Sử dụng đất là hệ thống các biện pháp nhằm điều hòa mối quan hệ người - đất trong tổ hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và môi
trường. Căn cứ nhu cầu thị trường sẽ phát hiện, quyết định phương hướng chung và mục tiêu sử dụng đất, phát huy tối đa công dụng của đất nhằm đạt tới lợi ích sinh thái, kinh tế và xã hội cao nhất. Vì vậy, sử dụng đất thuộc phạm trù hoạt động kinh tế của nhân loại. Mỗi phương thức sản xuất xã hội nhất định, việc sử dụng đất theo yêu cầu của sản xuất và đời sống căn cứ vào thuộc tính tự nhiên của đất đai. Với ý nghĩa là nhân tố của sức sản xuất, các nhiệm vụ và nội dung sử dụng đất thể hiện ở các mặt sau:
- Sử dụng đất hợp lý về không gian, hình thành hiệu quả kinh tế không gian sử dụng đất;
- Phân phối hợp lý cơ cấu đất đai trên diện tích đất được sử dụng, hình thành cơ cấu kinh tế sử dụng đất;
- Quy mô sử dụng đất cần có sự tập trung thích hợp, hình thành quy mô kinh tế sử dụng đất;
- giữ mật độ sử dụng đất thích hợp, hình thành việc sử dụng đất một cách kinh tế, tập trung, thâm canh.
Hiện nay, các xu thế sử dụng đất được phát triển theo các hướng sau:
* Sử dụng đất theo hướng chiều rộng và tập trung:
Lịch sử phát triển của xã hội loài người chính là lịch sử biến đổi của quá trình sử dụng đất. Thời kỳ du mục, con người sống trong lều cỏ, những vùng đất có nước và cỏ bắt đầu được sử dụng. Khi xuất hiện ngành trồng trọt với những công cụ sản xuất thô sơ, diện tích đất đai được sử dụng tăng lên nhanh chóng, năng lực sử dụng đất cũng như ý nghĩa kinh tế của đất đai cũng gia tăng. Tuy nhiên, trình độ sử dụng đất còn thấp. Với sự tăng trưởng của dân số và phát triển kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, khoa học, quy mô, phạm vi và chiều sâu của việc sử dụng đất ngày một nâng cao. Yêu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tăng cao, các ngành nghề cũng phát triển theo xu hướng phức tạp và đa dạng, phạm vi sử dụng đất được mở rộng.
Cùng với việc phát triển đất theo không gian, trong điều kiện gia tăng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực thì đất canh tác cũng như đất sử dụng cho các mục đích khác được sử dụng theo hướng kinh doanh tập trung, với diện tích ít nhưng hiệu quả sử dụng cao.
Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ kinh doanh quảng canh sang kinh doanh thâm canh, để nâng cao sức sản xuất của một đơn vị diện tích, đòi hỏi phải liên tục nâng cao mức đầu tư về vốn và lao động, thường xuyên cải tiến kỹ thuật và công tác quản lý.
* Sử dụng đất phát triển theo hướng phức tạp và chuyên môn hóa
Khoa học kỹ thuật và kinh tế - xã hội phát triển, sử dụng đất từ hình thức quảng canh chuyển sang thâm canh, kéo theo xu thế từng bước phức tạp hóa và chuyên môn hóa cơ cấu sử dụng đất.
Khi kinh tế phát triển, nhu cầu của con người về vật chất, văn hóa, tinh thần và môi trường ngày một cao sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với đất đai. Khi mức sống còn thấp, việc sử dụng đất chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề thường nhật của cuộc sống là đủ cơm ăn, áo mặc và chỗ ở. Khi đời sống nâng cao, chuyển sang giai đoạn hưởng thụ, vấn đề sử dụng đất ngoài việc sản xuất vật chất còn phải thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và môi trường... đã làm cho cơ cấu sử dụng đất trở nên phức tạp hơn.
Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã cho phép mở rộng khả năng kiểm soát tự nhiên của con người, áp dụng các biện pháp thâm canh, cải tạo và nâng cao sức sản xuất của đất đai, thỏa mãn các loại nhu cầu của xã hội. Khi nền kinh tế khoa học kỹ thuật còn ở trình độ thấp, chủ yếu sử dụng bề mặt đất đai, nông nghiệp độc canh, trồng cỏ, khai thác khoáng sản còn hạn chế, xây dựng chủ yếu chọn đất bằng. Khi khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển, ngay cả đất xấu cũng được khai thác triệt để, hình thức sử dụng đa dạng, ruộng nước phát triển... đã làm cho nội dung sử dụng đất ngày một phức tạp hơn theo hướng sử
dụng toàn diện, triệt để các dinh dưỡng, sức tải, vật chất cấu thành và sản phẩm của đất đai để phục vụ cho lợi ích con người.
Để sử dụng hợp lý đất đai, đạt sản lượng và hiệu quả kinh tế cao rất cần có sự phân công và chuyên môn hoá theo khu vực. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị và ứng dụng công nghệ kỹ thuật, công cụ quản lý hiện đại sẽ nảy sinh yêu cầu phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn và tập trung, đồng thời cũng hình thành các khu vực chuyên môn hóa sử dụng đất khác nhau về hình thức và quy mô.
* Sử dụng đất phát triển theo hướng xã hội hóa và công hữu hóa.
Mỗi vùng đất thực hiện sản xuất tập trung một sản phẩm và hỗ trợ bổ sung lẫn nhau đã hình thành nên sự phân công hợp tác mang tính xã hội hóa sản xuất, cũng như xã hội hóa việc sử dụng đất đai.
Đất đai là cơ sở vật chất và là công cụ để con người sinh sống và xã hội tồn tại... Vì vậy, việc chuyên môn hóa theo yêu cầu xã hội hóa sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của xã hội hướng tới lợi ích cộng đồng và tiến bộ xã hội. Ngay cả ở xã hội mà mục tiêu sử dụng đất chủ yếu vì lợi ích của tư nhân, những vùng đất đai hướng dụng cộng đồng như: Nguồn nước, núi rừng, khoáng sản, sông ngòi, mặt hồ, biển cả, danh lam thắng cảnh, động thực vật quý hiếm... vẫn có những quy định về chính sách thực thi hoặc tiến hành công quản, kinh doanh... của Nhà nước nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc tư hữu tạo nên những mâu thuẫn gay gắt của xã hội.
Xã hội hóa sử dụng đất đai là sản phẩm tất yếu và là yêu cầu khách quan của sự phát triển xã hội hóa sản xuất. Vì vậy, xã hội hóa sử dụng đất và công hữu hóa là xu thế tất yếu. Muốn kinh tế phát triển và thúc đẩy xã hội hóa sản xuất cao hơn, cần phải thực hiện xã hội hóa và công hữu hóa sử dụng đất.