Nền kinh tế của cả khu vực còn mang tính tự cung tự cấp là chủ yếu, cộng với điều kiện vùng cao xa xôi, tiềm năng về khoáng sản không có do vậy các ngành kinh tế khác của địa phương khó có điều kiện phát triển. Hiện tại chỉ có một số hộ đồng bào người Kinh kinh doanh buôn bán tạp hoá và ăn uống ở trung tâm huyện và các xã.
Nhận xét chung
Kết quả điều tra cho thấy 05 xã vùng đệm huyện Mường Nhé tương đối đa dạng về thành phần dân tộc, với những phong tục, tập quán sinh hoạt khác nhau, tỷ lệ lao động thấp, trình độ dân trí không cao dẫn tới chất lượng lao động cũng còn nhiều hạn chế. Các dân tộc sống trong khu vực đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, nặng về khai thác bóc lột tài nguyên đất, tài nguyên rừng. Dân tộc Hmông chiếm tỷ lệ lớn (58,7%), nhiều hộ gia đình vẫn đốt nương làm rẫy, săn bắn thú rừng, cộng với các hộ dân tộc Hmông di dân tự do từ nơi khác đến là một nguyên nhân căn bản dẫn việc mất rừng và suy giảm giá trị đa dạng sinh học của rừng trong khu vực. Các dân tộc khác Hà Nhì, Thái, Xạ Phang, Cống có tập quán canh tác làm ruộng bậc thang, làm nương mầu, chăn nuôi gia súc gia cầm, định canh, định cư, tập trung sống ở dưới thấp, gần sông suối, do vậy ít gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng của khu vực. Đặc biệt là người Hà Nhì có ý thức bảo vệ rừng tương đối cao.
Ngoài ra hiện tượng bà con dân tộc của nước bạn Trung Quốc, Lào, cũng thường xuyên qua lại khai thác lâm sản, canh tác nương rẫy cũng tiềm ẩn nguy cơ suy giảm rừng và ảnh hưởng đến tình hình an ninh biên giới.
Như vậy, với những đặc điểm dân số lao động, sự đa dạng về thành phần dân tộc, cũng như trình độ văn hóa thấp kém, tập tục canh tác còn lạc hậu, phần đa đời sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là những khó khăn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương nói chung và công tác quản lý bảo vệ rừng nói riêng. Trong thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng các chương trình đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhà nước và UBND tỉnh Điện Biên cần xây dựng cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.