Điều kiện kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn ở tây nguyên (Trang 33 - 39)

So với các vùng khác trong cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội của Tây Nguyên có nhiều khó khăn, như là thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, mức sống còn thấp. Tuy nhiên, Tây Nguyên có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên.

3.2.1. Khái quát thực trạng kinh tế khu vực Tây Nguyên Cơ sở hạ tầng

Trong những năm gần đây, với sự đầu tư của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông. Từ chỗ chưa có gì sau năm 1975, đến nay đã có 1.560 công trình hồ chứa... đã đáp ứng trên 60% nhu cầu tưới tiêu. Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp, đã nâng cấp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 4.000km, nhiều tuyến đường huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hoá. Trên 91% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm đi được cả hai mùa; 98% số thôn buôn có điện lưới quốc gia; 100% số xã đã có trường tiểu học, trường mẫu giáo, trạm xá, phủ sóng phát thanh truyền hình và nối mạng thông tin viễn thông.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cơ sở hạ tầng tại Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế; mạng lưới giao thông tỉnh lộ và quốc lộ tuy đã hình thành, nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp. Chính điều này hạn chế giao thương hàng hóa, chưa phát huy được sự liên kết phát triển giữa các vùng miền có điều kiện phát triển hơn để thu hút đầu tư.

Thương mại, du lịch, dịch vụ

Tây Nguyên cũng là vùng đất lý tưởng để làm du lịch, bởi có điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn, thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa tộc người, nơi dồi dào tiềm năng du lịch sinh thái với hệ thống hồ, thác, khu hệ động, thực vật và nhiều tiểu vùng có khí hậu ôn hòa mát mẻ, thích hợp với loại hình nghỉ dưỡng.

Là khu vực tập trung 47 dân tộc thiểu số sinh sống nên Tây Nguyên nổi tiếng với tiềm năng du lịch văn hóa dân tộc phong phú, với các di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật có giá trị, các sinh hoạt văn hóa dân tộc đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Chu Ru.

Các điểm du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên như Vườn hoa Đà Lạt, thác Prenn, dinh Bảo Đại, Bản Đôn, Ngã 6 Ban Mê, nhà thờ gỗ Kon Tum, núi Lang Bian, nhà Mồ Tây Nguyên, Vườn quốc gia Chư Mom Ray ………… đã và đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của khu vực.

Hiện nay hệ thống giao thông cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Các đường liên tỉnh được tu bổ, mở rộng tạo ra nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và đặc biệt là ngành du lịch.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Sản xuất công nghiệp ở Tây Nguyên liên tục tăng trưởng và ngày càng được chú trọng phát triển, chuyển dịch dần vào khai thác các thế mạnh trong vùng về thủy điện, khai khoáng và chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng.

Đi theo hướng khai thác lợi thế của vùng, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống nhân dân. Ngoài ra sản phẩm mủ cao su phục vụ nhu cầu vùng khác và xuất khẩu. Các ngành công nghiệp như chế biến gỗ và lâm sản chiếm 24,7% giá trị sản lượng công nghiệp, công nghiệp thực phẩm chiếm 24,4%, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 13,41%, cơ khí 4,7%.

Giáo dục đào tạo và y tế

Sự nghiệp giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến quan trọng. Khu vực này phát triển mạnh hệ thống giáo dục đào tạo, thành lập mới nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề.

Tuy vậy, trình độ học vấn của người dân Tây Nguyên còn thấp so với các vùng khác. Theo khảo sát (năm 2009), tỷ lệ người dân từ năm tuổi trở lên không được đến trường của Tây Nguyên là 9,1% (cả nước là 5%); tương tự tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên ở Tây Nguyên không biết chữ là 11,2% (cả nước là 6%). Riêng hệ thống cơ sở dạy nghề vùng Tây Nguyên còn rất ít (hiện có hai trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề và hơn 40 trung tâm dạy nghề), bởi vậy quy mô tuyển sinh học nghề hằng năm dao động từ 48 đến 50 nghìn người, trong đó phần lớn là người học nghề dưới một năm... cho nên phần lớn người lao động khu vực Tây Nguyên chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn kỹ thuật trong các ngành nghề ở đây còn thấp dẫn đến năng suất lao động chưa cao.

Về y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất của ngành y tế đã tăng gấp 3 lần; mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng đến hầu hết các thôn buôn; trên 66% số xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Người dân được vận động tuyên truyền tốt nên khi ốm đã đi khám bệnh chứ không ở nhà cúng tế như trước nữa. Tuy vậy, địa phương vẫn thiếu nhiều bác sỹ giỏi và phương tiện chữa bệnh còn thiếu thốn.

