng với quá trình quốc tế hoá, trong hoạt động thương mại, đầu tư cũng như việc giao lưu văn hoá giữa các dòng văn hoá khác nhau trên thế giới, hệ thống pháp luật SHCN của các quốc gia đang dần phát triển theo xu hướng xoá bỏ sự khác biệt và tạo nên xu thế hoà hợp trong cả hình thức và nội dung bảo hộ. Điều này có thể giải thích trước hết bởi sự ký kết hoặc tham gia vào các điều ước đa phương hoặc song phương về SHTT hoặc có một phần ghi nhận về SHTT (bao gồm cả SHCN) của các quốc gia. Qua đó ý chí của hầu hết chính phủ các quốc gia về cơ bản đã được thống nhất trong việc cam kết thực hiện các nguyên tắc cơ bản ghi nhận trong các Điều ước quốc tế mà họ ký kết hoặc tham gia. Hơn nữa, việc thực hiện các điều ước quốc tế này đòi hỏi các nước phải có một quá trình nội luật hoá tư pháp quốc tế, làm cho pháp luật quốc gia tối thiểu là không trái và ngày càng phải phù hợp với các điều ước quốc tế tương xứng với lộ trình tham gia đã cam kết. Thêm vào đó là việc các nước đang phát triển cũng luôn tiếp thu các khuôn mẫu, các quy định chuẩn mực trong quá trình hình thành pháp luật về bảo hộ SHTT nói chung, SHCN nói riêng của các nước đang phát triển để tìm đến xây dựng một hệ thống pháp luật bảo hộ phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước mình. Sự tác động qua lại của các hệ thống pháp luật SHTT đang làm cho chúng phát triển theo xu hướng hoà hợp hơn trên bình diện thế giới.
Xu hướng này đã góp phần hạn chế phần nào tính chất tuyệt đối hoá lãnh thổ vốn có của việc bảo hộ SHCN. Nếu như trước đây việc bảo hộ SHCN chỉ có thể hạn chế trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và việc bảo hộ đó chỉ dành riêng cho công dân, pháp nhân nước sở tại thì ngày nay việc đăng ký bảo hộ tại một nước có thể tạo sự bảo hộ trên cả lãnh thổ của những nước khác và công dân của nuớc này có thể nhận được sự bảo hộ ở nước khác thông qua cam kết “bảo hộ lẫn nhau” của các quốc gia. Theo Điều 6quinquies Công ước Paris, nếu nhãn hiệu đã được đăng ký hợp lệ ở nước xuất xứ, với một số ngoại lệ nhất định, nhãn hiệu đó ở dạng nguyên bản phải được chấp nhận nộp đơn và bảo hộ ở các nước thành viên khác.
Việc hoà hợp, thống nhất pháp luật về bảo hộ SHCN diễn ra không những ở mức độ quốc gia mà ngay cả trên bình diện cộng đồng các quốc gia. Ví dụ, hệ thống bằng tác giả sáng chế tại các nước theo mô hình Liên xô cũ được coi là một mô hình bảo hộ sáng chế khác hẳn với hệ thống patent truyền thống. Theo mô hình này, mọi sáng chế đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước và được cấp bằng sáng chế. Tác giả
43
sáng chế được ghi danh vào bằng và được hưởng một khoản tiền nhất định. Cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung ở Liên xô và các nước thuộc khối Đông Âu, mô hình bằng tác giả sáng chế đã tỏ ra không phù hợp với các giá trị sáng tạo đã được thương mại hoá trong nền kinh tế thị trường và nhường chỗ cho mô hình bảo hộ sáng chế truyền thống và thế giới đạt được sự nhất thể về nguyên lý bảo hộ sáng chế.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, mặc dù thế giới đã có nhiều sự nỗ lực hợp tác với mong muốn lớn nhất là đạt được một chế độ bảo hộ thống nhất, theo đó việc tuyên bố bảo hộ (ví dụ cấp sáng chế hay đăng ký nhãn hiệu hàng hoá) ở một
quốc gia này cũng đương nhiên có hiệu lực ở các quốc gia khác nói chung vẫn chưa
thực hiện được một cách căn bản ngoại trừ Thoả ước Madrid (1891) về đăng ký quốc tế NHHH và một số điều ước quốc tế mang tính khu vực ghi nhận cơ chế nộp đơn quốc tế để đạt được sự bảo hộ ở nhiều quốc gia. Hiện nay, việc công dân một nước nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHCN ở một quốc gia khác vẫn cần phải đảm bảo hàng loạt các điều kiện khác nhau theo nội luật của quốc gia nhận đơn. Sự cản trở lớn nhất đối với việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài là nguyên tắc nộp đơn quốc gia, đó chính là việc công dân một nước muốn đạt được sự bảo hộ SHCN ở một nước khác đòi hỏi phải nộp đơn yêu cầu theo các thủ tục pháp lý do quốc gia đó quy định.
Ngoài nguyên tắc nộp đơn quốc gia, pháp luật SHCN của các nước còn có sự khác biệt đáng kể về đối tượng được bảo hộ, thời gian bảo hộ, nội dung quyền SHCN, khả năng và mức độ li-xăng cưỡng bức . . Như vậy, nguyên tắc tôn trọng luật quốc gia vẫn được tuân thủ mặc dù có xu hướng quốc tế hoá pháp luật SHCN.