7. Bố cục của luận văn
3.2. Đề xuất bổ sung một số hoạt động giáo dục hát Xoan cho học sinh
3.2.1. Cơ sở, nguyên tắc, quy trình
Từ thực trạng khảo sát ở trên có thể thấy rằng nguồn lực về hát Xoan ở các trường phổ thông đều khá thuận lợi, có những học sinh am hiểu về hát Xoan, đã được học từ gia đình hoặc được gia đình tạo điều kiện cho học tập với các nghệ nhân trước đó. Các em có thể chính là cầu nối đưa hát Xoan vào trong nhà trường. Bên cạnh đó, trong quá trình phỏng vấn trực tiếp Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, Bí thư Đoàn trường của trường THPT Lâm Thao, chúng tôi cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ đối với việc “điền dã tìm hiểu về hát Xoan trong đời sống và thực hiện chương trình phát thanh tuyên truyền hát Xoan trong Nhà trường” tại trường THPT Lâm Thao, đã được Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn - Địa và Ban giám hiệu nhà trường đánh giá là kế hoạch có tính khả thi và có thể thực hiện trong thời gian tới, bởi đó là một trong những hình thức hữu ích để tạo được cho học sinh sân chơi bổ ích sau những giờ học căng thẳng ở trường, lớp, giúp học sinh có được tinh thần đoàn
kết, sẻ chia, năng nổ, nhiệt tình hơn trong các hoạt động phong trào, các em cũng rèn được sự tự tin để có thể trình diễn trước đông người.
Trái ngược với điều đó, nhu cầu của đa số học sinh đối với việc đưa hát Xoan vào trong trường phổ thông là chưa cao. Hơn nữa, các lãnh đạo nhà trường được phỏng vấn đều có ý kiến tích cực đối với đề xuất đưa hát Xoan vào trong trường phổ thông để góp phần giáo dục học sinh. Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Lan - Hiệu trưởng/ giáo viên trường THPT Lâm Thao “Nhà trường cũng đã tổ chức hoạt động ngoại khóa về hát Xoan cho các em học sinh nhưng chưa được hiệu quả và trong năm học 2020-2021 này nhà trường sẽ đưa ra những biện pháp có tính mới mẻ, đem lại sự hào hứng cho học sinh về hát Xoan để giúp các em trân trọng, tự hào một nền văn hóa văn học tiêu biểu của vùng đất Lâm Thao, Phú Thọ này”.
Qua kết quả khảo sát ở phần trên, có thể khẳng định rằng nhận thức của học sinh trong nhà trường phổ thông Lâm Thao là còn thấp, số học sinh am hiểu về hát Xoan, biết gõ trống, phách, thực hành diễn xướng hát Xoan còn rất ít, tình yêu đối với hát Xoan trong học sinh ở các trường phổ thông cũng chưa được chú ý bồi dưỡng. Điều đó sẽ dần khiến cho thế hệ trẻ thờ ơ với giá trị văn hóa phi vật thể đặc biệt là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng này ở địa phương. Sự có mặt của hát Xoan tại các chương trình văn nghệ hay các hoạt động trong trường học là còn ít, chưa có hiệu quả cao. Đó chính là thực tiễn quan trọng cho chúng tôi đề xuất các hoạt động sau này.
Ngoài ra, giá trị, ý nghĩa của hát Xoan với đời sống tinh thần của người dân xã Hy Cương nói riêng, và của tỉnh Phú Thọ nói riêng, nói chung là rất quan trọng. Trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, trước nguy cơ các giá trị văn hóa phi vật thể bị mất đi thì việc đưa hát Xoan vào trong các trường phổ thông là điều cần thiết để góp phần nâng cao ý thức từ những lứa măng non của đất nước trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Một cơ sở khác chính là định hướng nội dung giáo dục của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với phần văn học địa phương. Văn học địa phương là những sáng tác văn học của các tác giả trong một khu vực địa lý cụ thể. Nó phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư ở một địa bàn cư trú nhất định và mang bản sắc riêng, độc đáo có tính chất đặc thù của vùng, miền, địa phương đó.
