Xuất một số hoạt động giáo dục cụ thể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hát xoan ở xã hy cương, huyện lâm thao, tỉnh phú thọ với vấn đề giáo dục ở trường phổ thông (Trang 81 - 105)

7. Bố cục của luận văn

3.2. Đề xuất bổ sung một số hoạt động giáo dục hát Xoan cho học sinh

3.2.2. xuất một số hoạt động giáo dục cụ thể

3.2.2.1. Hoạt động “Điền dã, sưu tầm hát Xoan trong đời sống” * Mục tiêu hoạt động

Kết nối được đam mê, tình yêu của học sinh dành cho loại hình văn nghệ dân gian tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam: hát Xoan từ đó phát huy tình cảm, tình yêu mến, niềm tự hào của học sinh đối với quê hương - đất nước, tinh thần yêu thiên nhiên, gắn bó với cuộc sống;

Giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về hát Xoan ở xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ.

Đưa học sinh được đến với vùng đất Hy Cương nơi mang những dấu ấn trầm tích văn hóa của một thời xa xưa, được nghe những làn điệu Xoan được các nghệ nhân thực hiện giúp các em yêu thêm một loại hình văn hóa văn học dân gian.

Góp phần vào việc bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương.

* Nội dung hoạt động

Đầu tiên, giáo viên bộ môn Ngữ văn cần phổ biến mục tiêu, cách thức, quy định của việc thực hiện hoạt động điền dã. Đồng thời, hướng dẫn học sinh công tác chuẩn bị: sách, bút, máy ảnh, điện thoại, trang phục…và một số nhiệm vụ, biện pháp để có thể tiến hành điền dã như dự kiến câu hỏi phỏng vấn, khảo sát, dự kiến nội dung điền dã, đối tượng điền dã…

Trong các hoạt động ở phần trên, học sinh đã có nhận thức và hiểu biết nhất định về hát Xoan, với những hiểu biết đó chúng tôi tổ chức các buổi điền dã trong xã Hy Cương, để các em có thêm những hiểu biết về hát Xoan và các

loại hình dân ca khác. Qua các buổi dã ngoại giáo viên định hướng cho học sinh tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị nội dung, nghệ thuật, trang phục, đạo cụ biểu diễn của hát Xoan, tìm hiểu thông qua các người dân trong xã, các cụ cao niên trong làng. Trong buổi dã ngoại các em được tìm hiểu về các nghệ nhân hát Xoan xưa và các nghệ nhân hiện nay tại xã Hy Cương. Với thuận lợi là trường PTTH Lâm Thao, trường THCS xã Hy Cương nằm trong không gian văn hóa Hát Xoan, nên học sinh có những hiểu biết nhất định về các nghệ nhân, có những em là con cháu, họ hàng với nghệ nhân.

Với những thuận lợi đó các em sẽ đi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, cuộc sống của các nghệ nhân, vai trò của nghệ nhân trong việc lưu truyền và phát triển Hát Xoan, phương pháp truyền dạy hát Xoan của nghệ nhân. Ảnh hưởng của nghệ nhân đối với cộng đồng, các chế độ chính sách của nhà nước đối với nghệ nhân hát Xoan. Sau buổi dã ngoại, giáo viên cho các em viết thu hoạch về những gì đã được tìm hiểu được (có thể bằng nhiều hình thức khác nhau). Giáo viên tổng hợp lại tất cả các thông tin tìm hiểu về Hát Xoan, sau đó sắp xếp lại và giảng cho chúng nghe theo hệ thống hoàn chỉnh nhất, đồng thời có lời khen, điểm thưởng, giấy chứng nhận động viên khích lệ... như vậy học sinh sẽ hiểu rõ hơn về hát Xoan, từ đó các em sẽ có ý thức giữ gìn, tự hào về quê hương mình với những giá trị của các làn điệu hát Xoan.

* Nhân sự tham gia

Có thể tổ chức cho học sinh đi điền dã theo khối lớp, theo đợt. Những đợt đi đầu cần có giáo viên Bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện hội cha mẹ phụ huynh học sinh tham gia cùng các em. Những đợt sau có thể để các em học sinh tự đi điền dã dưới sự quản lý của Nhóm trưởng và liên lạc với giáo viên Bộ môn.

