Chương 3 ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, NHÂN SINH, KINH TẾ, XÃ HỘI
3.3 Đặc điểm thảm thực vật rừng
3.3.1 Các kiểu thảm thực vật rừng đặc trưng
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy quần xã thực vật nguyên sinh điển hình có ở Khu BTTN Pù Luông điển hình là kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới. Các kiểu rừng nguyên sinh chính được quan sát thấy là:
- Rừng nguyên sinh rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới cây lá rộng đất thấp trên đá vôi, có diện tích khoảng 4.800 ha. Kiểu rừng này phân bố đến độ cao khoảng 700 m; phân bố ở các tiểu khu 73 xã Thành Sơn; tiểu khu 74, 250, 251, 252, 254, 255, 259, 261 xã Lũng Cao và 1 phần thuộc tiểu khu 262 thuộc xã Cổ Lũng được chia làm 6 tầng chính. Các loài cây ưu thế của tầng 1 gồm các loài cây Nghiến (Burretiodendro hsienmu); Các loài cây thuộc chi Ficus, Cui lá to (Heritiera macrophylla), Chò nhai (Anogeissus acuminata), Nhãn rừng (Dimocarpus longan), Thị núi (Diospiros bangoiensis).Các loài cây tái sinh là Ôrô (Streblus ilicifolia), Nghiến (Burretiodendro hsienmu); Thầu dầu
(Acer tongkinensis), Chò nhai (Anogeissus acuminata); tại những nơi ẩm ướt và được che bóng thì có các loài cây phổ biến khác như Kim giao (Nageia wallichiana), Bằng lăng (Lagerstromia balance).
- Rừng nguyên sinh rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới cây lá rộng đất thấp trên đá phiến, có diện tích khoảng 650 ha. Kiểu rừng này còn một diện tích nhỏ còn sót lại phân bố ở độ cao 60-100m, phân bố ở tiểu khu 262, 265, ở chân dãy núi đá vôi nằm ở phía Đông thôn Khuyn, xã Cổ Lũng. Đây là nơi duy nhất trong Khu BTTN có kiểu rừng này. Kiểu rừng này cũng được chia làm 6 tầng chính. Các loài cây ưu thế của tầng 1 gồm Gội (Agaila sp) và Phay
(Duabaga grandifora);các loài cây tái sinh chủ yếu là Chò nhai (Anogeissus acuminata), Dẻ gai Ấn Độ (Castanopsis indica), Mát (Millettia ichtyochotona).
- Rừng nguyên sinh rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới cây lá rộng núi thấp trên đá vôi ở độ cao 700-950m, có diện tích khoảng 4.900 ha. Kiểu rừng này rất phổ biến trong Khu BTTN phân bố ở các tiểu khu 256, 257, 260 xã Lũng Cao; tiểu khu 262, 265, 268 xã Cổ Lũng, tiểu khu 27, 30, 52 xã Phú Lệ. Chúng mọc trên những phần cao của sườn những dãy núi đá vôi và ít bị tác động. Thành phần loài và cấu trúc điển hình nhất của kiểu rừng này được thấy trên những sườn dốc và trên những đường đỉnh có độ cao trung bình nằm giữa các đỉnh và chóp núi cao hơn. Kiểu rừng này cũng được phân chia làm 6 tầng chính: Tầng 1 của kiểu rừng này cao tới 40 m, các loài ưu thế của tầng này là: Nghiến
(Burretiodendro hsienmu), Thông lớn (Dacrycarpus imbricatus), Cui lá to
(Heritiera macrophylla), các loài Dẻ (Quercus sp). Các loài cây tái sinh chủ yếu là Chân chim (Schefflera sp), Thông tre (Podocapus neriifolius), các loài cây Gội (Aglaia sp), các loài De (Cinamomum sp), Duối (Streblus macrophylus).
