Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện chương mỹ, thành phố hà nội​ (Trang 26 - 29)

Phương pháp xác định với chỉ tiêu đánh giá đúng sẽ định hướng phát triển sản xuất và đưa ra các quyết định phù hợp để tăng nhanh hiệu quả.

- Cơ sở để lựa chọn hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp:

+ Mục tiêu và phạm vi đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; + Nhu cầu của địa phương về phát triển hoặc thay đổi loại hình sử dụng đất nông nghiệp;

+ Các khả năng về điều kiện tự nhiên, KT - XH và các tiến bộ kỹ thuật mới được đề xuất cho các thay đổi sử dụng đất đó.

- Nguyên tắc khi lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp (Dẫn theo Phan Sĩ Mẫn và cs, 2001):

+ Hệ thống chỉ tiêu phải có tính thống nhất, tính toàn diện và tính hệ thống. Các chỉ tiêu có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phải đảm bảo tính so sánh có thang bậc;

+ Để đánh giá chính xác, toàn diện cần phải xác định các chỉ tiêu chính, các chỉ tiêu cơ bản, biểu hiện mặt cốt yếu của hiệu quả theo quan điểm và tiêu chuẩn đã chọn, các chỉ tiêu bổ sung để hiệu chỉnh chỉ tiêu chính, làm cho nội dung kinh tế biểu hiện đầy đủ hơn, cụ thể hơn (Đào Châu Thu, Nguyễn Khang, 1998);

+ Hệ thống chỉ tiêu biểu hiện hiệu quả một cách khách quan, chân thật và đúng đắn nhất theo tiêu chuẩn và quan điểm đã vạch ra ở trên để soi sáng sự lựa chọn các giải pháp tối ưu và phải gắn với cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với đặc điểm và trình độ hiện tại của nền kinh tế;

+ Các chỉ tiêu phải phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển nông nghiệp ở nước ta, đồng thời có khả năng so sánh quốc tế trong quan hệ đối ngoại nhất là những sản phẩm có khả năng xuất khẩu;

+ Phải có tác dụng kích thích sản xuất phát triển.

Dựa trên cơ sở khoa học của hiệu quả, yêu cầu nghiên cứu hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài chúng tôi lựa chọn các chỉ tiêu sau:

1.2.3.1. Hệ thống chỉ tiêu trong tính toán hiệu quả kinh tế

Chúng tôi sử dụngcách tính hiệu quả kinh tế sử dụng đất được tính trên 1 ha đất nông nghiệp bằng hệ thống chỉ tiêu cụ thể như sau:

+ Giá trị sản xuất (GTSX): Là giá trị toàn bộ sản phẩm sản xuất ra trong kỳ sử dụng đất (một vụ, một năm, tính cho từng cây trồng và có thể tính cho cả công thức luân canh hay hệ thống sử dụng đất, thường là một năm);

+ Chi phí trung gian (CPTG): Là toàn bộ chi phí vật chất thường xuyên bằng tiền sử dụng trực tiếp cho quá trình sử dụng đất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ, nhiên liệu, nguyên liệu, thuê nhân công…).

Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả:

+ Giá trị gia tăng (GTGT): Là giá trị mới tạo ra trong quá trình sản xuất được xác định bằng giá trị sản xuất (GTSX) trừ chi phí trung gian (CPTG).

GTGT = GTSX - CPTG

- Hiệu quả kinh tế trên 1 đồng chi phí trung gian (GTSX/CPTG, GTGT/CPTG). Đây là chỉ tiêu tương đối của hiệu quả, nó chỉ ra hiệu quả sử dụng các chi phí biến đổi và thu dịch vụ.

- Hiệu quả kinh tế trên ngày công lao động quy đổi, bao gồm: GTSX/LĐ, GTGT/LĐ, TNHH/LĐ. Thực chất là đánh giá kết quả đầu tư lao động sống cho từng kiểu sử dụng đất và từng cây trồng làm cơ sở để so sánh với chi phí cơ hội của người lao động.

- Chỉ tiêu phân tích được đánh giá định lượng (giá trị tuyệt đối) bằng tiền theo thời gian hiện hành, định tính (giá trị tương đối) được tính bằng mức độ cao thấp. Các chỉ tiêu đạt được mức càng cao thì hiệu quả kinh tế càng nhỏ.

1.2.3.2. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả xã hội:

Hiệu quả xã hội chính là mối tương quan so sánh giữa kết quả xã hội (kết quả xét về mặt xã hội) và tổng chi phí bỏ ra. Các chỉ tiêu hiệu quả xã hội thể hiện cụ thể:

- Mức thu hút lao động, mức độ sử dụng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập;

- Trình độ dân trí, trình độ hiểu biết khoa học.

1.2.3.3. Các chỉ tiêu về hiệu quả môi trường:

Hiệu quả môi trường sinh thái có thể phân tích thông qua các chỉ tiêu sau:

- Đánh giá tính thích hợp của các cây trồng đối với điều kiện đất đai hiện tại thông qua các chỉ tiêu cụ thể:

+ Mức độ đầu tư phân bón; + Mức độ sử dụng thuốc BVTV.

- Hệ số sử dụng đất, biện pháp luân canh cải tạo đất;

- Tỉ lệ diện tích đất đai được bảo vệ và cải tạo, bị ô nhiễm hay thóai hóa; - Mức độ bảo vệ môi trường sinh thái trong vùng (đất, nước, không khí, động, thực vật);

Môi trường trong nông nghiệp bao gồm các biện pháp làm đất, bón phân, tưới tiêu nước. Nếu như sự phối hợp các khâu này trong canh tác không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất bởi các chất hóa học, đất bị chua, mặn hoặc laterit hóa, làm giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, phẩm chất nông sản và làm suy thóai môi trường.

Việc xác định hiệu quả về mặt môi trường của quá trình sử dụng đất nông nghiệp là rất phức tạp, rất khó định lượng, đòi hỏi phải được nghiên cứu, phân tích trong một thời gian dài. Vì vậy, đề tài nghiên cứu chúng tôi chỉ dừng lại ở việc đánh giá hiệu quả môi trường thông qua việc đánh giá thích hợp của các cây trồng đối với điều kiện đất đai hiện tại, thông qua kết quả điều tra về đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kết quả phỏng vấn hộ nông dân về nhận xét của họ đối với các loại hình sử dụng đất hiện tại.

Đánh giá hiệu quả sử dụng đất cần kết hợp chặt chẽ giữa ba hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường trong một thể thống nhất. Tuy nhiên, tùy từng điều kiện cụ thể mà ta có thể nhấn mạnh từng hệ thống chỉ tiêu ở mức độ khác nhau (Đỗ Nguyên Hải, 2001).

1.3. Tình hình nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện chương mỹ, thành phố hà nội​ (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)