* Kinh phí và dự kiến kết quả

Về kinh phí: Dự kiến mỗi em học sinh đóng góp 80.000/ học sinh, kinh phí này bao gồm tiền xe, tiền phí sinh hoạt, nước uống, bồi dưỡng nghệ nhân….

Về dự kiến kết quả: Sau chuyến đi điền dã sưu tầm hát Xoan ở xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ mỗi em sẽ viết một bài thu hoạch về chủ đề “Cảm nghĩ của em về chuyến đi điền dã hát Xoan và hát Xoan có vai trò như thế nào trong đời sống hiện đại hôm nay”.

3.2.2.2. Hoạt động thực hiện chương trình phát thanh tuyên truyền hát Xoan trong nhà trường

* Mục tiêu hoạt động

Qua các buổi phát thanh dành một thời lượng để tuyên truyền về truyền thống hiếu học, thu hút sự quan tâm của đông đảo các em HS. Ngoài công tác phát thanh tuyên truyền, Nhà trường tổ chức chương trình trò chuyện với nghệ nhân Hát Xoan, thông qua chương trình HS được trò chuyện, đặt câu hỏi với nghệ nhân. Nghệ nhân sẽ giới thiệu về nguồn gốc, giá trị của hát Xoan và tham gia biểu diễn một số làn điệu. Thông qua buổi phát thanh các em có cơ hội được tìm hiểu về nguồn gốc hát Xoan, các làn điệu hát Xoan, nội dung và ý nghĩa của lời thơ trong hát Xoan…

* Nội dung hoạt động

Thành lập đội phát thanh trong Nhà trường, thành viên là 05 em HS có giọng đọc truyền cảm, lưu loát và có khả năng viết các bài phát thanh hoàn chỉnh về bố cục, có chiều sâu về nội dung, cô tổng phụ trách liên đội là người trực tiếp quản lý và điều hành đội phát thanh, tham gia viết và duyệt nội dung trước khi phát thanh (nội dung các bài phát thanh phải được cô tổng phụ trách duyệt trước).

Thực hiện phát thanh một số làn điệu hát Xoan, do các bạn trong CLB Hát Xoan xã Cảnh Dương hát trong các giờ ra chơi, đan xen các buổi sinh hoạt tập thể, phát thanh các làn điệu hát Xoan do các nghệ nhân hát nhằm giới thiệu tới toàn thể các em về nguồn gốc, giá trị tinh thần của hát Xoan. Các buổi phát thanh cần linh hoạt trong việc xây dựng nội dung và thay đổi theo từng tuần, từng quý, thu âm những lời giới thiệu, các truyền thuyết do nghệ nhân kể về hát Xoan.

Qua các buổi phát thanh dành một thời lượng để tuyên truyền về truyền thống hiếu học, thu hút sự quan tâm của đông đảo các em HS. Ngoài công tác phát thanh tuyên truyền, Nhà trường tổ chức chương trình trò chuyện với nghệ nhân hát Xoan, thông qua chương trình HS được trò chuyện, đặt câu hỏi với nghệ nhân. Nghệ nhân sẽ giới thiệu về nguồn gốc, giá trị của hát Xoan và tham gia biểu diễn một số làn điệu. Thông qua buổi giao lưu các em có cơ hội được tìm hiểu về nguồn gốc hát Xoan, các làn điệu hát Xoan, nội dung và ý nghĩa của lời thơ trong hát Xoan...

Thực hiện phát thanh một số làn điệu hát Xoan, do các bạn trong CLB hát Xoan xã Hy Cương hát trong các giờ ra chơi, đan xen các buổi sinh hoạt tập thể, phát thanh các làn điệu hát Xoan do các nghệ nhân hát nhằm giới thiệu tới toàn thể các em về nguồn gốc, giá trị tinh thần của hát Xoan. Các buổi phát thanh cần linh hoạt trong việc xây dựng nội dung và thay đổi theo từng tuần, từng quý, thu âm những lời giới thiệu, các truyền thuyết do nghệ nhân kể về hát Xoan.

* Nhân sự và tham gia

Người xây dựng kịch bản, duyệt nội dung: Bí thư đoàn trường và các giáo viên trong tổ chuyên môn Văn - Địa cùng với một số em học sinh tiêu biểu có niềm yêu thích và hiểu biết về hát Xoan

Người đọc tin: các bí thư, lớp trưởng các khối lớp và các em học sinh có giọng đọc truyền cảm, lưu loát sẽ đọc tin vào mỗi buổi truyền thông.

