Hiện trạng một số loài động vật quý hiếm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm khu hệ động vật tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam xuân lạc và đề xuất các giải pháp bảo tồn​ (Trang 53)

Các thông tin khảo sát được trong đợt điều tra này còn nhiều hạn chế trong việc xác định các loài động vật quan trọng của KBTLVSC Nam Xuân Lạc. Từ các nguồn thông tin điều tra: quan sát, dấu vết được ghi nhận, mẫu vật lưu giữ trong các hộ gia đình, thông tin phỏng vấn và kế thừa các tài liệu, một số loài động vật quan trọng trong KBT Nam Xuân Lạc được xác định hiện trạng như sau:

Voọc mũi hếch Rhinopithecus avunculus

Theo thông tin phỏng vấn 7 - 10 năm về trước loài này có rất nhiều trong KBTNXL. Có thợ săn từng bắn được vài chục cá thể. Tuy nhiên sau đó quần thể loài này giảm sút rất nhanh. Thông tin gần đây nhất về sự hiện diện của loài này là vào năm 2009, cán bộ tuần rừng có gặp 1 đàn khoảng 20 con tại khu vực Lũng Luồng. Chúng tôi khẳng định thông tin này là hoàn toàn tin cậy. Theo người dân địa phương thì Vọoc mũi hếch rất khó bắn, khi di chuyển rung cây ào ào. Một thông tin quan trọng là những năm gần đây không có thông tin về các các thể Voọc mũi hếch bị bắn. Do vậy, có khả năng đàn này còn ở đâu đó trong KBT Nam Xuân Lạc hoặc di chuyển sang Na Hang vì bên Nam Xuân Lạc bị tác động do có khai thác quặng, nổ mìn nhiều, và áp lực săn bắn lớn. Giả thuyết đàn này di chuyển qua lại giữa KBT Nam Xuân Lạc và Khu bảo tồn Na Hang là hoàn toàn có cơ sở vì gianh giới giữa hai Khu bảo tồn là một dông núi bao phủ bởi rừng già.

Voọc đen má trắng Trachypithecus francoisi

Loài Voọc đen má trắng rất dễ nhận biết qua đặc điểm hình thái. Một số người dân đã nhìn thấy loài này trên Tivi, do vậy thông tin cung cấp về loài này là rất tin cậy. Đa số các thợ săn đều không ghi nhận sự tồn tại của loài này trong KBT Nam Xuân Lạc. Tuy nhiên, anh Già Văn Vụ, thôn Nà Dạ cho biết năm 2001 có bắt gặp 01 đàn 5 cá thể của loài này ở Lũng Chuối (gần Lũng Lì). Đàn này được bắt gặp khi đang ăn quả dâu da và nhảy từ cây này sang cây khác rất nhanh. Đây là thông tin duy nhất đề cập đến sự xuất hiện của loài này trong KBT Nam Xuân Lạc. Tuy nhiên những năm gần đây, người dân trong khu vực đều không bắt gặp loài này trong khu vực nên rất có thể loài này đã biến mất khá lâu khỏi KBT. Ngoài ra, KBT Nam Xuân Lạc thiếu các vách đá hiểm trở - một nơi ngủ ưa thích của Voọc đen má trắng. Do vậy,

theo nhận định của tôi khả năng loài này hiện nay có mặt ở KBT Nam Xuân Lạc là rất thấp.

Gấu ngựa Ursus thibetanus

Dấu hiệu để lại trên thân cây là các vết cào và leo cây đã mờ với các vết vuốt lớn cắm sâu vào thân cây cho thấy cá thể Gấu có ở KBT Nam Xuân Lạc có kích thước khá lớn. Theo các tài liệu nghiên cứu trước đây về thành lập KBT và các thông tin của Ban quản lý KBT thì Nam Xuân Lạc là nơi đã ghi nhận sự

có mặt của loài Gấu ngựa. Tuy nhiên, số lượng loài còn rất ít. Đa phần người dân phát hiện ra Gấu qua dấu vết để lại trên thân cây và qua chỗ Gấu ăn lá cây. Một số thợ săn được phỏng vấn cho biết hiện chỉ còn vài cá thể và chúng di chuyển trong phạm vi rộng nên rất hiếm gặp và chúng có thể xuất hiện ở nhiều nơi trong Khu bảo tồn.

Lợn rừngSus scrofa

Lợn rừng được bắt gặp thông qua vết ủi đất trên nhiều sinh cảnh khác nhau trong KBT như rừng thường xanh, rừng thưa, nương rẫy... Nhóm điều tra ghi nhận nhiều dấu vết đào bới kiếm ăn của Lợn rừng ở khu vực

sườn núi Tam sao, phía gần Nặm Phiêng. Xương hàm dưới lợn rừng cũng được nhìn thấy tại nhà một người dân ở thôn Nà Dạ. Như vậy Lợn rừng chắc chắn có mặt tại KBTNXL với quần thể tương đối lớn.

