Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn thành phố hòa bình tỉnh hòa bình​ (Trang 36 - 39)

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Thành phố Hoà Bình là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh Hoà Bình. Có tọa độ địa lý từ 20030’đến 200 50’độ vĩ Bắc; từ

105015’đến 105025’độ kinh Đông, cách Hà Nội khoảng 76 km về phía Tây.

Địa giới hành chính của thành phố được xác định như sau: - Phía Bắc giáp huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

- Phía Đông giáp huyện Kỳ Sơn (cũ) và huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. - Phía Nam giáp huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình.

- Phía Tây giáp huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.

Thành phố Hòa Bình nằm trên trục hệ thống giao thông quan trọng Quốc lộ 6, nối liền tỉnh Hoà Bình với các tỉnh vùng Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội. Đây là những điều kiện thuận lợi cơ bản để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và của tỉnh Hoà Bình nói chung.

3.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Thành phố Hòa Bình có địa hình tương đối phức tạp được chia làm 2 tiểu vùng đồng bằng và đồi núi. Thành phố có 2/3 diện tích là đồi núi bao quanh. Khu trung tâm thành phố với địa hình đồng bằng tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 18 - 22 m. Khu vực đồi núi với các xã Hòa Bình, Yên Mông, Dân Chủ, Sủ Ngòi, Thái Thịnh, Trung Minh có địa hình tương đối phức tạp với đồi núi bao quanh, có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 30 - 320 m.

3.1.1.3. Khí hậu

Thành phố Hoà Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc điểm chung của vùng; mùa Đông lạnh, ít mưa; mùa hè nóng, mưa nhiều. Khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 4 - 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Nhiệt độ trung bình năm là 23,40C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 28,80C (tháng 7), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 16,20C (tháng 1).

Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.860 mm nhưng phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Mưa tập trung chủ yếu vào các tháng từ tháng 5 - 8, chiếm 75% tổng lượng mưa. Các tháng còn lại mưa ít chỉ chiếm 25% tổng lượng mưa. Vào các tháng mùa khô mưa rất ít đặc biệt là tháng 11 và tháng 12.

Do nằm trong vùng Bắc Bộ nên hàng năm thành phố Hoà Bình chịu ảnh hưởng của gió lốc kèm theo là mưa lớn tập trung gây úng lụt ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân.

3.1.1.4. Thủy văn

Thành phố Hoà Bình có sông Đà chảy qua, chia cắt thành phố thành hai khu vực, bờ trái và bờ phải. Hệ thống suối gồm có suối Đúng, suối Trì, suối Cang… ở phía bờ trái và phía bờ phải có suối Chăm và một số suối nhỏ khác. Các hồ lớn chủ yếu tập trung ở phía bờ trái trên địa bàn các phường Hữu Nghị, Phương Lâm và Tân Hòa.

3.1.1.5 Các nguồn tài nguyên

a. Tài nguyên đất

Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng cho thấy trên địa bàn thành phố có các loại đất theo nguồn gốc phát sinh như sau:

- Đất Feralit, đất đỏ vàng trên núi: Loại đất này có thành phần cơ giới chủ yếu là thịt trung bình, thịt nhẹ, đất không chua, lân tổng số và lân dễ tiêu nghèo, kali tổng số và kali dễ tiêu nghèo. Các chất dinh dưỡng khác tương đối thấp, phân bố tại các vùng núi của thành phố. Loại đất này phù hợp cho phát triển cây lâm nghiệp và một số ít cây trồng ăn quả.

- Đất phù sa của hệ thống sông suối:

+ Đất phù sa được bồi đắp hàng năm: Diện tích tập trung ven các sông suối, chất lượng tốt có thành phần cơ giới nặng. Loại đất này thích hợp cho trồng cây hàng năm đặc biệt là lúa;

+ Đất phù sa không được bồi đắp: Được hình thành do sản phẩm bồi tụ của phù sa sông nhưng không bị ảnh hưởng của bồi tụ hàng năm. Loại đất này hình thành tầng canh tác, phẫu diện đất phân hoá rõ ràng (có tầng chuyển tiếp như glây, kết von, lớp cát xen). Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, đất chua, nghèo lân dễ tiêu, đạm tổng số thấp. Hiện nay loại đất này được sử dụng để trồng lúa nước.

- Đất nâu vàng trên phù sa cổ: Được hình thành trên mẫu đất phù sa cổ có địa hình lượn sóng hoặc dạng đồi thấp. Đặc điểm của loại đất này là tầng đất dày, thành phần cơ giới thịt nhẹ, ít chua, dinh dưỡng tương đối khá. Hiện nay loại đất này được sử dụng để trồng màu, mía, cây lâu năm.

b. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: Chủ yếu là nước sông Đà, đoạn sông Đà chảy qua thành phố Hoà Bình dài 23 km, có hồ Hoà Bình; Nhiệm vụ của hồ chứa ngoài mục đích cung cấp nước cho nhà máy thủy điện còn có vai trò quan trọng là điều tiết nước chống lũ cho đồng bằng sông Hồng vào mùa mưa, và cung cấp

nước cho sản xuất vào mùa khô. Đây là nguồn nước quan trọng cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nhìn chung chất lượng nguồn nước còn khá tốt, do có sự điều tiết của hồ Hòa Bình nên lưu lượng nước ở đây thường ổn định và cao hơn các nơi khác. Tuy nhiên do rừng ở thượng nguồn bị tàn phá nên chất lượng nguồn nước và lưu lượng nước cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Nguồn nước ngầm: hai bên bờ sông Đà, mực nước ngầm khá sâu khoảng 40 - 50 m, có một số nơi nước ngầm xuất hiện ở độ sâu 5 - 6 m, chất lượng nước tốt, không bị ô nhiễm. Lưu lượng nước ngầm đạt 150 - 200 m3/giờ. Hiện nay nguồn nước này đang được người dân khai thác sử dụng.

Tài nguyên nước của thành phố Hoà Bình tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển nông, lâm, ngư nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn.

c. Tài nguyên khoáng sản

Nguồn tài nguyên khoáng sản của thành phố Hòa Bình là đá vôi, đất sét phân bố rải rác trên địa bàn thành phố, tập trung nhiều ở xã Sủ Ngòi.

d. Tài nguyên rừng

Diện tích đất rừng của thành phố là 8.298,67 ha, chiếm 57,64% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó: - Diện tích đất rừng sản xuất: 5.227,60 ha, Diện tích đất rừng phòng hộ: 3.063,05 ha,Diện tích rừng đặc dụng:8,02 ha.

- Trong những năm gần đây công tác quản lý rừng được tăng cường nên diện tích rừng ngày càng tăng lên, tỷ lệ che phủ của rừng là trên 50%.

(UBND Thành phố Hoà Bình, 2020)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn thành phố hòa bình tỉnh hòa bình​ (Trang 36 - 39)