Số liệu được thu thập qua bảng phỏng vấn được xử lý và phân tích định lượng bằng phần mềm Excel.
Kết quả xử lý được thể thể hiện theo dạng phân tích, mô tả, bảng, biểu đồ, ngoài ra các kết quả thảo luận, các thông tin định tính được phân tích theo phương pháp định tính.
Chương 3
KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN CƠ BẢN KHU VỰC NGHIÊN CỨU 3.1. Điều kiện tự nhiên khu vực Tây Nguyên
3.1.1. Vị trí địa lý
Tây Nguyên là vùng cao nguyên, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, phía tây giáp với các tỉnh Attapeu (Lào) và Ratanakiri và Mondulkiri (Campuchia). Trong khi Kon Tum có biên giới phía tây giáp với cả Lào và Campuchia, thì Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông chỉ có chung đường biên giới với Campuchia. Còn Lâm Đồng không có đường biên giới quốc tế.
Ở vào vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có hệ thống đường giao thông liên hoàn nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ; có các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông - Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội, vì vậy, Tây Nguyên vừa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, vừa có điều kiện để phát triển một nền kinh tế mở.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số đến cuối năm 20013 là hơn 5.338.434 người, là một trong bảy vùng kinh tế - sinh thái của nước ta hiện nay. Toàn vùng có 61 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 thành phố (Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Kon Tum, Bảo Lộc), 4 thị xã (An Khê, Ayun Pa, Buôn Hồ, Gia Nghĩa) và 52 huyện; 722 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 77 phường, 47 thị trấn và 598 xã; 7.334 thôn buôn, tổ dân phố, trong đó có 2.764 thôn, buôn, bon, làng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống.
Với đặc điểm vị trí địa lý trên Tây Nguyên có lợi thế trong việc phát triển các mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội với các vùng khác trong cả nước.
3.1.2. Địa hình, địa mạo
Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà là một loạt cao nguyên liền kề. Đó là các cao nguyên Kon Tum cao khoảng 500m, cao nguyên Kon Plông, cao nguyên Kon Hà Nừng, Plâyku cao khoảng 800m, cao nguyên Mdrak cao khoảng 500m, Đắk Lắk cao khoảng 800m, Mơ Nông cao khoảng 800-1000m, Lâm Viên cao khoảng 1500m và Di Linh cao khoảng 900-1000m. Tất cả các cao nguyên này đều được bao bọc về phía Đông bởi những dãy núi và khối núi cao (chính là Trường Sơn Nam). Địa hình chia cắt phức tạp có tính phân bậc rõ ràng, bao gồm:
+ Địa hình cao nguyên là địa hình đặc trưng nhất của vùng, tạo lên bề mặt của vùng. Dạng địa hình này thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp với qui mô lớn.
+ Địa hình vùng núi.
+ Địa hình thung lũng chiếm diện tích không lớn; chủ yếu phát triển cây lương thực, thực phẩm và nuôi cá nước ngọt.
Tây Nguyên có thể chia thành ba tiểu vùng địa hình đồng thời là ba tiểu vùng khí hậu, gồm Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai), Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông), Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng). Trung Tây Nguyên có độ cao thấp hơn và nền nhiệt độ cao hơn hai tiểu vùng phía Bắc và Nam.
3.1.3. Khí hậu
Khí hậu Tây Nguyên gồm nhiều tiểu vùng, nhưng phổ biến là khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên và chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, khí hậu khô và lạnh, độ ẩm thấp, thường có gió cao nguyên từ cấp 4 đến cấp 6. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, khí
hậu ẩm và dịu mát, rất thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển. Do ảnh hưởng của độ cao nên trong khi ở các cao nguyên cao 400-500 m khí hậu tương đối mát và mưa nhiều, riêng cao nguyên cao trên 1000 m (như Đà Lạt) thì khí hậu lại mát mẻ quanh năm như vùng ôn đới.
Tuy vậy những năm gần đây khí hậu diễn biến bất thường, mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa giảm và thường xuyên xảy ra khô hạn.
3.1.4. Thủy văn
Tây Nguyên có một mạng lưới sông suối khá dày, nhiều ghềnh thác; là nơi khởi nguồn của 4 hệ thống sông chính gồm: hệ thống sông Pô Kô - Sê San ở Kon Tum đổ vào sông Mê Kông; hệ thống sông Ba - Ayun ở Gia Lai đổ vào sông Đà Rằng chảy ra biển Đông; hệ thống sông Sêrêpôk ở Đắk Lắk đổ vào sông Mê Kông và hệ thống sông Đồng Nai ở Đắk Nông và Lâm Đồng chảy ra biển Đông. Trữ lượng thủy năng của các hệ thống sông này chiếm trên 22% nguồn thủy năng của cả nước, có thể sản xuất từ 15-16 tỉ kWh điện mỗi năm. Hiện trên các hệ thống sông chính đã có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành và một số nhà máy đang xây dựng với tổng công suất hơn 4.500MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện của cả nước.
