Đa dạng về dạng sống của các loài thực vật được sử dụng làm thuốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều tra nghiên cứu nguồn tài nguyên thực vật làm thuốc ở khu bảo tồn thiên nhiên tây yên tử, tỉnh bắc giang làm cơ sở cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững​ (Trang 50 - 53)

Các loài thực vật nói chung và thực vật làm thuốc nói riêng đều có các dạng sống rất đa dạng và phong phú. Việc phân tích tính đa dạng về dạng sống của thực vật thuốc giúp chúng ta có thể định hướng được trong việc gây trồng, bảo vệ cũng như khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Từ kết quả điều tra về dạng sống của thực vật làm thuốc trong khu vực nghiên cứu, chúng tôi tiến hành phân tích các nhóm dạng sống theo 9 nhóm

chính. Kết quả được thể hiện qua bảng 4.4 sau:

Bảng 4.4. Các dạng sống chính của thực vật làm thuốc tại khu vực STT Dạng sống Kí hiệu Số lượng Tỉ lệ % 1 Cây cỏ C 114 38,90 2 Cây bụi B 69 23,55 3 Cây gỗ G 52 17,75 4 Dây leo DL 39 13,31 5 Bụi leo BL 12 4,10 6 Phụ sinh PS 2 0,68 7 Cau dừa CD 2 0,68 8 Hoại sinh HS 2 0,68 9 Thân tre TT 1 0,34 Tổng 9 293 100,00

43

Từ bảng trên chúng tôi nhận thấy, dạng sống của thực vật làm thuốc tại khu vực nghiên cứu khá đa dạng nhưng tập trung chủ yếu ở dạng cây cỏ (C) 114 loài, chiếm tới 38,90%. Giải thích cho điều này là do các loài thuộc nhóm này thường có số lượng lớn, thích nghi được rất nhiều hoàn cảnh sống nên phân bố ở khắp mọi nơi, có khi sống ở những nơi rất gần con người như ở ven rừng, nương rẫy, đường đi, có khi ở trong vườn nhà dân...Mặt khác, các loài cây thân cỏ thường nhỏ, thu hái và chế biến, do đó người dân rất dễ dàng kiếm được các loài cây thuộc nhóm này để làm thuốc. Điển hình cho nhóm cây này là các loài thuộc các họ như: họ Cúc (Asteraceae - 17 loài), họ Cỏ (Poaceae - 8 loài), họ Gừng (Zingiberaceae - 7 loài), họ Rau dền (Amarantaceae - 7 loài), họ Hoa môi (Lamiaceae - 5 loài), họ Ráy (Araceae - 5 loài)...

Tiếp đến là cây bụi (B) - 69 loài, chiếm 23,55%, tập trung chủ yếu ở các họ như: họ Thầu dầu (Euphorbiaceae - 10 loài), họ Bông (Malvaceae - 5 loài), họ Dâu tằm (Moraceae - 5 loài), họ Cam (Rutaceae - 5 loài)... Đây là những nhóm cây phân bố chủ yếu ở những khu vực như: bìa rừng, rừng thứ sinh phục hồi, bờ khe suối, nương rẫy đã bỏ hoang...

Nhóm cây gỗ (G) 52 loài, Dây leo (DL) 39 loài cũng chiếm một tỉ lệ khá lớn, lần lượt với các giá trị tương ứng là 17,75% và 13,31%. Nhóm cây này phân bố ở khắp các dạng sinh cảnh khác nhau, từ rừng rậm đến rừng thứ sinh nghèo đang phục hồi hay nương rẫy bỏ hoang, đường đi hay vườn nhà...

Các nhóm cây còn lại chiếm số lượng nhỏ nhưng trong chúng có một số loài có giá trị làm thuốc rất cao như: Linh chi (Gadoderma lucidus (Leyss. ex Fr.) Konst.), Mộc nhĩ (Auricularia pol itrichacc), Cốt toái bổ (Drynaria fortunei), Tắc kè đá (Drynaria bonii Christ)... Mặt khác, các nhóm cây này cũng góp phần làm đa dạng thêm các dạng sống của cây thuốc cũng như thể

44

hiện được vốn kiến thức đa dạng của người dân nơi đây trong việc sử dụng cây thuốc trong chữa trị bệnh.