Phụ trách kỹ thuật: các cán bộ giáo viên trong đội đoàn trường phụ trách kĩ thuật như loa, mic, âm thanh..

* Dự kiến kết quả

Học sinh toàn trường sẽ được nghe các bài hát Xoan của các nghệ nhân hát Xoan thực hiện vào đầu giờ mỗi buổi thứ 4 hàng tuần và nghe các phóng sự về sự hình thành cũng như nội dung hát Xoan phản ánh vào mỗi đầu giờ thứ 6 hàng tuần.

Hoạt động này sẽ định hướng giáo dục về truyền thống để các em có thêm những hiểu biết về nguồn gốc, xuất xứ của hát Xoan xưa và các thể loại

dân ca. và môi trường giáo dục trường học là nơi rèn luyện cho các em các kỹ năng ca hát, biểu diễn và tham gia hoạt động văn nghệ trong Nhà trường, góp phần hình thành tình cảm yêu thích đối với hát Xoan để từ đó các em biết tự hào và sẽ là thế hệ nối tiếp gìn giữ loại hình văn hóa văn học dân gian này.

Tiểu kết

Trên cơ sở mục tiêu của chương trình phổ thông mới và khảo sát bằng phiếu hỏi và phỏng vấn trực tiếp giáo viên, học sinh về thực trạng, nguyện vọng đối với hát Xoan, chúng tôi đã đề xuất hoạt động giáo dục:“hoạt động điền dã điền dã tìm hiểu về hát Xoan trong đời sống và thực hiện chương trình phát thanh tuyên truyền hát Xoan trong Nhà trường”. Đây là một hình thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của trường THPT Lâm Thao nói riêng và các trường phổ thông trên địa bàn huyện Lâm Thao, Phú Thọ nói chung. Đồng thời, thông qua hình thức điền dã, truyền thông hát Xoan Phú Thọ sẽ đến được với nhiều học sinh hơn, góp phần khơi dậy, bồi dưỡng tình yêu hát Xoan cho thế hệ trẻ ở địa phương Hy Cương. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy được những giá trị quý báu của loại hình văn hóa dân gian tại địa phương.

KẾT LUẬN

Hát Xoan Phú Thọ được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hát Xoan khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng nghìn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, bồi đắp, trao truyền. Đây là niềm tự hào, vinh dự đối với người dân Phú Thọ mà còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Hát Xoan đưa nền văn hóa của Việt Nam đi ra hội nhập với nền văn hóa phi vật thể của khu vực và toàn thế giới.

Hát Xoan cũng như hình thức dân ca khác, là một hiện tượng của văn hoá dân gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Nó ra đời và được nuôi dưỡng trong môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường kinh tế- xã hội có lịch sử nhiều nghìn năm, ít nhất là từ khi cộng đồng người Việt định cư bậc trên thềm trung du của vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua các triều đại Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử, hát Xoan vẫn tồn tai, điều đó chứng tỏ sức sống bên trong, và sự biến đổi theo hướng thích nghi để tồn tại của văn hoá dân gian, trong đó có hát Xoan.

Cũng như các loại hình dân gian khác hát Xoan Phú Thọ là loại hình nghệ thuật độc đáo và có ý nghĩa lớn trong nền văn học dân gian của Việt Nam. Hát Xoan là một hình thức ca hát phát sinh từ lễ hội với dấu ấn tín ngưỡng thờ vật tổ, thờ thần lúa, thờ thần lửa… giai điệu và cách thức khởi nguồn từ màu sắc văn hóa dân gian như những nghi lễ gắn với tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội. Những lời hát trữ tình mộc mạc, vừa hát vừa phô ra vẻ đẹp của lao động, của tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, đất nước đi sâu vào lòng người. Nội dung mà hát Xoan phản ánh đó là mọi mặt của đời sống ca ngợi tình yêu lao động với những mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mang những phong tục, tín ngưỡng riêng biệt của vùng đất Hy Cương nói riêng và Phú Thọ nói chung. Chính sự giản dị gần gũi ấy đóng góp một phần giúp văn học dân gian tồn tại bền lâu, tạo ra màu sắc riêng trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam so với văn học hiện đại.