3.1.5. Tài nguyên đất
Đất đai được coi là tài nguyên cơ bản của vùng, thuận lợi cho phát triển nông lâm nghiệp. Diện tích đất chủ yếu là đất đỏ bazan, tầng phong hoá dày, địa hình lượn sóng nhẹ tạo thành các cao nguyên đất đỏ như cao nguyên Buôn Ma Thuột, Plâycu, Đăk Nông, Kon Tum chiếm diện tích khoảng 1.5 triệu ha, thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, điều... và rừng; Đất đỏ vàng diện tích khoảng 1,8 triệu ha, kém màu mỡ hơn đất đỏ bazan nhưng giữ ẩm tốt và tơi xốp nên thích hợp với nhiều loại cây trồng. Ngoài ra còn có đất xám phân bố trên các sườn đồi thoải phía Tây Nam và trong các thung lũng, đất phù sa ven sông, thích hợp cho trồng cây lương thực.
- Tuy nhiên diện tích đất trống đồi núi trọc chiếm tới 1,4 triệu ha và đang bị thoái hoá nghiêm trọng (đất bazan thoái hoá tới 71,7%; diện tích đất bị thoái hoá nặng chiếm tới 20%).
Nhìn chung Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng đất đai để phát triển trồng các cây công nghiệp mang lại thu nhập cao. Song hiện nay một số diện tích đất đã và đang bị mưa sói lở cùng với tập quán canh tác lạc hậu, quảng canh bóc lột đất. Do vậy cần áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các mô hình canh tác hợp lý trên đất dốc, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ để đảm bảo đất sử dụng hiệu quả, lâu dài.
3.1.6. Tài nguyên rừng
Rừng là một tài nguyên lớn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên. Với diện tích lớn (độ che phủ 54,6%), hệ động thực vật đa dạng, Tây Nguyên có điều kiện rất tốt để phát triển nghề rừng và công nghiệp rừng; đồng thời cũng là nơi giữ vai trò cân bằng sinh thái, là nguồn sinh thủy của hệ thống sông suối khu vực miền Trung và Đông Nam bộ. Những năm gần đây, để bảo tồn tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ở Tây Nguyên đã tiến hành quy hoạch quản lý rừng. Cụ thể: Toàn vùng Tây Nguyên có 56 công ty Lâm nghiê ̣p nhà nước đươ ̣c giao quản lý 998.523 ha đất lâm nghiê ̣p, trong đó diê ̣n tích rừng đang quản lý là 868.009 ha (với 776.733 ha rừng sản xuất, 44.329 ha rừng trồng, 91.276 ha rừ ng phòng hô ̣); 53 Ban quản lý rừng phòng hô ̣, đang đươ ̣c giao quản lý 951.192 ha đất lâm nghiê ̣p, trong đó đất có rừng phòng hô ̣ 432.405 ha/557.335 ha đất có rừng phòng hô ̣ của toàn vùng (chiếm 77,6%), 278.328 ha đất có rừng sản xuất (chủ yếu là đất tự nhiên); 6 Vườn quốc gia (trong đó có 2 Vườn quố c gia thuô ̣c Trung Ương), 5 khu bảo tồn và 3 trung tâm nghiên cứ u, tổng diê ̣n tích đất lâm nghiê ̣p được giao là 503.988 ha (chiếm 9,1% diện tích tự nhiên toàn vùng).
3.1.7. Tài nguyên khoáng sản
Chủng loại khoáng sản ở Tây Nguyên ít. Đáng kể nhất là quặng bôxit với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước, phân bố chủ yếu ở Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum.
Thứ hai là vàng có 21 điểm với trữ lượng khoảng 8,82 tấn phân bố ở Kon Tum, Gia Lai. Ngoài ra còn các loại đá quí, các mỏ sét gạch ngói phân bố ở Chưsê - Gia Lai và Bản Đôn - Đắc Lắc, than bùn và than nâu phân bố ở Biển Hồ, làng Bua, làng Vệ - Gia Lai, Chư Đăng - Đắc Lắc.
Các nguồn tài nguyên này vẫn đang trong quá trình thăm dò, khảo sát.
3.2. Điều kiện kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên
So với các vùng khác trong cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội của Tây Nguyên có nhiều khó khăn, như là thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, mức sống còn thấp. Tuy nhiên, Tây Nguyên có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên.
3.2.1. Khái quát thực trạng kinh tế khu vực Tây Nguyên Cơ sở hạ tầng
Trong những năm gần đây, với sự đầu tư của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông. Từ chỗ chưa có gì sau năm 1975, đến nay đã có 1.560 công trình hồ chứa... đã đáp ứng trên 60% nhu cầu tưới tiêu. Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp, đã nâng cấp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 4.000km, nhiều tuyến đường huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hoá. Trên 91% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm đi được cả hai mùa; 98% số thôn buôn có điện lưới quốc gia; 100% số xã đã có trường tiểu học, trường mẫu giáo, trạm xá, phủ sóng phát thanh truyền hình và nối mạng thông tin viễn thông.
Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cơ sở hạ tầng tại Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế; mạng lưới giao thông tỉnh lộ và quốc lộ tuy đã hình thành, nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp. Chính điều này hạn chế giao thương hàng hóa, chưa phát huy được sự liên kết phát triển giữa các vùng miền có điều kiện phát triển hơn để thu hút đầu tư.
Thương mại, du lịch, dịch vụ
Tây Nguyên cũng là vùng đất lý tưởng để làm du lịch, bởi có điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn, thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa tộc người, nơi dồi dào tiềm năng du lịch sinh thái với hệ thống hồ, thác, khu hệ động, thực vật và nhiều tiểu vùng có khí hậu ôn hòa mát mẻ, thích hợp với loại hình nghỉ dưỡng.
Là khu vực tập trung 47 dân tộc thiểu số sinh sống nên Tây Nguyên nổi tiếng với tiềm năng du lịch văn hóa dân tộc phong phú, với các di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật có giá trị, các sinh hoạt văn hóa dân tộc đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Chu Ru.
Các điểm du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên như Vườn hoa Đà Lạt, thác Prenn, dinh Bảo Đại, Bản Đôn, Ngã 6 Ban Mê, nhà thờ gỗ Kon Tum, núi Lang Bian, nhà Mồ Tây Nguyên, Vườn quốc gia Chư Mom Ray ………… đã và đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của khu vực.
Hiện nay hệ thống giao thông cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Các đường liên tỉnh được tu bổ, mở rộng tạo ra nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và đặc biệt là ngành du lịch.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Sản xuất công nghiệp ở Tây Nguyên liên tục tăng trưởng và ngày càng được chú trọng phát triển, chuyển dịch dần vào khai thác các thế mạnh trong vùng về thủy điện, khai khoáng và chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng.
Đi theo hướng khai thác lợi thế của vùng, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống nhân dân. Ngoài ra sản phẩm mủ cao su phục vụ nhu cầu vùng khác và xuất khẩu. Các ngành công nghiệp như chế biến gỗ và lâm sản chiếm 24,7% giá trị sản lượng công nghiệp, công nghiệp thực phẩm chiếm 24,4%, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 13,41%, cơ khí 4,7%.
Giáo dục đào tạo và y tế
Sự nghiệp giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến quan trọng. Khu vực này phát triển mạnh hệ thống giáo dục đào tạo, thành lập mới nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề.
Tuy vậy, trình độ học vấn của người dân Tây Nguyên còn thấp so với các vùng khác. Theo khảo sát (năm 2009), tỷ lệ người dân từ năm tuổi trở lên không được đến trường của Tây Nguyên là 9,1% (cả nước là 5%); tương tự tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên ở Tây Nguyên không biết chữ là 11,2% (cả nước là 6%). Riêng hệ thống cơ sở dạy nghề vùng Tây Nguyên còn rất ít (hiện có hai trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề và hơn 40 trung tâm dạy nghề), bởi vậy quy mô tuyển sinh học nghề hằng năm dao động từ 48 đến 50 nghìn người, trong đó phần lớn là người học nghề dưới một năm... cho nên phần lớn người lao động khu vực Tây Nguyên chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn kỹ thuật trong các ngành nghề ở đây còn thấp dẫn đến năng suất lao động chưa cao.
Về y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất của ngành y tế đã tăng gấp 3 lần; mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng đến hầu hết các thôn buôn; trên 66% số xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Người dân được vận động tuyên truyền tốt nên khi ốm đã đi khám bệnh chứ không ở nhà cúng tế như trước nữa. Tuy vậy, địa phương vẫn thiếu nhiều bác sỹ giỏi và phương tiện chữa bệnh còn thiếu thốn.
3.2.2. Dân số và lao động
Khu vực Tây Nguyên là nơi tập trung đông những nhóm đồng bào dân tộc ít người, họ tạo nên những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của vùng đất Tây Nguyên.
Tính đến năm 2013, tổng dân số của 5 tỉnh Tây Nguyên là khoảng 5.482.000 người, gồm 47 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.426.337 người (chiếm 27% dân số).
Tây Nguyên hiện nay thực sự là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, với rất nhiều đặc trưng, sắc thái của nhiều tộc người, nhiều địa phương trong cả nước hội tụ, đồng thời cũng là nơi có tốc độ tăng dân số và biến động về cơ cấu dân cư nhanh nhất cả nước. Một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng di cư tự do kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn còn diễn ra phức tạp.
Đây cũng là nơi nhận được nhiều sự hỗ trợ về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế của các chương trình 134, 135… nên đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng cao, giảm sức ép đối với tài nguyên rừng. Khu vực cũng là nơi thực hiện thí điểm Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đây là một điểm mới trong công tác quản lý rừng cần được nghiên cứu để nhân rộng mô hình ra phạm vi rộng hơn. Thu nhập từ rừng mang lại đang