Dịch vụ tài chính

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tình hình phát triển thương mại dịch vụ quốc tế giai đoạn 2010 2020 (Trang 42 - 46)

Theo WTO, dịch vụ tài chính là bất kỳ dịch vụ nào mang bản chất tài chính, được một nhà cung cấp dịch vụ tài chính cung cấp. Dịch vụ tài chính bao gồm mọi dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan tới bảo hiểm, mọi dịch vụ ngân hàng và những dịch vụ tài chính khác. Các hoạt động có tác dụng thúc đẩy quá trình luân chuyển các nguồn tài nguyên chính như dịch vụ thanh toán, tư vấn tài chính, xếp hạng tín nhiệm,… cũng được xem là dịch vụ tài chính. Dịch vụ tài chính góp phần tăng trưởng kinh tế, gia tăng tiện ích trong đời sống xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế.

Cũng theo WTO, xuất khẩu dịch vụ tài chính có thể được định nghĩa là quá trình cung cấp dịch vụ tài chính bởi các tổ chức tài chính và thanh toán (ngân hàng, công ty môi giới, hệ thống thanh toán,…) đã đăng ký ở một quốc gia, cho khách hàng từ quốc gia khác. Tổng thu nhập nhận được từ việc cung cấp các dịch vụ tài chính được phản ánh trong cán cân thương mại của quốc gia. Trong những năm gần đây, tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính đã tăng lên đáng kể và thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia. Theo các chuyên gia tài chính hàng đầu (ví dụ Skinner 2007), tiềm năng xuất khẩu dịch vụ tài chính không chỉ là vô tận mà còn khó ước tính giới hạn cho quy mô của nó. Theo số liệu của WTO, mức xuất khẩu dịch vụ tài chính năm 2010 đã đạt 365 tỷ USD, vượt hơn 100 lần so với mức tương ứng cách đây 30 năm và gấp 3.2 lần mức năm 2000. Tỷ trọng cụ thể của xuất khẩu dịch vụ tài chính đóng góp gần 10% vào tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ trên toàn thế giới.

Hình 14. Tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính và tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ tài chính trong tổng xuất khẩu dịch vụ

Object 52

Nguồn: UNCTADSTAT

Hình 15. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ tài chính giai đoạn 2010 – 2020 (Đơn vị: %)

Object 54 Nhận xét:

Từ hai biểu đồ trên, ta thấy kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính có khuynh hướng tăng nhanh trong dài hạn, từ 364.86 tỷ USD năm 2010, sau một thập kỷ tăng lên 539.57 tỷ USD năm 2020, tăng gần 48%. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ tài chính có xu hướng giảm từ 9.19% năm 2010, giảm xuống còn 8.32% năm 2019 trước khi tăng trở lại vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 10.83% xuất khẩu dịch vụ toàn cầu. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính biến động mạnh trong giai đoạn nghiên cứu và có xu hướng giảm qua các năm, cụ thể là:

Giai đoạn 2010 – 2014: Xuất khẩu dịch vụ tài chính tăng trưởng dương, tăng trưởng trung bình giai đoạn đạt 7.4%.

Năm 2010 – 2011, nhờ các biện pháp giải cứu và kích thích kinh tế đơn phương ở mỗi nước hoặc trong sự phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế và giữa các nước khác nhau, xuất khẩu dịch vụ tài chính chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của sau khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009 với tăng trưởng dương 15.25% năm 2011. Tuy nhiên, một năm sau đó, năm 2012, xuất khẩu dịch vụ tài chính tăng trưởng ảm đạm 0.43%; nguyên nhân là do khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng Euro diễn biến căng thẳng trở lại, khó khăn của Mỹ trong việc thoát khỏi tình trạng hiểm nguy "vách đá tài khóa'" và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi tạo ra cú sốc giá dầu. Năm 2013 – 2014, xuất khẩu dịch vụ tài chính đã phục hồi khiêm tốn đạt mức tăng trưởng 4.84% năm 2014.

Giai đoạn 2015 – 2016: Xuất khẩu dịch vụ tài chính tăng trưởng âm, đạt mức thấp nhất âm 3.82% năm 2015, và tiếp tục giảm 0.66% năm 2016.

Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế các nước phát triển phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước mới nổi và phát triển giảm, tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn dự kiến, giá cả hàng hóa cơ bản tiếp tục giảm khá mạnh và những tác động tiêu cực từ Brexit. Trong khi đó, các chính sách nới lỏng tiền tệ (lãi suất thấp hoặc âm, các gói nới lỏng định lượng và định tính…) tại hầu hết các nước không mấy hiệu quả đối với tăng trưởng và lạm phát.

Giai đoạn 2017 – 2020: Xuất khẩu dịch vụ tài chính phục hồi, tăng trưởng trung bình giai đoạn đạt 4.55%.

Thị trường tài chính thế giới năm 2017 có sự khởi sắc rõ rệt khi lãi suất thấp thúc đẩy đầu tư, thị trường cổ phiếu toàn cầu tăng trưởng tích cực và tình hình sức khỏe của các ngân hàng lớn toàn cầu cải thiện đáng kể, xuất khẩu dịch vụ tài chính tăng trưởng 7.46%. Năm 2018 - 2019, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, cùng với những bất ổn chính trị kéo dài tại khu vực châu Âu và Trung Đông, đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính thế giới, đỉnh điểm vào năm 2019, xuất khẩu dịch vụ tài chính tăng trưởng âm 0.41%. Năm 2020, dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID – 19, kinh tế toàn cầu suy giảm khiến chính phủ và ngân hàng trung ương các nước thực hiện hàng loạt các chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ với quy mô rất lớn, chưa từng có tiền lệ. Lãi suất thấp, tỷ giá ổn định thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ tài chính tăng 4.12%, đạt tỷ USD.

Bên cạnh các yếu tố kinh tế - chính trị, cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 có những tác động quan trọng đến ngành dịch vụ tài chính. Trong tương lai, ngành dịch vụ tài chính được kỳ vọng có những thay đổi ở các khía cạnh sau:

Xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tài chính. Các nền tảng công nghệ hiện đại, đột phá như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoT), tự động hóa quy trình bằng robot (Robotic Process Automation - RPA)... ngày càng được ứng dụng rộng rãi, góp phần đa dạng hóa các hoạt động và kênh phân phối, hiện đại hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; gia tăng am hiểu nhu cầu, hành vi khách hàng; tăng năng suất, chất lượng hoạt động của hệ thống tài chính.

Thứ hai, các ứng dụng sinh trắc học, công nghệ thực tế - ảo góp phần nâng cao hiệu quả xác thực, tương tác khách hàng... Các mô hình và phương thức kinh doanh mới (ví điện tử, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, tiền kỹ thuật số…) đang phát triển nhanh, tạo nên sự cạnh tranh và thách thức với mô hình, hệ thống tài chính truyền thống.

Thứ ba, trên góc độ quản lý - giám sát; phương thức quản lý “truyền thống” đơn thuần sẽ dần được thay thế bởi các phương thức quản lý “hiện đại và đa dạng” phù hợp với “nền kinh tế số và hệ thống tài chính số”. Ngân hàng Thanh toán quốc tế và một số ngân hàng trung ương đã thống nhất thành lập “Trung tâm đổi mới ứng phó các xu hướng công nghệ”, dự kiến sẽ đặt trụ sở tại Basel (Thụy Sỹ), Hồng Kông và Singapore, nhằm ứng phó kịp thời với các xu hướng công nghệ mới, tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Như vậy, xu hướng công nghệ quản lý, tiết chế (Regtech) đang hình thành.

Cùng với đó, Deloitte (2020) dự báo 8 xu hướng sẽ xuất hiện trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính đến năm 2025; đó là: (i) hình thành nhà máy tài chính (do giao dịch được tự động hóa), (ii) vai trò của tài chính thay đổi (SP-DV, tổ chức – nhân sự, văn hóa kinh doanh, quy trình thay đổi…), (iii) chu kỳ tài chính nhanh và phức tạp hơn (do giao dịch diễn ra nhanh, tự động, trực tuyến…), (iv) Hình thức tự phục vụ (self-service) trở nên phổ biến; (v) Mô hình hoạt động thay đổi, (vi) Kế hoạch hóa nguồn lực doanh nghiệp bị thay đổi; (vii) vai trò của dữ liệu thông minh tăng, và (viii) Phương thức và nơi làm việc thay đổi.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tình hình phát triển thương mại dịch vụ quốc tế giai đoạn 2010 2020 (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)