Mèo rừng Prionailurus bengalensis

Theo thông tin phỏng vấn thì mèo rừng còn số lượng khá lớn trong và ngoài khu Bảo tồn. Tại nhà thợ săn Nông Văn Phong, chúng tôi có ghi nhận được mẫu vật được thuộc da cách đây hai năm.

HoẵngMuntiacus muntjak

Số lượng loài hiện có trong KBT có khá lớn. Trong quá trình điều tra trên tuyến, chúng tôi không bắt khá nhiều mẫu vật về sừng của loài được người dân có lưu trữ trong các hộ gia đình.

Hình 4.10: Sừng Hoẵng tại hộ gia đình ông Hoàng Nguyên Phúc thôn Nà Dạ

Theo thông tin phỏng vấn, loài Hoẵng được bắt gặp nhiều trong khu vực núi đất của KBT như Nặm Phiêng, chân và sườn núi Tam Sao, Phia Hai, Loòng Đăm, v.v. Nhóm điều tra ghi nhận nhiều dấu chân của Hoẵng ở khu vực sườn núi Tam sao, phía gần Nặm Phiêng (hình 4.11). Như vậy Hoẵng còn nhiều trong KBTNXL, tuy nhiên loài này đã và đang bị săn bắn mạnh.

Các loài trong họ Cầy (Viverridae) Các loài trong họ Cầy thường có kích thước cơ thể mức trung bình, Các loài Cầy thường phân bố ở các dạng sinh cảnh rừng thứ sinh. Một số loài Cầy phân bố ở các dạng sinh cảnh gần khu dân cư. Cầy là loại động vật ăn tạp. Có 4 loài Cầy có giá trị bảo tồn cao tại KBT Nam Xuân Lạc là Cầy hương, Cầy gấm, Cầy vằn

bắc, Cầy giông. Trong đó theo thông tin ghi nhận được qua phỏng vấn người dân và thợ săn thì Cây giông là loài có số lượng nhiều nhất. Người dân vẫn thường xuyên bắt gặp tại các khi đi rừng. Cầy giông thường phân bố tại các sinh cảnh ven bản làng, nương rẫy. Trong quá trình điều tra thực địa, đề tài đã phát hiện được dấu chân của Cầy giông tại khu vực xung quanh khu vực Nậm Piêng, có

Hình 4.12: Dấu vết chân và quả bị cầy ăn ở Nậm Piêng

Hình 4.11: Dấu chân hoẵng phát hiện ở sườn núi Tam Sao

tọa độ 578023/2468929. Cũng theo thông tin phỏng vấn thì Cầy hương và Cầy gấm và Cầy vắn bắc trước đây thường thấy xuất hiện tại các khu vực như Nâm Piêng, Đầu Cáp. Tuy nhiên do bị săn bắt mạnh nên hiện tại số còn rất ít tại KBT. Các loài Cầy thường dễ bị săn bắt, vì chúng rất dễ bị phát hiện trong đêm. Đặc biệt loài Cầy vằn bắc khi bị soi đèn trong đêm chúng thường không bỏ chạy nên rất dễ bị bắn.

Nhóm sóc bay Petaurista sp.

Theo người dân địa phương, trong KBT Nam Xuân Lạc có 2 loài thú có đuôi dài, có khả năng lượn từ cây cao xuống. Căn cứ vào đặc điểm có đuôi dài, chúng tôi kết luận 2 loài này thuộc nhóm Sóc bay chứ không phải Cầy bay. Trong 2 loài này có một loài có kích thước lớn, nặng từ 2-3kg. Loài còn lại có kích thước nhỏ hơn, cỡ 1kg và dài thân khoảng 15-20 cm. Trong số các loài Sóc bay có kích thước lớn ở Việt Nam thì chỉ có loài Sóc bay trâu hay còn gọi là Sóc bay lớn (Petaurista Petaurista) có vùng phân bố bao phủ khu vực KBT Nam Xuân Lạc. Vì vậy loài Sóc bay có kích thước lớn ở KBT Nam Xuân Lạc là loài Sóc bay trâu. Trong các loài Sóc bay có kích thước nhỏ đến trung bình thì chỉ có loài Sóc bay lông chân hay còn gọi là Sóc bay lông tai (Belomys pearsoni) là có vùng phân bố bao trùm khu vực KBT Nam Xuân Lạc, do vậy chúng tôi kết luận đó là loài Sóc bay lông chân. Hai loài này số lượng còn nhiều và phân bố trong các khu vực có rừng gỗ lớn của Khu bảo tồn.

