Khu hệ bò sát và lưỡng cư

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm khu hệ động vật tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam xuân lạc và đề xuất các giải pháp bảo tồn​ (Trang 48 - 49)

Kết quả điều tra đã ghi nhận 26 loài bò sát thuộc 11 họ, 2 bộ và 14 loài ếch nhái thuộc 5 họ, 1 bộ có mặt tại KBTLVSC Nam Xuân Lạc. Trong đó, có 10 loài được ghi nhận qua nguồn thông tin quan sát, 5 loài được ghi nhận qua thông tin mẫu vật đang được lưu giữ trong các hộ gia đình (xem chi tiết trong phục lục 05).

Do ảnh hưởng của điều kiện nhiệt độ môi trường xuống thấp trong đợt điều tra nên số lượng các loài bò sát và ếch nhái quan sát được ngoài thực địa không lớn (10 loài chiếm 25% tổng số loài bò sát và ếch nhái được ghi nhận). Năm loài ghi nhận qua nguồn thông tin mẫu vật là các loài đang được người dân địa phương sử dụng ngâm rượu như Tắc kè (Gekko gecko), Rắn Hổ mang (Naja

atra), Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus). Loài rùa Sa nhân được tìm thấy trong một hộ dân sống ở bản Eng, cá thể này được bắt vào tháng 6 năm 2013. Hiện nay số lượng các loài bò sát và ếch nhái tại KBT Nam Xuân Lạc còn khá lớn, đặc biệt là các loài ếch nhái. Trong tổng số 40 loài bò sát và ếch nhái ghi nhận được, có đến 28 loài có kích thước quần thể lớn và dễ bắt gặp.

Hình 4.5: Rùa sa nhân được tìm thấy trong một hộ gia đình ở bản Eng

Số lượng các loài bò sát và ếch nhái được đánh giá hiếm gặp chủ yếu là các loài rùa, ba ba và các loài thuộc họ Rắn hổ (Elapidae). Đây là các loài có giá trị kinh tế lớn và thường xuyên bị săn bắt nên tình trạng của chúng càng trở nên hiếm gặp hoặc rất hiếm gặp.

Trong tổng số 2 bộ bò sát ghi nhận được, bộ Có vẩy (Squamata) có số lượng họ và loài nhiều nhất với 8 họ và 19 loài. Trong đó, họ Rắn nước (Colubridae) có nhiều loài nhất với 7 loài. Ở lớp Ếch nhái, họ Ếch nhái chính thức (Dicroglossidae) là họ có nhiều loài nhất với 5 loài, tuy nhiên quần thể các loài ếch nhái có trong khu vực rất lớn và dễ dàng bắt gặp trong quá trình điều tra trên các tuyến và ngay trong khu vực đồng ruộng và khu dân cư. Sự phát triển mạnh mẽ của các loài ếch nhái đã kích thích đến sự phát triển quần thể các loài rắn nước tại khu vực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm khu hệ động vật tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam xuân lạc và đề xuất các giải pháp bảo tồn​ (Trang 48 - 49)