4.1.3. Đa dạng về sinh cảnh sống của thực vật làm thuốc

Cũng giống như tất cả các loài thực vật khác, thực vật làm thuốc phân bố ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Từ những cây thuốc nhỏ đến những cây thuốc lớn, từ những cây thuốc chữa các bệnh đơn giản đến những cây thuốc quý chữa các bệnh hiểm nghèo, từ những cây thuốc mọc ở vườn nhà đến những cây thuốc chỉ ở trong tận rừng sâu mới có... Do vậy, việc biết được chúng phân bố ở những nơi nào, ở trong những điều kiện sống hay sinh cảnh sống như thế nào là việc làm hết sức cần thiết nhằm giúp chúng ta quản lý, khai thác và sử dụng chúng một cách có hiệu quả nhất.

Qua việc điều tra thực tế trên các tuyến, phỏng vấn kinh nghiệm của những người có kinh nghiệm và hiểu biết trong việc thu hái cây thuốc. Chúng tôi đã tổng hợp và phân chia các dạng sinh cảnh sống của các loài cây thuốc tại khu vực thành 9 dạng chủ yếu. Kết quả thể hiện ở bảng 4.5.

Bảng 4.5: Các dạng sinh cảnh sống chính của thực vật làm thuốc STT Dạng sinh cảnh sống Kí hiệu Số lượng loài

1 Rừng R 164

2 Vườn, bờ bãi V 126

3 Đồi, nương rẫy Đ 64

4 Bờ rào Bo 27

5 Ven đường đi Ve 26

6 Ruộng Ru 26

7 Ven suối Vs 21

8 Bờ ruộng Br 3

45

Kết quả thu được cho thấy rằng: Rừng là nơi tập trung của hầu hết các loại cây thuốc, với 164 loài, chiếm 55,97% tổng số các loài cây thuốc được điều tra, đặc biệt là các cây thuốc quý hiếm, khối lượng cây thuốc có thể thu hái cũng lớn nhất so với các dạng sinh cảnh khác. Tiếp đến là sinh cảnh vườn, bờ bãi có 126 loài, chiếm 43%. Dạng sinh cảnh này tập trung chủ yếu là các loài cây thuốc có dạng thân cỏ, cây bụi nhỏ, các cây được con người lấy từ rừng về trồng hoặc du nhập từ nhiều nơi khác về làm cho sinh cảnh này có số lượng cây thuốc rất cao. Sinh cảnh đồi bãi, nương rẫy, nhất là các nương rẫy đã bị bỏ hoang là một trong những dạng sinh cảnh sống thích hợp của các cây thuốc có dạng sống cây thân cỏ, cây bụi nhỏ đến gỗ, một số loài cây gỗ nhỏ đến nhỡ cũng xuất hiện ở dạng sinh cảnh này. Bên cạnh đó, các dạng sinh cảnh như: Ven suối, ven đường đi hay ruộng tuy có số lượng các loài cây thuốc ít hơn nhưng đó là những cây thuốc rất gần gũi thân quen với mỗi người dân nông thôn, miền núi mà khi cần họ có thể lấy bất cứ lúc nào, Cụ thể một số loài như: Rau dệu (Alternanthera sessilis (L.) DC.), Dền cơm (Amaranthus viridis L.), Rau sam (Portulaca oleraceae L.), Đơn đỏ (Ixora coccinea L.), Tầm bóp (Physalis angulata L.), Lạc tiên (Passiflora foetida L.)...Còn lại các sinh cảnh như: ao, bờ ruộng thì chỉ có rất ít loài cây như: Rau má (Centella asiatica (L.) Urb.), Bèo cái (Pistia stratiotes L.).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều tra nghiên cứu nguồn tài nguyên thực vật làm thuốc ở khu bảo tồn thiên nhiên tây yên tử, tỉnh bắc giang làm cơ sở cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững​ (Trang 50 - 53)