Cu li lớnNycticebus coucang (Bonhote, 1907)

Cu li lớn thường sống ở các sinh cảnh xa người dân, sâu trong các rừng ít bị tác động. Do vậy, có rất ít người dân bắt gặp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khẳng định loài này hiện đang còn sinh sống trong KBT ở khu vực đỉnh Nam Xuân Lạc.

Khỉ vàng Macaca mulatta (Zimmermann, 1780)

Theo một số thợ săn trong khu vực cho thấy, hiện có 1 đàn khỉ vàng còn ở khu rừng Lũng Lì, nhưng rất ít khi gặp. Theo thông tin từ cá cán bộ kiểm lâm của KBT thì số lượng của loài này còn lại trong khu vực còn rất ít và khó bắt gặp.

Gà lôi trắng Lophura nycthemera

Loài Gà lôi trắng còn nhiều trong KBT Nam Xuân Lạc. Loài này phân bố ở nhiều nơi trong Khu bảo tồn như Tam Sao, Đầu Cáp, Suối Cạn, Nă ̣m Phiêng, Nă ̣m Bó, Lũng Phàng, Lũng Lì, Lũng Cháy .v.v…Theo lời kể của anh Già Văn Vụ ở thôn Nà Dạ cho biết gia đình anh trước đây còn lưu giữ lông đuôi nhưng giờ không còn nữa. Trong thôn thỉnh thoảng vẫn có người bắt được loài này.

Gà tiền mă ̣t vàngPolyplectron bicalcaratum

Gà tiền mặt vàng rất dễ phát hiện qua tiếng kêu đặc trưng “kong cói” và lông đuôi, lông cánh rụng lại (lông màu nâu với nhiều chấm trắng nhỏ và có 2 hình đồng tiền màu xanh lam ở gần mút lông). Các thông tin mô tả của người dân địa phương được đối chiếu với hình ảnh hình thái của loài đã khẳng định sự có mặt của Gà tiền mặt vàng trong khu vực nghiên cứu. Gà tiền mặt vàng phân bố ở tất cả các khu vực có rừng trong Khu bảo tồn. Loài này chủ yếu được phát hiện qua tiếng kêu. Theo các thợ săn, loài này tối ngủ ở vị trí rất thấp nên đi rừng ban đêm còn bắt được. Đoàn nghiên cứu đã ghi nhận được tiếng kêu của loài này vào ngày 16/10/2013 tại khu vực có độ cao 900m gần đỉnh Tam Sao.

Họ rắn hổ (Elapidae)

Trong họ rắn hổ, nhóm điều tra phỏng vấn sự có mặt của 4 loài rắn dễ nhận biết và quen thuộc với người dân địa phương, đó là Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus), Rắn cạp nia bắc (Bungarus multicinctus), Rắn hổ mang

(Naja atra) và Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannan). Theo người dân các loài này hiện đều có thể được bắt gặp trong KBT Nam Xuân Lạc.

Các loài trong Bộ Rùa (Testudianata) Trong quá trình đi phỏng vấn, 02 loài rùa đã được ghi nhận thông qua mẫu vật đang được nuôi nhốt ở một hộ gia đình ở bản Eng là loài Rùa sa nhân và Rùa bốn mắt. Cả hai loài rùa này đều được bắt ở khu vực Lũng Lì. Các loài còn lại người dân đều được nhận biết qua ảnh rất chính xác. Theo cán bộ KBT và người dân địa phương thì trước đây các loài Rùa có

rất nhiều tại KBT, nhưng do mấy năm gần đây, các lái buôn thu mua nhiều. Chính điều này đã dẫn đến sự giảm mạnh quần thể của các loài Rùa tại KBT Nam Xuân Lạc.

4.3. Các mối đe dọa đến khu hệ động vật tại KBTLVSC Nam Xuân Lạc

Kết quả điều tra động vật tại KBTLVSC Nam Xuân Lạc cho thấy, khu vực có sự đa dạng và phong phú cả về khu hệ thú, chim, bò sát và ếch nhái. Trong đó có rất nhiều loài quý hiếm cần phải bảo vệ. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, số lượng các loài bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài đã không còn xuất hiện trong Khu bảo tồn, nhiều loài hiếm gặp và rất hiếm gặp. Có những loài thậm chí chỉ còn một vài cá thể như Gấu ngựa và Sơn dương. Hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm số lượng động vật trong KBT Nam Xuân Lạc được xác định đó là săn bắt trái phép và phá hủy sinh cảnh.