- Rừng nguyên sinh rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới cây lá kim núi thấp trên đá vôi (ở độ cao 700-850m); có diện tích khoảng 1.000 ha. Phân bố chủ yếu ở tiểu khu 270 và một phần của tiểu khu 265 thuộc xã Cổ Lũng. Kiểu rừng này là dạng rừng nguyên sinh rất hiếm còn sót lại tại rất ít các đỉnh núi đá vôi thuộc khu vực xã Cổ Lũng. Kiểu rừng này được chia làm 5 tầng chính.
Tầng 1 của kiểu rừng này chủ yếu là Thông Pà Cò (Pinus kwantungensis), đôi khi có một số loài cây lá rộng đi kèm là Sơn trà (Eriobotrya bengalensis), Chẹo (Platycarya strobilifera). Các loài cây tái sinh chủ yếu là Đại cúc phương (Pistachia cucphuongensis), Thông đỏ (Taxus chinensis), Mailai
(Sinosideroxilon wightianum).
- Rừng nguyên sinh rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới cây lá rộng núi thấp trên đá bazan (ở độ cao 1000-1650m), có diện tích khoảng 4.500 ha. Kiểu rừng này được che phủ bởi các quần xã rừng nguyên sinh và thứ sinh. Phân bố ở các tiểu khu 269, 271 thuộc xã Thành Lâm, tiểu khu 75, 258, 264 thuộc xã Thành Sơn; tiểu khu 41 thuộc xã Phú Lệ; tiểu khu 65,84 thuộc xã Phú Xuân; tiểu khu 115,136, 145 thuộc xã Hồi Xuân; tiểu khu 156,158; tiểu khu 96 thuộc xã Thanh Xuân. Kiểu rừng này có sương mù, tạo ra những khu vực có độ ẩm cao và luôn ẩm ướt, thậm chí trong cả mùa khô, điều này cho phép hình thành một thảm thực vật ẩm ướt khác biệt với các kiểu rừng mọc trên núi đá vôi. Kiểu rừng này cũng được chia làm 6 tầng chính. Các loài cây ưu thế của tầng 1 gồm nhiều loài cây của họ Dẻ như: Dẻ giáp (Castannopsis armata), Dẻ xanh (Lithocarpus pseudosundaicus); các loài của họ Mộc lan như Dổi lá láng (Michelia foveolata). Ngoài ra còn một số loài Hạt trần quý hiếm như Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), Dẻ tùng Vân Nam (Amentotaxus yunnamnensis), Dẻ tùng sọc trắng (Amentotaxus argotaenia), Kim giao (Nageia wallichiana); ngoài ra còn các loài ưu thế của các loài cây lá rộng như: Các loài gội (Aglaia sp), các loài De (Cinamomum sp). Các loài cây tái sinh chủ yếu là Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), Kim giao núi đất (Nageia wallichiana), Các loài gội (Aglaia sp), các loài De (Cinamomum sp), Luống xương (Anneslea fragrans).
Một vài loại rừng phát triển không phân tầng có cấu trúc và thành phần loài đặc biệt, chúng giàu về thành phần các loài cây hiếm và đặc hữu, có diện
tích khoảng 800 ha. Các loại thảm thực vật không phân tầng được thấy ở đây là:
- Rừng nguyên sinh rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới cây lá rộng núi thấp cây lùn dạng bụi trên những đỉnh núi đá vôi riêng lẻ.
- Quần xã thực vật mọc trên các vách đá dựng đứng.
- Rừng nguyên sinh rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới cây lá rộng núi thấp cây lùn dạng bụi trên những đỉnh núi đá bazan riêng lẻ.
Tất cả các loại thảm thực vật trên hầu như vẫn còn giữ được những đặc tính của thảm thực vật nguyên sinh với tập hợp các loài điển hình và nơi sống. Hiện tại các kiểu này rất hiếm ở Việt Nam và rất quan trọng cho mục đích bảo tồn hệ sinh thái nguyên sinh điển hình của khu vực Đông Dương.