4.5.2.1. Đổi mới công tác tổ chức, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý tài nguyên rừng
1. Tăng cường sự phối hợp của các bên liên quan cho hoạt động quản lý tài nguyên rừng
Các lực lượng tham gia quản lý rừng và tổ chức liên quan còn thiếu sự phối hợp dẫn đến hiệu quả quản lý rừng thấp. Vì vậy cần xây dựng quy chế
phối hợp của các tổ chức bên trong, bên ngoài cộng đồng với nhau nhằm tìm hiểu và xác định nhu cầu của người dân, của cộng đồng và hướng giải quyết các vấn đề đó.
Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp từ cấp tỉnh, huyện, xã. Lấy xã là đơn vị cơ sở để chỉ đạo phát triển lâm nghiệp, xây dựng những quy định về trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý tài nguyên rừng.
Cần phải phân chia rõ chức năng, nhiệm vụ của BQL rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, Hạt Kiểm lâm trên địa bàn huyện, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cá nhân nhằm phối hợp tốt nhất các lực lượng ở địa phương với nhau trong công tác QLBV và PTR.
2. Củng cố, xây dựng những tổ chức và luật lệ cộng đồng liên quan đến quản lý tài nguyên rừng
Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng: xây dựng được những tổ chức và những luật lệ của cộng đồng, các hương ước thôn (bản) về quản lý sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Quyền lợi và nghĩa vụ trong quản lý tài nguyên sẽ là động lực chủ yếu khuyến khích các thành viên tích cực tham gia các chương trình quản lý tài nguyên rừng.
Tổ chức cộng đồng là bộ máy giám sát, vận động và cưỡng chế mọi thành viên trong cộng đồng thực hiện những quy định chung đã thống nhất. Các quy định của cộng đồng sẽ bao gồm cả những vấn đề về tổ chức cộng đồng, những quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người tham gia các hoạt động QLBVR. Quyền lợi và nghĩa vụ trong quản lý tài nguyên sẽ là động lực chủ yếu khuyến khích các thành viên tích cực tham gia các chương trình quản lý tài nguyên rừng.
4.5.2.2. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân
- Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật quản lý bảo vệ tài nguyên, kỹ thuật canh tác trên đất dốc, kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi tổng hợp, kỹ thuật quy hoạch sử dụng đất hay kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trên địa bàn xã.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ khuyến nông khuyến lâm và cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn ở cấp xã.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục luôn được thực hiện hàng năm, tuy nhiên không đạt được hiệu quả cao, ý thức người dân còn kém dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân là do phương thức tuyên truyền còn đơn điệu, gây nhàm chán cho người nghe, nội dung nghèo nàn, chủ yếu là phổ biến về pháp luật. Các hình thức tuyên truyền đã có tại xã là: tổ chức hội nghị cấp xã, cấp thôn (bản), đối tượng là các chủ rừng, cán bộ, tuyên truyền qua đài phát thanh của xã.
Vì vậy giải pháp đề xuất là thay đổi nội dung và hình thức tuyên truyền với mục đích: nâng cao hiểu biết, nắm được kiến thức về giá trị của môi trường và tài nguyên thiên nhiên nhằm thay đổi thái độ, ý thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Các giải pháp tuyên truyền cụ thể như sau:
- Tuyên truyền vận động hạn chế gia tăng dân số. Điều này tạo sức ép rất lớn đến tài nguyên rừng. Trên địa bàn xã, tỷ lệ kết hộ sớm khá cao do phong tục tập quán của địa phương, lại không có điều kiện thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên khá cao (1.4%). Đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong công tác tuyên truyền.
- Phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể để có thể tuyên truyền được đến mọi đối tượng của địa phương, cùng nêu lên được trách nhiệm bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân. Các hoạt động này cần được tổ chức thường xuyên.
- Phổ biến chủ trương, đường lối phát triển lâm nghiệp hiện nay của Đảng và Nhà nước ta, phổ biến pháp luật về QLBVR, các hướng dẫn thực hiện quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền giáo dục có sự tham gia của người dân và xây dựng các câu lạc bộ về bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế xã hội.
- Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong trồng và chăm sóc rừng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuyên truyền người dân thay đổi cơ cấu cây trồng mới theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
- Mở rộng phạm vi tuyên truyền đến mọi lưa tuổi, giới tính, các đối tượng thành phần dân tộc, tôn giáo khác nhau, tạo nên sự phong phú, giao lưu trong chương trình tuyên truyền.
- Điều chỉnh nội dung tuyên truyền sao cho phù hợp với trình độ học vấn chung của người dân, tránh tình trạng sử dụng nhiều ngôn ngữ khoa học khó hiểu, nên ngắn gọn, xúc tích.
- Xây dựng thêm các pa nô, áp phích, tranh cổ động tuyên truyền rộng rãi ở những nơi cộng cộng về công tác bảo vệ rừng.
- Đưa giáo dục môi trường vào các buổi học ngoại khoá trong trường học, đồng thời ấn hành sách, tranh, ảnh tuyên truyền trong trường học.
- Xây dựng các cuộc thi tìm hiểu, thi vẽ tranh, thi viết bài về bảo vệ tài nguyên rừng. Giúp các em học sinh sớm nhận biết được vai trò của rừng, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng.
- Tuyên truyền về vai trò của rừng đối với đời sống xã hội, nêu lên thực trạng tài nguyên rừng của địa phương hiện nay, những nguyên nhân, hậu quả mất rừng và những thách thức về lâm nghiệp trên địa bàn.