Hình 4.13: Rùa bốn mắt ghi nhận trong hộ gia đình ở bản Eng

4.3.1. Săn bắt trái phép

Hiện tượng săn bắn động vật hoang dã trong Khu bảo tồn hiện diễn ra rất mạnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng về tính đa dạng sinh học động vật trong khu vực. Trong quá trình điều tra thực địa, đoàn điều tra vẫn nghe thấy tiếng súng săn và bắt gặp người dân vào rừng săn bắn. Đối tượng chính tham gia săn bắn là các thợ săn ở các bản người Mông ven Khu bảo tồn và ở thôn Nà Dạ. Đây là hai khu vực có điều kiện kinh tế kém phát triển nhất trong các làng bản tiếp giáp với Khu bảo tồn. Ngoài ra còn có thợ săn từ khu vực Na Hang sang săn bắn. Không những vậy, người dân trong quá trình vào rừng thu hái lâm sản phụ cũng thu bắt động vật hoang dã nếu bắt gặp.

Chính việc săn bắt thường xuyên của thợ săn và người dân địa phương đã làm cho số lượng động vật hoang dã suy giảm nhanh chóng, các loài thú có xu hướng di chuyển đến các vùng núi cao hơn, xa khu dân cư hơn. Thậm chí nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ như: Sơn dương, Voọc đen má trắng...

4.3.2. Phá hủy sinh cảnh

Các hoạt động làm phá hủy sinh cảnh trong khu vực như khai thác gỗ, củi, lâm đặc sản trái phép, canh tác nương rẫy, canh tác hoa màu, cây nông nghiệp đang làm mất đi sinh cảnh sống của nhiều loài động vật.

4.3.2.1. Khai thác gỗ

Người dân ở xung quanh KBT chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống kinh tế còn rất khó khăn, chính điều này đã buộc người dân phải vào rừng để khai thác gỗ. Kết quả điều tra trên tuyến, chúng tôi ghi nhận nhiều tụ điểm khai thác gỗ của người dân, nhiều tụ điểm tập kết gỗ trong vùng lõi của KBT đã làm ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học của khu vực. Hoạt động khai thác gỗ

diễn ra quanh năm, tuy nhiên diễn ra mạnh vào mùa khô và chủ yếu do nam giới tiến hành. Các lán trại khai thác được dựng lên dọc theo các con suối chính. Nhu cầu gỗ cho mục đích thương mại rất lớn trong khi đời sống của người dân địa phương còn nghèo, một bộ phận lớn thanh niên thiếu việc làm vào các tháng nông nhàn và lợi ích kinh tế từ việc khai thác gỗ cao hơn hẳn so với làm các công việc khác. Mặc dù lực lượng kiểm lâm đã tăng cường các biện pháp quản lý nhưng do lực lượng còn mỏng cùng với địa hình phức tạp nên hiện tượng khai thác gỗ vẫn liên tục diễn ra với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Hình 4.14: Các điểm khai thác gỗ bắt gặp ở Lũng Lì

(Tọa độ: E105030’25/N22018’66 và E105030’16/N22017’48)

4.3.2.2. Phá rừng làm nương rẫy

Trong KBT chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác còn nhiều lạc hậu, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào rừng nên việc phá rừng làm nương rẫy là điều không thể tránh khỏi. Diện tích rừng thu hẹp ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của khu hệ động vật trong KBT. Đợt khảo sát này, chúng tôi có ghi nhận được nhiều nương rẫy của người dân đã bỏ hoang nhiều năm ở bìa rừng tiếp tục mở rộng và nhiều nương rẫy được phát đốt để canh tác gần

vùng bảo vệ nghiêm ngặt của KBT (hình 4.15 và hình 4.16). Ngoài ra, người dân đi làm nương có thể bẫy bắt động vật và là một trong những nguyên nhân làm suy giảm động vật trong KBT.

Hình 4.15: Nương rẫy bỏ hóa được tái sản xuất

Hình 4.16: Lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy

4.3.2.3. Cháy rừng

Theo thông tin phỏng vấn Cán bộ Kiểm lâm và người dân địa phương cho thấy, KBT Nam Xuân Lạc vẫn thường xuyên xảy ra cháy rừng. Mùa cháy rừng diễn ra vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Nguyên nhân là do người dân đem lửa vào rừng đốt nương làm rẫy, bắt Ong và thú rừng. Cháy rừng đôi khi do một số nguyên nhân từ vùng trồng trọt ven rừng.

4.3.2.4. Chăn thả gia súc

Tập quán chăn nuôi gia súc của người dân ở đây là thả rông. Mỗi đàn gia súc hoặc mỗi con được đeo một cái mõ để thuận lợi cho việc tìm chúng ở trong rừng. Chính phương thức chăn thả như vậy đã làm nhiễu loạn môi trường sống, dễ lây lan dịch bệnh của gia súc tới động vật hoang dã đặc biệt là nhóm thú. Ngoài ra, chăn thả gia súc còn gây phá hủy thảm thực vật và cây tái sinh ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài động vật, đặc biệt là các loài chim, bò sát, lưỡng cư và các loài thú nhỏ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm khu hệ động vật tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam xuân lạc và đề xuất các giải pháp bảo tồn​ (Trang 53)