Hát Xoan tuy là một lĩnh vực văn hóa dân gian mang hình thức sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng mang trong mình những đặc điểm nghệ thuật như về ngôn ngữ, về kết cấu, thể thơ, và hình thức diễn xướng, giống với những nét nghệ thuật cơ bản của văn học dân gian Việt Nam. Với thể thơ lục bát, thể thơ song thất lục bát, thể thơ tự do, nhưng thể thơ lục bát chiếm đa số trong hát Xoan có vần có nhịp dễ nhớ, dễ thuộc gần gũi với thể thơ truyền thống của dân tộc. Với kết cấu lối trình diễn, sắp đặt các bài bản, các chặng hát cũng tuân thủ theo các nghi thức hát thờ các Vua Hùng một cách thành kính; các lời ca Xoan mang ý nghĩa chúc tụng, ca ngợi công đức các Vua Hùng xuất hiện trong nhiều bài Xoan. Và kết hợp với ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học tạo dấu ấn riêng cho hát Xoan Phú Thọ- loại hình văn hóa văn nghệ dân gian tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.

Trong xã hội đang ngày càng phát triển theo hướng hiện đại ngày nay, nhiều giá trị truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một đi và hát Xoan cũng không ngoại lệ. Bởi thế mà việc giáo dục ý thức cho cho cộng đồng đối với vấn đề giữ gìn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống và bồi đắp tình cảm yêu mến, trân trọng, tự hào của cộng đồng đối với những giá trị đó là điều thực sự rất cần thiết để có thể tạo dựng được vị thế vững chắc, sự phát triển tích cực của các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, hát Xoan ở xã Hy Cương nói riêng, Môi trường giáo dục mà đặc biệt là các trường phổ thông chính là một môi trường lý tưởng để giáo dục được sâu rộng tới cộng đồng về gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Việc đưa hát Xoan vào để giáo dục học sinh phổ thông ở xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là một việc làm rất thiết thực để giúp thế hệ trẻ ở địa phương hiểu sâu sắc về giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, từ đó biết trân trọng, có ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu đó.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát Xoan, trong thời gian tới, chúng ta chú trọng tới việc quảng bá giới thiệu giá trị của hát Xoan với

cộng đồng trong tỉnh, trong cả nước và với bạn bè quốc tế. Đồng hành với đó là việc tổ chức truyền dạy và phổ biến rộng rãi nghệ thuật hát Xoan. Đưa hát Xoan vào giáo dục trong các trường học ở Phú Thọ nói chung và xã Hy Cương nói riêng, đồng thời tại các làng Xoan cổ sẽ khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Chúng ta tin tưởng rằng với sức sống bền bỉ, sức lan tỏa mãnh liệt và kế hoạch bảo tồn cụ thể, hát Xoan sẽ mãi mãi trường tồn, không chỉ bừng sáng trong lòng mỗi người dân nước Việt mà còn của bạn bè khắp năm châu.

Trên cơ sở khảo sát thực trạng hiểu biết về hát Xoan trong các trường học phổ thông trên địa bàn xã Hy Cương, huyện Lâm Thao cũng như nhu cầu của giáo viên, học sinh về lưu giữ, phát huy những giá trị của hát Xoan, căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch chương trình giáo dục tổng thể và giá trị to lớn của hát Xoan trong đời sống của người dân xã Hy Cương, huyện Lâm Thao việc đề xuất “hoạt động điền dã tìm hiểu về hát Xoan trong đời sống và thực hiện chương trình phát thanh tuyên truyền hát Xoan trong Nhà trường” là một việc làm thiết thực, có ý nghĩa không chỉ khích lệ được học sinh tìm hiểu để hiểu những giá trị của hát Xoan mà còn giúp các em có được sân chơi bổ ích, được trao đổi, giao lưu, học hỏi, hình thành được nhiều kĩ năng sống, phẩm chất quý báu cho bản thân, từ đó các em sẽ được nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm của bản thân trong việc chia sẻ, lan tỏa giá trị của hát Xoan tới các lớp học sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hát xoan ở xã hy cương, huyện lâm thao, tỉnh phú thọ với vấn đề giáo dục ở trường phổ thông (Trang 81 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)