3.2.2. Dân số và lao động

Khu vực Tây Nguyên là nơi tập trung đông những nhóm đồng bào dân tộc ít người, họ tạo nên những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của vùng đất Tây Nguyên.

Tính đến năm 2013, tổng dân số của 5 tỉnh Tây Nguyên là khoảng 5.482.000 người, gồm 47 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.426.337 người (chiếm 27% dân số).

Tây Nguyên hiện nay thực sự là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, với rất nhiều đặc trưng, sắc thái của nhiều tộc người, nhiều địa phương trong cả nước hội tụ, đồng thời cũng là nơi có tốc độ tăng dân số và biến động về cơ cấu dân cư nhanh nhất cả nước. Một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng di cư tự do kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn còn diễn ra phức tạp.

Đây cũng là nơi nhận được nhiều sự hỗ trợ về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế của các chương trình 134, 135… nên đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng cao, giảm sức ép đối với tài nguyên rừng. Khu vực cũng là nơi thực hiện thí điểm Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đây là một điểm mới trong công tác quản lý rừng cần được nghiên cứu để nhân rộng mô hình ra phạm vi rộng hơn. Thu nhập từ rừng mang lại đang tạo ra những bước tiến mới, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra trên địa bàn còn có các Dự án về phát

triển lâm nghiệp (661, Flitch) nên công tác bảo vệ rừng cũng được quan tâm thực hiện.

Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên không còn cư trú theo lãnh thổ tộc người riêng biệt mà sinh sống xen kẽ, đan xen nhau, có sự giao lưu về văn hóa với người Kinh và các dân tộc khác từ miền Trung, miền Bắc đến sinh cơ lập nghiệp. Trong quá trình chung sống cận kề, các cộng đồng dân cư tuy thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau nhưng cơ bản có sự hoà hợp, đoàn kết, không phân biệt giữa người tại chỗ và nơi khác đến, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sản xuất chính của đồng bào là làm nương rẫy và khai thác đất theo chế độ luân canh, sản xuất thô sơ, chủ yếu dựa vào thiên nhiên, cây lương thực chính là lúa tẻ, ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn làm lương thực phụ và chăn nuôi, nấu rượu... Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm như: trâu, bò, heo, gà chủ yếu dùng vào việc cúng tế. Đồng bào cũng có các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như dệt vải, rèn, mộc, làm nhà, làm thuyền độc mộc, đan lát các dụng cụ gia đình bằng mây, tre,… Hiện những nghề này đang từng bước được phục hồi để tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời bảo tồn những giá trị truyền thống.

Tóm lại, khu vực Tây Nguyên là nơi có vị trí thuận lợi trong giao lưu khu vực, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng công nghiệp hóa như cà phê, cao su, hổ tiêu, điều, trồng hoa, rau xuất khẩu, chăn nuôi đại gia súc…….. độ che phủ của rừng cao nhất cả nước với hệ động thực vật phong phú, nhiều thác nước hung vĩ tạo nên nhiều cảnh quan đẹp đã cho phép Tây Nguyên khai thác thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và phát triển thủy điện.

Đồng bào các dân tộc trong khu vực có nền văn hóa lâu đời mang đậm phong cách riêng, cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện… đó là những điều kiện rất thuận lợi cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư để thực hiện những kế hoạch phát triển kinh tế.

Bên cạnh những thuận lợi như vậy khu vực Tây Nguyên cũng có những hạn chế và thách thức không nhỏ. Đầu tiên là địa hình. Địa hình của khu vực tương đối phức tạp, có các dạng địa hình chính là núi cao, đồi thấp đến trung bình, cao nguyên bằng phẳng và thung lũng. Rừng phòng hộ đầu nguồn lại tập trung chủ yếu ở những nơi có địa hình không thuận lợi, núi cao, hiểm trở, độ dốc lớn, điều này gây khó khăn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Tuy đã có nhiều biến chuyển trong nhận thức nhưng ý thức bảo vệ rừng của nhân dân và cả các cán bộ còn chưa mạnh, chưa sâu. Một thực tế đang diễn ra tại đây, khi mà kinh tế càng phát triển, cà phê, điều, tiêu càng được giá thì diện tích rừng lại càng giảm mạnh. Người dân phá rừng lấy đất trồng cây và lấy gỗ làm cột chống cây càng nhiều, vì vậy áp lực đối với rừng càng cao.

Những năm gần đây tình hình dân số tăng nhanh, có cả nguyên nhân do sự di cư của những người từ nơi khác đến. Mật độ dân số lại không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đây là một thách thức đối với công tác tổ chức phát triển nông lâm nghiệp bền vững để đảm bảo hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.

Chương 4

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.1. Đánh giá hiện trạng rừng phòng hộ đầu nguồn ở Tây Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn ở tây nguyên (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)