Kháng nguyên bảo vệ PA là thành phần quan trọng trong quá trình gây độc của vi khuẩn B. anthracis. Phân tử PA hoàn chỉnh có trọng lượng 83 kDa, gồm 735 acid amin, kích thước không gian 3 chiều là 100 x 50 x 30Å. Kháng nguyên bảo vệ PA do gen pagA mã hoá, gen này nằm trên plasmid pXO1 (185 kb) [19, 20].
Mặc dù bản thân PA không gây độc nhưng nó lại có khả năng truyền dẫn các độc tố vào bên trong tế bào vật chủ. PA83 có khả năng kết hợp với thụ thể trên bề mặt tế bào. Dưới tác dụng của protease nội bào họ furin, PA83 sẽ bị phân tách thành 2 phần là PA20 và PA63, để lộ ra vị trí liên kết với LF và EF [19, 20] Đây là bước rất nguy hiểm trong quá trình gây độc của PA. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nếu trên phân tử PA83 không chứa vị trí phân cắt này thì không có khả năng gây độc. Sau đó, các mảnh PA63 sẽ liên kết với nhau để tạo thành vòng heptam có 7 nhánh. Khi vòng heptam kết hợp với nhân tố LF sẽ gây chết và kết hợp với nhân tố EF sẽ gây phù thũng cho tế bào vật chủ. Vì vậy, kháng nguyên bảo vệ PA được coi là tác nhân gián tiếp gây độc cho tế bào vật chủ làm tăng hiệu quả gây độc của nhân tố gây chết và phù thũng [19, 20].
Bên cạnh đó PA còn có vai trò chính trong miễn dịch bệnh than. Người ta đã nghiên cứu khả năng kích thích gây đáp ứng miễn dịch của nhiều kháng nguyên vi khuẩn B. anthracis như vỏ capsulee, S – layer hay các protein khác, kết quả cho thấy chỉ có các protein hình thành độc tố than mới có khả năng kích thích miễn dịch sinh kháng thể nhờ khả năng trung hoà độc tố than [9].
Kháng thể PA sẽ phá huỷ protein PA ở vị trí liên kết với thụ thể trên tế bào vật chủ hoặc phá huỷ vị trí phân cắt trên vùng I của PA83. Chính nhờ vai trò dẫn truyền quan trọng của PA cũng như khả năng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể chống bệnh than nên PA đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều
nghiên cứu chẩn đoán, phòng ngừa bệnh than cũng như các nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng nguyên liệu là protein kháng nguyên bảo vệ tái tổ hợp.