Đặc điểm cận lâm sàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết quả điều trị chấn thương cột sống cổ thấp bằng phẫu thuật theo đường cổ trước tại bệnh viện trung ương thái nguyên​ (Trang 71 - 73)

4.3.1. X-quang cột sống cổ

Chụp x-quang cột sống cổ thẳng nghiêng là phương pháp chẩn đoán đầu tay với bệnh nhân chấn thương cột sống cổ thấp hoặc nghi ngờ chấn thương cột sống cổ thấp có thể thực hiện được ở tất cả các cơ sở y tế với chi phí thấp. Phương pháp này cho phép đánh giá toàn cảnh cột sống cổ, các tổn thương về xương, đường cong sinh lý cột sống cổ. Hầu hết các tác giả trong và ngoài nước nhận thấy 70 – 80% chấn thương cột sống cổ thấp được chẩn đoán bằng phim cột sống cổ thẳng nghiêng và nếu phối hợp ở các tư thế cúi, ngửa, chếch 3/4 phải và trái với sự hợp tác tốt của bệnh nhân thì có thể chẩn đoán lên tới 90% những trường hợp tổn thương cấu trúc xương các đốt sống cổ. Trong nghiên cứu của chúng tôi phát hiện 52,8% bệnh nhân chấn thương cột sống cổ trên x-quang.

Trong nghiên cứu của chúng tôi tỉ lệ phát hiện tổn thương trên x-quang tương đương so với các nghiên cứu khác.

Theo Vũ Văn Cường (2014) tỉ lệ phát hiện tổn thương trên phim chụp x- quang thường qui là 68% [1].

Theo Văn Hữu Khánh (2015) tỉ lệ phát hiện tổn thương là 61% [16]. Theo Nguyễn Thế Hào (2013) chụp XQ phát hiện được 74,4% bệnh nhân phát hiện được tổn thương cột sống cổ mà có chấn thương sọ não nặng kèm theo [12]. Theo Hà Kim Trung (2010) chụp XQ phát hiện được 81,2 % tổn thương [28].

Tổn thương chủ yếu trên x-quang là trật đốt sống chiếm 27,8% đây là tổn thương mất vững của cột sống cổ, nhưng lại ít gây tổn thương tủy cho bệnh nhân, những bệnh nhân này chủ yếu thuộc phân loại Frankel D và E nên sau phẫu thuật tỉ lệ hồi phục rất tốt. Tiếp đến là vỡ thân đốt sống chiếm tỷ lệ 16,7%. Trong báo cáo về điều trị gãy trật cột sống cổ lối trước của Trịnh Đình lợi thì chấn thương trật cột sống cổ có tỷ lệ khá cao là 51,3% trong đó trật đơn thuần là 14,6% và C5-C6 là vị trí dễ bị trật nhất do cơ chế giãn gập và ép gập là hai cơ chế chính gây ra chấn thương cột sống cổ thấp [17].

4.3.2. Chụp cắt lớp vi tính

Theo Nicholas (2009) và cộng sự thì chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ có độ nhạy 100% các trường hợp có tổn thương đốt sống nếu chụp đúng qui trình và đúng chuyên khoa. Chụp CLVT khảo sát xương rất tốt, cho thấy gãy xương các chi tiết nhỏ không di lệch, các nơi gãy có thể bị chồng lấp trên x- quang (ví dụ gãy C7 bệnh nhân có cổ ngắn, gãy mỏm ngang, gãy khối bên, hoặc bản sống...) thấy rõ mức độ rộng và chiều dài của thương tổn, các mảnh rời của thân sống có chèn ép tủy hay không. Trong nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy nhóm bệnh nhân có tổn thương là trật đơn thuần và vỡ thân đốt sống chiếm tỉ lệ cao nhất là 58,4%. Nhóm bệnh nhân không có tổn thương trên CTscanner thuộc nhóm có tổn thương tủy cổ. Theo Vũ Văn Cường các thương tổn thường gặp là trật đốt sống đơn thuần chiếm 40%, vỡ thân đốt sống chiếm 28% tổng số bệnh nhân [1]. Theo tác giải Văn Hữu Khánh (2015) có 77,8% trường hợp có mảnh vỡ thân sống chèn ép vào tủy sống [16]. Ngày nay bên cạnh việc chẩn đoán thì chụp cắt lớp vi tính còn được ứng dụng trong

phẫu thuật để làm đường dẫn cho các phẫu thuật viên xác định chính xác vị trí bắt vít, chiều dài của vít trong phẫu thuật, tuy nhiên trong nghiên cứu này của chúng tôi chưa đề cập đến.

4.3.3. Chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ hạt nhân mang lại rất nhiều thông tin cho các bác sĩ lâm sàng giúp ích nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị cũng như tiên lượng mức độ hồi phục của bệnh nhân. Cộng hưởng từ hạt nhân cho ta biết các mặt phẳng trong các lát cắt và với các chuỗi xung khác nhau cho ta các cấu trúc giải phẫu cũng như các tổn thương của tủy sống. Bên cạnh đó cộng hưởng từ còn cho phép đánh giá các cấu trúc mềm xung quanh, hệ thống dây chằng, đĩa đệm các tổn thương tụ máu trong, ngoài màng tủy... chính vì vậy cộng hưởng từ hơn hẳn những phương pháp thăm dò cận lâm sàng khác. Trong nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy rằng hình thái tổn thương trên phim chụp cộng hưởng tử cột sống cổ chủ yếu là hình thái thoát vị đĩa đệm chiếm tỉ lệ 91,7%. Hình thái thoát vị đĩa đệm gặp trong những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng (Frankel A-B) chiếm 27,3%. Việc ứng dụng MRI trong chụp cột sống cổ giúp chúng tôi chỉ định phẫu thuật chặt chẽ hơn so với việc chỉ dựa vào mức độ mất vững trên x-quang và chèn ép tủy trên phim chụp cắt lớp vi tính.

Như vậy dựa vào kết quả x-quang, cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ kết hợp với việc thăm khám lâm sàng tỉ mỉ chúng tôi đưa ra chẩn đoán xác định, chỉ định phẫu thuật dựa theo thuyết 3 trục của Dennis và bảng phân loại mức độ chấn thương cột sống cổ thấp (SLIC).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết quả điều trị chấn thương cột sống cổ thấp bằng phẫu thuật theo đường cổ trước tại bệnh viện trung ương thái nguyên​ (Trang 71 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)