Xu hướng hội tụ giữa thương mại dịch vụ và thương mại hàng hóa

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tình hình phát triển thương mại dịch vụ quốc tế giai đoạn 2010 2020 (Trang 56 - 58)

Trước đây, sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ thường được xem là hai lĩnh vực độc lập. Song sự xuất hiện của các chuỗi giá trị toàn cầu đã thay đổi quan điểm này. Bởi về bản chất chuỗi giá trị toàn cầu là chuỗi giá trị gia tăng trong một ngành sản xuất, từ khâu lên ý tưởng đến khâu sản xuất và tiêu thụ, do đó chuỗi giá trị toàn cầu phần nào cho thấy lĩnh vực dịch vụ và sản xuất có liên hệ chặt chẽ với nhau.

- Sự phát triển của thương mại hàng hóa ngày càng gắn liền với sự phát triển của thương mại hàng hóa, nhiều dịch vụ chỉ được thương mại hoá khi có sự phát triển của thương mại hàng hóa và ngược lại: các dịch vụ vận tải, bảo hiểm, logistics chỉ phát triển khi thương mại hàng hóa phát triển, có sự lưu thông hàng hóa, các chương trình máy tính chỉ được thương mại khi có sự mua bán máy móc, thiết bị, máy tính, điện thoại di động.

- Dịch vụ cung cấp đầu vào quan trọng trong sản xuất và thương mại của tất cả các sản phẩm, đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển kinh tế. Trong khi đó, thương mại hàng hóa diễn ra mạnh mẽ làm cơ sở gia tăng nhu cầu dịch vụ với người tiêu dùng. Theo Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển, một chuỗi giá trị toàn cầu thường bắt đầu bằng các dịch vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc thiết kế, sau đó đến các dịch vụ sản xuất, lắp ráp và kết thúc bằng các dịch vụ marketing, quản trị thương hiệu và hậu mãi. Có thể thấy ở hai đầu của một chuỗi giá trị toàn cầu thường là những dịch vụ giàu hàm lượng trí tuệ và có giá trị cao. Các doanh nghiệp sản xuất ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ làm yếu tố đầu vào, và có xu hướng cung ứng cả dịch vụ bên cạnh hàng hóa, đây chính là cơ sở xu hướng hội tụ giữa thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Xu hướng này cho thấy mối quan hệ bổ sung ngày càng rõ rệt giữa sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ.

Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển, Sandvik Tooling, một doanh nghiệp Thụy Điển chuyên sản xuất dụng cụ lao động, cần tới hơn 40 dịch vụ khác nhau để vận hành chuỗi giá trị toàn cầu của hãng này, tức gần một nửa số ngành dịch vụ được Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) điều chỉnh. Aromatic, một công ty cung cấp nguyên liệu làm bánh có quy mô tương đối nhỏ, dùng tới 50 loại dịch vụ khác nhau trong chuỗi cung ứng của mình. Đồng thời, Miroudot và Cadestin (2017) nhận thấy tại tất cả các nước, khoảng 25% tới 60% nhân công trong ngành sản xuất thực tế đang làm các công việc thuộc về dịch vụ.

Sự hội tụ giữa sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ thể hiện ở chỗ các công ty sản xuất sử dụng ngày càng nhiều dịch vụ ở tất cả mọi công đoạn trong chuỗi giá trị của mình, các dịch vụ này được bao hàm trong chính hàng hóa. Ví dụ để sản xuất một chiếc xe hơi sẽ cần các dịch vụ kỹ thuật cơ khí, tư vấn, thiết kế cùng với các dịch vụ hậu cần để mua nguyên vật liệu đầu vào và tổ chức chuỗi sản xuất. Khi mua bán, thương mại hàng hóa cũng đồng thời là quá trình thương mại các dịch vụ kèm theo. Chẳng hạn, máy móc có thể được xuất khẩu cùng với các dịch vụ lắp đặt và bảo hành. Các doanh nghiệp muốn bán các gói sản phẩm-dịch vụ như vậy bởi việc đó giúp tạo ra nhiều giá trị hơn từ hàng hóa cốt lõi và góp phần thiết lập mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Khách hàng cũng ưa thích các dịch vụ được bán cùng hàng hóa bởi các các gói như vậy thường giúp tiết kiệm chi phí, nhất là khi không sẵn có phương án thay thế. Trong trường hợp đặc biệt, dịch vụ đi kèm thậm chí có tính thiết yếu đối với việc bán các hàng hóa đó, nghĩa là doanh nghiệp không thể bán được hàng nếu thiếu các dịch vụ này. Ví dụ như dịch vụ xây dựng thường gắn với ngành sản xuất gỗ vì trong nhiều trường hợp khách hàng mua gỗ vì chúng là một phần của hợp đồng xây

dựng. Trong ngành chế tạo máy, các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và lắp đặt thường có tính thiết yếu vì nếu thiếu chúng, doanh nghiệp sẽ khó bán được máy móc, thiết bị.

- Đồng thời, sản phẩm dịch vụ ngày càng có tính chất của sản phẩm hàng hoá do quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ ngày càng giống như quá trình sản xuất hàng hoá. Khoa học kỹ thuật hiện đại đã làm thay đổi tính chất truyền thống của dịch vụ, khiến dịch vụ có tính chất hàng hoá nhiều hơn, vừa lưu trữ và vận chuyển được đến mọi nơi, vừa có thể sử dụng được trong một thời gian dài, thậm chí gần như vô hạn. Một trong những yếu tố khiến các sản phẩm dịch vụ mang tính chất hàng hoá nhiều hơn là quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ ngày càng giống như quá trình sản xuất hàng hoá. Ngày nay, các sản phẩm dịch vụ như phần mềm máy tính được sản xuất, đóng gói và bán hàng loạt trên thị trường như hàng hoá thông thường. Các buổi biểu diễn ca nhạc không những có thể được ghi thành đĩa CD và DVD mà còn có thể được truyền hình trực tiếp đến khắp nơi cho mọi người. Nhờ có internet, các sản phẩm dịch vụ tri thức như trang web đã vượt xa tính chất của hàng hoá thông thường là có thể được truy cập vô số lần mà không bị hao mòn. Một nhà cung cấp dịch vụ có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm cho rất nhiều người như các băng đĩa hình giải trí và các phần mềm máy tính để khai thác lợi thế kinh tế quy mô (economy of scale), hoặc thậm chí, vượt xa tính chất của quá trình sản xuất hàng hoá thông thường, là chỉ cần cung cấp một sản phẩm như một trang web song lại được sử dụng bởi rất nhiều người.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tình hình phát triển thương mại dịch vụ quốc tế giai đoạn 2010 2020 (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)