2.4 THỰC TRẠNG CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN
2.4.2 Môi trường kinh tế
Theo Nguyễn Minh Kiều, Nguyễn Văn Điệp và Lê Nguyễn Hoàng Tâm (2013) đăng trên tạp chí kinh tế kì I đã nghiên cứu: “ Yếu tố kinh tế vĩ mô và biến động thị trường chứng khoán Việt Nam” do lạm phát, chính sách tiền tệ, tỉ giá hối đoái và giá vàng. TTCK có mối quan hệ mật thiết với thị trường chứng khoán phái sinh. Do các sản phẩm phái sinh hiện tại đang giao dịch đều dựa vào chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán cơ sở. Nếu các yếu tố vĩ mô tác động tốt đến thị trường chứng khoán thì sẽ giúp chỉ số thị trường tăng điểm và kéo theo sinh lời cho các hợp đồng phái sinh.
Ảnh hưởng của nền kinh tế lên thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng, có thể được nhìn thấy bởi tác động của nó đối với
lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái và thất nghiệp cao thì lợi nhuận của công ty sẽ giảm. Sự giảm sút này sẽ dẫn việc giá cổ phiếu tụt xuống mức thấp và cuối cùng là một thị trường chứng khoán bị tụt dốc. Khi nền kinh tế đang hoạt động hiệu quả, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng lên dẫn đến giá cổ phiếu tăng mạnh. Việc tăng giảm giá cổ phiếu sẽ ảnh hưởng cùng chiều với các chỉ số trên toàn thị trường.
Hình 2.4.2. 1 Dấu hiệu nhận biết giai đoạn kinh tế
Nguồn: SSI Hình 2.4.2. 2 GDP của Việt Nam
Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam không ngừng tăng. "Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện", Tổng cục Thống kê khẳng định.
Hình 2.4.2. 3 CPI của Việt Nam
Nguồn: Tổng cục thống kê
Theo tổng cục thống kê: "CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016 và tăng 2,6% so với tháng 12 năm 2016. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017"
Trong những năm gần đây, NHNN vẫn tập trung duy trì và ổn định mặt bằng lãi suất. NHNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nỗ lực điều hành CSTT đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Từ ngày 10/7/2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra, hoạt động các TCTD diễn biến tích cực, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5- 1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm
Thị trường ngoại tệ và tỉ giá những năm qua cũng được duy trì ở mức ổn định. Trong năm 2017, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm; trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời thực hiện linh hoạt các công cụ CSTT để duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, điều hành thanh khoản tiền đồng để vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá khi cần thiết, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất trên thị trường 1 (huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế). Theo đánh giá của Bloomberg, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất Châu Á. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân với khối lượng lớn, từ đó có điều kiện bán lại cho NHNN để bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo “ Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính 2017 và triển vọng 2018” của Uỷ Ban Giám sát tài chính quốc gia” : Việt Nam có kinh tế cũng như chính trị trong nước rất ổn định. Các vấn đề như Lạm phát, Lãi suất, Tỷ giá, đều rất thuận lợi. Dự trữ
ngoại hối lập kỷ lục, GDP đạt 6,81%. Đặc biệt, sự thành công của hội nghị APEC đã nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo niềm tin cho giới đầu tư. Với sự dẫn dắt của dòng tiền ngoại, tiền đã được đổ vào TTCK rất mạnh mẽ. Cán cân cung cầu đã thay đổi. Nhiều doanh nghiệp đã có những bước tiến trong hoạt động SX-KD. Nhờ đó, nội tại doanh nghiệp, cũng như nhiều chỉ số cơ bản để đánh giá cổ phiếu đã trở lên rất hấp dẫn. Những cuộc thoái vốn lớn cũng tác động vào chỉ số, tạo ra tâm lý tích cực được lan tỏa rộng. Chính những yếu tố này, làm cho chỉ số chứng khoán tăng điểm liên tục. Chỉ số VNIndex tăng 43% so với đầu năm và là một trong 5 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu 2017. 2017, được xem là một năm nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều cơ hội đầu tư trên các thị trường tài chính. Do đó, làm cho các hợp đồng chứng khoán phái sinh càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư.
Tóm lại, nền kinh tế của Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong năm 2017 đã tác động mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán phát triển. Sự tăng trưởng của nền kinh tế làm cho nhà đầu tư càng có niềm tin, bởi thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến nền kinh tế. Khi các yếu tố vĩ mô thuận lợi, doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận, thị trường chứng khoán phát triển và kéo theo sự phát triển thị trường chứng khoán phái sinh.