Môn Văn học địa phương đã được đưa vào giảng dạy ở cấp trung học cơ sở trong hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta những năm gần đây nhưng chưa được chú trọng nhiều. Thời gian theo phân phối chương trình còn hạn chế và phần lớn chưa được thiết kế, giảng dạy một cách bài bản mà còn mang nhiều tính tự phát. Tài liệu học tập thì khan hiếm, ít ỏi và chưa được cập nhật. Tài liệu tham khảo hầu như không có đối với cả người dạy và người học. Điều này cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho thầy và trò trong việc dạy và học văn học địa phương.
Tuy nhiên thách thức lớn hơn nữa là chúng ta cần tiếp cận và giảng dạy văn học địa phương như thế nào để đạt hiệu quả tốt. Đây cũng là vấn đề quan trọng cần được quan tâm để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục một cách toàn diện và hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế văn học địa phương ảnh hưởng tính chất vùng miền, mang nét đặc thù, nên theo chúng tôi khi giảng dạy văn học địa phương chúng ta cần chú ý tích hợp yếu tố văn hóa địa phương để người học có thể cảm nhận rõ những nét riêng có tính đặc thù ở địa phương được thể hiện trong văn học. Đó có thể là các yếu tố về văn hóa lịch sử, văn hóa tộc người phản ánh đời sống và tâm hồn của cư dân nơi đây. Tiếp cận và giảng dạy văn học địa phương Phú Thọ thời kì hiện đại, chúng ta cần chú ý đây là một tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam, nơi hội tụ nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây có bề dầy về lịch sử, tộc người với những dấu tích độc đáo. Đặc biệt văn học văn hóa Phú Thọ khá phong phú và đa dạng thể hiện rõ dấu ấn văn hóa của người dân địa phương mang những dấu tích của một thời xa xưa - thời Vua Hùng dựng nước..
Việc đề xuất một số hoạt động cũng phải lưu ý một số vấn đề như: Các biện pháp đề ra không được vi phạm Hiến pháp, không vi phạm các bộ luật và các văn bản pháp quy đã được quy định. Khi nghiên cứu để đề xuất giải pháp, cần phải tìm hiểu các văn bản quy định về giáo dục và vấn đề thành lập các hội nhóm như: Các văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết, các Nghị định của Chính phủ, Luật giáo dục, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều lệ nhà trường, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hành chính khác. Các biện pháp được đề xuất cũng phải đảm bảo tính hệ thống, được xác định trên cơ sở cốt lõi là giáo dục học sinh về kiến thức và tình yêu đối với hát Xoan ở Lâm Thao, Phú Thọ và có liên quan tới các vấn đề khác như giảng dạy của nghệ nhân, của giáo viên, vấn đề học tập, nghiên cứu, tìm hiểu của học sinh, cơ sở vật chất cho hoạt động, các nguồn lực khác cho hoạt động, … Việc đề xuất các hoạt động giáo dục hát Xoan cho học sinh phổ thông ở Lâm Thao, Phú Thọ cần được thực hiện theo trình tự hợp lí với nhận thức, khả năng tiếp nhận của học sinh, từ tìm sưu tầm, tìm hiểu lời bài hát Xoan học cách gõ trống, phách, học cách hát Xoan, cách trình diễn, … Bởi thế mà các hoạt động đề ra cần hướng tới hình thành cho học sinh kiến thức, kĩ năng, tình cảm đối với hát Xoan nơi đây.
Các biện pháp được đề xuất phải có hiệu quả, có tác động tích cực đến giáo viên và học sinh trong quá trình thực hiện. Muốn như vậy, các giải pháp được đưa ra phải đảm bảo được tính hợp pháp và hợp lí để tác động tích cực tới các đối tượng, khiến họ huy động được tối đa năng lực, tình cảm của bản thân tham gia vào các hoạt động đạt được hiệu quả cao.
Để thành lập được một hoạt động trong trường học thì cần đảm bảo được quy trình chung gồm 9 bước: Bước 1: Đặt tên cho hoạt động; Bước 2: Xác định mục tiêu của hoạt động; Bước 3: Xác định nội dung, hình thức của hoạt động; Bước 4: Chuẩn bị tiến hành hoạt động, dự kiến thời gian, địa điểm, kinh phí,
nhân lực thực hiện (giáo viên, học sinh, nghệ nhân); Bước 5: Xây dựng kế hoạch; Bước 6: Thiết kế chi tiết hoạt động; Bước 7: Kiểm tra, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình hoạt động; Bước 8: Tổ chức thực hiện hoạt động; Bước 9: Tổng kết, đánh giá hoạt động